Xử lý nước, loại bỏ tảo gây hại trước khi cấp vào ao nuôi

Đó là khuyến cáo của cơ quan chức năng đối với người nuôi trồng thủy sản khi nguồn nước cấp trong đầm Cù Mông, TX Sông Cầu (Phú Yên) xuất hiện tảo gây hại.

Theo Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung, thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, kết quả quan trắc môi trường nước cấp cho vùng nuôi, sản xuất giống tôm nước lợ, nuôi tôm hùm và cá biển các xã Xuân Hải, Xuân Hòa (TX Sông Cầu), thời gian quan trắc từ ngày 21-22/10/2019 cho thấy: Hầu hết các thông số chất lượng nước cơ bản đều nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép đối với nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, thời tiết trước thời điểm quan trắc trời có mưa nên một số yếu tố môi trường như độ mặn, DO có xu hướng giảm so với đầu tháng 10/2019. Tảo Gymnodinium sp. ở mẫu nước thu gần chân cầu Bình Phú có mật độ 750 tế bào/lít và thôn 1 xã Xuân Hải có mật độ 2.200 tế bào/lít.

Bên cạnh đó, một số yếu tố môi trường nằm ngoài ngưỡng giá trị giới hạn cho phép như: độ mặn dao động từ 27-29‰ nên chưa phù hợp đối với vùng nuôi tôm hùm theo Quyết định số 2383/QĐ-BNN-NTTS (độ mặn: 30-35‰). Hàm lượng oxy hòa tan (DO) tại các điểm quan trắc dao động từ 4,68-4,92 mg/l, thấp hơn 5,0 mg/l nên chưa phù hợp theo QCVN 10-MT: 2015/BTNMT đối với vùng nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh (DO>5,0 mg/l), nhưng thích hợp để cấp vào ao nuôi tôm nước lợ theo QCVN 02-19:2014-BNNPTNT (DO≥3,5 mg/l). Ngoài ra, vi khuẩn Vibrio tổng số có mật độ >1.000 cfu/ml tại thôn 1 (1,5×1.000 cfu/ml) và gần chân Cầu Bình Phú (1,0×1.000 cfu/ml).

Theo dự báo, trong những ngày tới trên bàn tỉnh Phú Yên có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Vì vậy, để bảo vệ vật nuôi, Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung khuyến cáo:

Đối với tôm nước lợ, nguồn nước cấp trong đầm Cù Mông cần được lấy nước qua túi lọc và xử lý nước bằng iodine trước khi cấp vào ao nuôi, nhằm loại bỏ tảo gây hại, Vibrio sp., nhất là khu vực nước cấp tại thôn 1, xã Xuân Hải. Đồng thời, các ao đang nuôi cần duy trì mực nước từ 1,3m trở lên, thường xuyên theo dõi phản ứng, trạng thái vỏ, đường ruột, gan tụy, phân tôm để có biện pháp xử lý kịp thời.

Lưu ý xu hướng thời tiết có mưa dông nên người nuôi cần chuẩn bị các vật tư cần thiết như supper canxi, dilomite, Zeolite, khoáng vi lượng, vitamin C, chế phẩm sinh học và thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi như pH, DO, độ mặn, độ kiềm để có biện pháp xử lý, điều chỉnh kịp thời như: Bón vôi xung quanh bờ ao trước và sau khi mưa lớn để hạn chế hiện tượng pH và độ kiềm trong nước ao nuôi giảm đột ngột.

Để hạn chế hiện tượng giảm độ mặn đột ngột bằng cách lấy nước có độ mặn thích hợp vào ao trước khi mưa, để mực nước trong ao cao nhất (lưu ý trong khi trời mưa nên tránh các hoạt động làm xáo trộn nước trong ao nuôi). Sau khi mưa cần nhanh chóng xả bỏ nước ở tầng mặt của ao, cũng như tăng cường chạy quạt nước, sục khí để đảm bảo oxy hòa tan trong nước ao nuôi >4,0 mg/l, đáp ứng nhu cầu oxy cho tôm nuôi; bổ sung chế phẩm sinh học nhằm hạn chế khí độc, ổn định môi trường nước ao nuôi.

Đối với nuôi tôm hùm, cá biển, độ mặn có xu hướng giảm thấp do trời mưa nên người nuôi không đặt lồng nuôi gần bờ, tránh những vùng nước bị ảnh hưởng bởi nước ngọt. Cũng như tránh đưa tôm hùm lên mặt nước lồng nuôi vào những ngày thời tiết có mưa. Người nuôi nên hạ lồng nuôi xuống thấp nhưng cần cách đáy 1 – 1,5m để tránh thiếu oxy cục bộ và ảnh hưởng từ ô nhiễm nền đáy.

Chú ý kiểm tra sự phân tầng của nước nhất là những ngày có mưa (nhiệt độ, độ mặn, oxy hòa tan) để điều chỉnh lồng nuôi cũng như khoảng cách giữa các lồng nuôi cho phù hợp. Sau mưa lũ, vật chất rửa trôi đổ vào thủy vực tiềm ẩn nguy cơ phát sinh vi khuẩn, virus và ký sinh trùng sinh sôi, phát triển, gây ảnh hưởng đến thủy sản nuôi.

Kim Sơ

Để phòng bệnh cho tôm hùm và cá biển nuôi, người nuôi cần vệ sinh môi trường, vệ sinh lồng/bè nuôi, treo các túi vôi trong các góc lồng nhằm sát trùng môi trường nước. Thường xuyên kiểm tra, tách riêng các cá thể yếu, nhiễm bệnh ra khỏi lồng nuôi, thực hiện các giải pháp phòng ngừa bệnh theo Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT, điều trị bệnh sữa, đỏ thân trên tôm hùm nuôi theo TBKT 03-02:2017/ BNNPTNT đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Tin mới nhất

CN,24/11/2024