Xây dựng Trung tâm Giống cá tra quốc gia tại An Giang

Thiên nhiên ưu đãi

Đó là đánh giá của TS. Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (KT&QHTS) khi đánh giá về điều kiện phát triển sản xuất cá tra giống và nuôi cá tra thương phẩm ở An Giang. Đây gần như là loài cá độc tôn của vùng ĐBSCL và những địa phương đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp có thế mạnh hơn cả. “An Giang được hưởng lợi từ sông Tiền và sông Hậu với chất lượng nguồn nước tốt, khả năng tự làm sạch tuyệt vời. An Giang còn có hệ thống giao thông thủy thuận lợi, địa hình phù hợp để nuôi cá tra tập trung. Trên thực tế, đây là địa phương có vùng nuôi cá tra chủ yếu của ĐBSCL và là địa phương phù hợp để phát triển trung tâm sản xuất cá tra giống” – TS. Tùng phân tích.

Dù An Giang cũng như vùng ĐBSCL có lợi thế về nghề nuôi cá tra là vậy nhưng giá trị xuất khẩu cá tra lại có khuynh hướng sụt giảm. Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2016, diện tích nuôi cá tra vùng ĐBSCL đạt 5.050 héc-ta (tăng 2% so năm 2011, bình quân tăng 0,17%/năm), năng suất đạt 228 tấn/héc-ta (giảm 1,1% so năm 2011, bình quân giảm 0,22%/năm), kim ngạch xuất khẩu đạt 1,71 tỷ USD (giảm 5,04% so năm 2011, bình quân giảm 1,03%/năm). Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ việc chất lượng con giống không đảm bảo. Hiện có trên 50% tỷ lệ con giống chưa được kiểm soát bán trôi nổi trên thị trường. Vì lợi nhuận, nhiều cơ sở sản xuất giống đã cạnh tranh thiếu lành mạnh bằng cách ép cá tra bố mẹ đẻ quá nhiều lần trong năm trong khi chất lượng đàn cá tra bố mẹ bị thoái hóa, lai cận huyết đã xuống cấp đến mức báo động. Chất lượng con giống chưa tốt khiến tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi cá tra thương phẩm luôn ở mức cao, ảnh hưởng đến chất lượng thịt và tỷ lệ phi lê cá tra. Đây là nguyên nhân khiến chi phí nuôi tăng, cộng với việc sản xuất không theo quy hoạch, kế hoạch, thiếu liên kết dọc và ngang theo chuỗi giá trị dẫn đến khó truy xuất được nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của thị trường nhập khẩu.

 

Xây dựng Trung tâm Giống cá tra quốc gia tại An Giang

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Quang Thi (thứ 3, từ trái sang) tham quan quy trình sản xuất cá tra giống

 

Xây dựng Trung tâm Giống cá tra quốc gia tại An Giang

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám (trái) và Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Trần Anh Thư (phải) khảo sát cơ sở sản xuất giống cá tra của Công ty Cổ phần Nam Việt

Cộng đồng trách nhiệm

Để giải quyết những tồn tại của nghề nuôi cá tra, phải bắt đầu từ khâu chất lượng con giống. Ngày 24-3-2017, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng dự án giống cá tra 3 cấp chất lượng cao. Trên cơ sở hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND tỉnh đã tích cực xây dựng dự thảo “Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL tại An Giang”, lấy ý kiến 9 tỉnh ĐBSCL (có vùng sản xuất cá tra giống), các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, hộ dân trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. “Cách tiếp cận từ con giống là hướng đi đúng. Nếu con giống không tốt thì nuôi thế nào cũng không tốt. Việt Nam làm chủ toàn thế giới về cá tra, đây là cơ hội để sở hữu dòng cá, giống cá có chất lượng. Con tôm Việt Nam từ 3,7 tỷ USD đã nâng lên giá trị xuất khẩu 10 tỷ USD. Chúng ta cũng có thể đặt mục tiêu xuất khẩu cá tra từ 1,7 tỷ USD lên 5 tỷ USD vào năm 2025 để phấn đấu” – Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Việt Úc Đặng Quốc Tuấn đánh giá.

Thấy được lợi thế của cá tra, Tập đoàn Việt Úc quyết định đầu tư vùng sản xuất giống cá tra chất lượng cao rộng 100 héc-ta ở TX. Tân Châu. Đây là một trong những vùng sản xuất cá tra giống tập trung của An Giang, cùng với 200 héc-ta ở xã Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú), 100 héc-ta ở phườngMỹ Thạnh (cặp đường tránh TP. Long Xuyên). Đồng thời, xây dựng Trung tâm Sản xuất giống cá tra chất lượng cao tỉnh An Giang, cung ứng cho toàn vùng ĐBSCL. Đối với tỉnh Đồng Tháp, có 3 vùng sản xuất, ương dưỡng cá tra giống trong chuỗi 3 cấp, quy mô 100 héc-ta/vùng là: TX. Hồng Ngự, huyện Châu Thành và huyện Cao Lãnh. TP. Cần Thơ có một vùng 100 héc-ta ở huyện Cờ Đỏ. Mới đây, tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho “Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL tại An Giang”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám yêu cầu nâng mục tiêu của đề án, quyết tâm hành động để đến năm 2020, diện tích tham gia chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cơ bản đáp ứng nhu cầu giống cá tra của vùng ĐBSCL. Con giống cá tra của chuỗi liên kết đảm bảo chất lượng, tăng trưởng nhanh và kháng bệnh, chất lượng phù hợp theo TCVN 9963:2014. Toàn bộ con giống cá tra của chuỗi sản xuất được doanh nghiệp bao tiêu theo giá sàn thỏa thuận.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị An Giang cũng như các tỉnh ĐBSCL cần chủ động tạo quỹ đất bằng cách thuê lại đất của nông dân, thực hiện dồn điền đổi thửa, sau đó cho doanh nghiệp thuê có thời hạn. Ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho các vùng sản xuất giống tập trung ở An Giang và Đồng Tháp. Các tỉnh còn lại sẽ vận dụng nguồn ngân sách hỗ trợ để đầu tư hạ tầng cho các vùng sản xuất giống sau khi rút kinh nghiệm từ An Giang…

Ngô Chuẩn
Nguồn: Báo An Giang

Nhằm đảm bảo thời gian hoàn thiện “Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL tại An Giang” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 11-2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Quang Thi đề nghị các tỉnh trong vùng ĐBSCL cùng cộng đồng trách nhiệm, đóng góp ý kiến xác đáng để sớm xây dựng thể chế, quy trình, quy chuẩn kỹ thuật sản xuất giống cá tra nhằm phục vụ cho ngành cá tra phát triển.