Vụ tôm mới, lo dịch bệnh mới

Trong khi những khó khăn từ vụ tôm năm 2023 chẳng những chưa qua, mà còn được dự báo kéo dài đến hết quý II/2024, thì ngay từ khi vụ nuôi mới năm 2024 bắt đầu, người nuôi tôm đã cảm thấy lo lắng với khó khăn đến từ dịch bệnh.

Khi vụ tôm nước lợ năm 2024 vừa khởi động, người viết đã liên tiếp nhận được thông tin phản ánh từ các trại nuôi lớn trong tỉnh Sóc Trăng về tình hình bệnh TPD (bệnh hậu ấu trùng trong suốt) với tâm trạng lo lắng. Ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cũng rất lo lắng vì nếu không có biện pháp ngăn chặn bệnh TPD, nguy cơ thiếu con giống cho vụ nuôi là rất cao. Còn theo ông Võ Văn Phục – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, nguy cơ tiềm ẩn cho ngành tôm trước dịch bệnh TPD là rất lớn, ngành chức năng cần sớm tìm ra nguyên nhân, nguồn lây lan và có biện pháp phòng trị hiệu quả, nhất là tại các vùng chuyên sản xuất giống.

Các cơ sở sản xuất tôm giống ở Bình Thuận tăng cường giám sát, phòng bệnh TPD cho vụ tôm mới. Ảnh: TÍCH CHU

Liên quan đến tình hình trên, ông Đào Văn Bảy – Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng xác nhận chi cục đã thu mẫu từ 1 ao tôm phát bệnh khi mới thả. Ông Bảy cho biết: “Từ những tháng cuối năm 2023, sau khi có thông tin dịch bệnh xuất hiện ở vùng sản xuất giống khu vực miền Trung, chi cục đã tăng cường giám sát dịch bệnh này từ nguồn giống nhập tỉnh. Tuy nhiên, việc phát hiện là rất khó vì khi phát hiện tôm bệnh chết nhanh, người nuôi xả bỏ rất nhanh”. Theo tìm hiểu của người viết, thường tôm giống sau khi thả vài ngày bị thiệt hại do dịch bệnh, do đang còn trong thời gian bảo hành nên người nuôi thường chỉ thông báo cho người cung ứng giống để được bồi thường lượng giống mới, chứ ít khi thông báo cho đơn vị thú y địa phương. Đây là vấn đề rất nguy hiểm, đặc biệt là đối với những dịch bệnh có khả năng lây lan rộng, chết nhanh như bệnh TPD.

Ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch Tập đoàn Nam Miền Trung, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận thông tin thêm: “Đối với trại nào phát bệnh TPD trong vòng 24 giờ là chết hết trong trại rồi, nếu chưa phát bệnh thì khi đóng lên xe vận chuyển đến nơi thả nuôi thì tôm cũng chết hết. Còn nếu ngoài ao nuôi của người dân đang có sẵn mầm mống TPD thì khi thả chỉ vài 3 ngày là tôm cũng chết hết. Có thể nói, bệnh TPD thiệt hại đầu tiên là của trại giống, nên với vai trò là chủ tịch hiệp hội, tôi khuyến cáo liên tục các đơn vị thành viên chủ động áp dụng các biện pháp phòng là chính, vì khi đã có bệnh thì tôm giống chết rất nhanh”.

Theo phân tích khoa học thì hiện môi trường ngày càng nóng lên làm cho nhiệt độ nước nóng lên từ 0,6 – 0,8 so với bình thường. Nhiệt độ tăng đột biến như vậy, làm cho dòng vi khuẩn TPD này (vốn thuộc dòng Vibrio – NV) nhân lên theo cấp bội số nhân trong khi chúng ta chưa có phản ứng kịp thời nên mầm bệnh lây lan nhanh. “Tôi cũng là người bị thiệt hại cả 100 triệu giống chứ không ít, phải đóng cửa trại, sử dụng clorin và formaline nồng độ cao để xử lý vì vi khuẩn này có từ trong không khí. Hay nói cách khác, nguyên nhân có thể do môi trường và khí hậu tạo ra dòng vi khuẩn TPD mới này” – ông Hoàng Anh chia sẻ.

Cũng theo ông Hoàng Anh, từ khi phát hiện bệnh TPD đến nay, các trại sản xuất giống ngoài xử lý nước ra còn phải khử độc nước, môi trường không khí và tiến hành xét nghiệm mẫu 24/24 giờ thì mới an tâm sạch bệnh. Tuy nhiên, đối với các cơ sở sản xuất giống nhỏ lẻ, chưa đủ điều kiện sẽ rất dễ bị vướng vào vi khuẩn này. Do đó, tình hình TPD tại vùng sản xuất giống tập trung như ở Bình Thuận hay Ninh Thuận hiện nếu có thì chỉ ở những cơ sở nhỏ lẻ, còn những cơ sở lớn có thể khẳng định là yên tâm. Còn về nguy cơ thiếu hụt con giống sạch bệnh khi vào chính vụ, ông Hoàng Anh trấn an: “Sẽ rất khó có tình trạng thiếu giống sạch bệnh, vì chỉ riêng Nam Miền Trung mỗi năm sản xuất khoảng 20 tỷ post rồi. Vấn đề là người dân không nên mua con giống trôi nổi, giá rẻ, mà nên chọn mua của các đơn vị có uy tín. Với vai trò là chủ tịch hiệp hội và cũng là một đơn vị sản xuất giống lớn trong ngành, tôi có thể khẳng định rằng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống lớn ở miền Trung đã và đang rất chủ động trong việc phòng bệnh TPD để đáp ứng đầy đủ nhu cầu con giống sạch bệnh cho vụ nuôi mới này”.

Như vậy có thể thấy, bệnh TPD đã và đang hiện diện không chỉ ở những cơ sở sản xuất tôm giống mà còn trên một số vùng nuôi. Do đó, mọi công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này cần được tăng cường hơn nữa, nhất là công tác giám sát tại các cơ sở sản xuất giống để phát hiện sớm, xử lý nhanh và có hiệu quả nhằm tránh dịch bệnh lây lan trên diện rộng, gây thiệt hại cho cả vụ nuôi vốn đã được dự báo không mấy suôn sẻ này.

Tích Chu

Báo Sóc Trăng

Tin mới nhất

T5,02/05/2024