Xuất khẩu giảm, sao giá tôm vẫn cao?

Xuất khẩu tôm bắt đầu giảm dần từ quý IV/2022 và tháng 1/2023 kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước chỉ hơn 169 triệu USD, giảm 46% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, giá tôm trong nước ở hầu hết các kích cỡ đều duy trì ở mức cao, tạo nên những suy luận trái chiều về các dự báo của ngành tôm trước đó.

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 1/2023, xuất khẩu thủy sản nói chung và xuất khẩu tôm nói riêng vẫn tiếp đà giảm sâu của quý cuối năm 2022 do thị trường tiêu thụ khó khăn và trong tháng 1 có nhiều ngày nghỉ (tết Dương lịch, tết Nguyên đán). Hầu hết các thị trường chính của con tôm Việt Nam, như: Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật… đều giảm mạnh nên xuất khẩu tôm cả nước trong tháng 1/2023 ước tính chỉ có 169,134 triệu USD, giảm 46% so với cùng kỳ. Với những dự báo cho rằng nền kinh tế thế giới nhiều khả năng sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay, nên bức tranh xuất khẩu thủy sản nói chung và con tôm nói riêng sẽ khó có thể cải thiện nhanh trong những tháng đầu năm này.


Nhờ tôm có giá và chương trình khuyến mãi tôm giống (20 – 30%) nên tiến độ thả tôm gần đây bắt đầu tăng lên.

Tuy xuất khẩu gặp khó khăn kéo dài từ đầu quý I/2022 đến nay nhưng điều bất ngờ là giá tôm trong nước chẳng những không sụt giảm theo quy luật thường thấy mà còn duy trì ở mức cao xuyên suốt từ cuối năm 2022 đến nay ở hầu hết các kích cỡ. Trao đổi với người viết về sự bất thường này, các doanh nghiệp ngành tôm cho rằng, trước hết là do dịch bệnh kéo dài từ vụ nuôi năm 2022, cộng thêm các doanh nghiệp đầu vào thông báo tăng giá con giống, thức ăn từ ngày 5/1, nên tiến độ thả giống sớm tại các vùng nuôi rất chậm. Đây được xem là giai đoạn thấp điểm tôm nguyên liệu trong khi các nhà máy vẫn cần tôm nguyên liệu để duy trì hoạt động, số khác vẫn đang còn trả nợ hợp đồng năm cũ, cộng thêm sức tiêu thụ thị trường nội địa cao đã giúp giá tôm duy trì ở mức có lợi cho người nuôi.

Thông tin mới nhất mà người viết nhận được từ một doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn trong tỉnh là hầu hết các thị trường xuất khẩu tôm trọng điểm của Việt Nam hiện đều tồn kho rất nhiều, trong khi quốc gia có sản lượng tôm lớn là Ecuador lại sắp bước vào vụ thu hoạch nên áp lực về giá sẽ là rất lớn đối với tôm Việt Nam. Thực tế cho thấy, các cuộc thương thảo hợp đồng xuất khẩu tôm của doanh nghiệp trong tỉnh với các hệ thống phân phối lớn đều khó thành do đối tác đưa ra mức giá rất thấp cho hợp đồng giao trong quý III/2023. Lãnh đạo một doanh nghiệp ngành tôm trong tỉnh chia sẻ: “Đối với hợp đồng tôm giao trong quý III/2023 khi thương thảo mới đây, hệ thống phân phối lớn cho giá giao hàng rất thấp, tính ra đối với tôm cỡ 40 con/kg chỉ vào khoảng 100.000 đồng, trong khi doanh nghiệp hiện đang mua vào với giá 150.000 đồng”. Với những khó khăn trên, vị lãnh đạo doanh nghiệp này dự báo: “Năm nay, chắc có không ít nhà máy bỏ cuộc chơi”.

Mặc dù kinh tế thế giới được dự báo có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay, nhưng theo VASEP, thủy sản vẫn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và nhu cầu sẽ không thể sụt giảm quá mạnh, nhưng sẽ có điều chỉnh về nhu cầu, giá cả theo phân khúc sản phẩm. Theo đó, lợi thế sẽ nghiêng nhiều hơn về các ngành hàng có giá vừa phải vì phù hợp với tầng lớp người tiêu dùng thu nhập thấp hoặc trung bình – vốn là nhóm bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi lạm phát. Còn theo các chuyên gia kinh tế, năm 2023 vẫn còn nhiều rủi ro, bao gồm nguy cơ leo thang chiến tranh ở Ukraine và sự xuất hiện của một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương có thể tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung thủy sản ở các thị trường lớn. Bối cảnh đó cũng có thể coi là cơ hội cho thủy sản Việt Nam tăng cung cấp sang các thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU… Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa mang lại hy vọng lớn về sự hồi phục nhu cầu không chỉ ở thị trường này mà cả các thị trường khác trên thế giới, khi mà du lịch và giao thương được thông suốt. Và sự hồi phục mà thị trường này mang lại cũng sẽ có kết quả rõ ràng ít nhất là từ quý II/2023. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn có thể lạc quan vào những thị trường được đánh giá có nền kinh tế tăng trưởng trong năm nay như khu vực châu Á, Trung Đông…

Cơ hội cho ngành thủy sản nói chung và con tôm nói riêng trong năm 2023 là vẫn còn, nhưng để nắm bắt, tận dụng thành công cơ hội này, trước hết các doanh nghiệp phải vượt qua được thử thách mà theo dự báo chí ít cũng phải mất 6 tháng đầu năm 2023. Hay nói một cách khác, doanh nghiệp cần đảm bảo “sức khỏe” tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục có thể đáp ứng nguồn cung. Hơn nữa, doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế của từng phân khúc thị trường, sản phẩm… thông qua việc nắm bắt thông tin thị trường và dự báo. Cũng có những chia sẻ từ các doanh nghiệp đầu đàn trong ngành tôm rằng, các doanh nghiệp nên sớm chuyển hướng sang thị trường gần để giảm chi phí vận chuyển, góp phần giảm giá bán, tăng sức cạnh tranh, giúp tiêu thụ được tốt hơn.

Thời gian gần đây, nhờ sức hút từ giá tôm và các chương trình khuyến mãi tôm giống từ các doanh nghiệp nên tiến độ thả tôm tại các vùng nuôi có phần tăng lên, nên các doanh nghiệp, ngành chức năng khuyến cáo người nuôi hết sức thận trọng, không nên thả nuôi ồ ạt, mà chỉ nên thả một phần diện tích mang tính thăm dò vì điều kiện nuôi vẫn chưa thật sự thuận lợi nhất và diễn biến thị trường tiêu thụ vẫn rất khó lường.

TÍCH CHU

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Tin mới nhất

CN,24/11/2024