USSEC: Định hướng bối cảnh, thống nhất tiêu chuẩn để nâng cao tác động bền vững ngành nông nghiệp

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Từ ngày 10-12/6, Hội nghị Lương thực toàn cầu và nông nghiệp bền vững lần thứ 3 chính thức diễn ra tại Khách sạn Sheraton Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện thường niên được tổ chức bởi Hội đồng Xuất khẩu đậu nành Hoa Kỳ (USSEC), sự kiện như một lời kêu gọi hành động từ các bên liên quan cùng nhau chia sẻ những hiểu biết, tạo dựng mối quan hệ đối tác nhằm thúc đẩy sản xuất thay đổi theo hướng bền vững.

Với chủ đề: “Định hướng bối cảnh, thống nhất tiêu chuẩn để nâng cao tác động bền vững” Hội nghị lần thứ 3 của USSEC đã thu hút sự quan tâm và phối hợp đồng hành từ những doanh nghiệp “xanh” như Greenfeed, Vĩnh Hoàn, Janbee Corporation, Meat, Vinamilk, Ichiban Foods, Đậu An… cùng hơn 100 khách mời đại diện các nhà quản lý, hiệp hội và doanh nghiệp ngành chăn nuôi, thủy sản tham dự.

Toàn cảnh Hội nghị 

Khi thế giới phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, từ biến đổi khí hậu đến biến động kinh tế, nhu cầu về các giải pháp bền vững trong sản xuất nông nghiệp và lương thực chưa bao giờ cấp thiết hơn thế. Hội nghị chuyên đề năm nay của USSEC được tổ chức với mong muốn tập hợp các nhà lãnh đạo, các nhà đổi mới, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cùng các nhà sản xuất tạo ra sự thay đổi, vạch ra lộ trình phối hợp hướng tới tương lai bền vững.

Bà Anne Benjaminson, Phó tổng Lãnh sự  quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh

Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Anne Benjaminson, Phó tổng Lãnh sự  quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, Hoa Kỳ cam kết 1,5 tỷ USD cho những nỗ lực bền vững. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đang đầu tư hơn 3 tỷ USD cho các dự án nông nghiệp để hỗ trợ việc giảm phát thải khí nhà kính. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức vô cùng lớn từ thời tiết.

“Hoa Kỳ cam kết đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình này. Vừa qua, USDA đã triển khai chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp chống biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long trị giá 1,8 triệu USD. Đây là vùng kinh tế trọng điểm của nông nghiệp Việt Nam đang bị chịu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu”, bà Anne cho hay.

Bà Anne Benjaminson cũng dành lời cảm ơn tới Hội đồng xuất khẩu đậu nành Hoa Kỳ đã cam kết cho những thực hành bền vững. “Kể từ những năm 1980 các hộ nông dân Hoa Kỳ đã đề cao sử dụng nguồn nguyên liệu tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu phát thải khí nhà kính lên tới 43%. Điều này chứng minh Hoa Kỳ là những quốc gia hàng đầu của những sản phẩm đậu nành được canh tác bền vững trên toàn thế giới”, bà Anne thông tin thêm.

Ông Ashish Kapahi, CEO Diễn đàn kinh tế châu Á

Ông Ashish Kapahi, CEO Diễn đàn kinh tế châu Á, cho biết, mỗi giờ, một trang trại hoạt động trên thế giới sẽ được bán cho các dự án phát triển đô thị/phi nông nghiệp. Nếu bối cảnh này tiếp tục tiếp diễn sẽ tạo ra tình trạng thiếu hụt lương thực toàn cầu lên tới 45% vào năm 2100. 30-35% thực phẩm sản xuất và 25% nước ngọt sẽ bị lãng phí. Hiện nay, việc sử dụng nước ngọt cho nông nghiệp tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái và nguồn nước ngầm dự kiến sẽ cạn kiệt nhanh hơn dầu. Bên cạnh đó, tình hình bất ổn chính trị xã hội toàn cầu gây ra tình trạng bế tắc nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng, đẩy chi phí lên cao.

Cũng theo ông Ashish Kapahi, 80% nạn phá rừng hiện tại không chỉ để sản xuất nông nghiệp mà còn để phục vụ cho đô thị hóa. Việc sử dụng quá nhiều phân bón và hóa chất gây ảnh hưởng chất lượng đất, nước và an toàn thực phẩm, góp phần gây ra các bệnh mãn tính. Trong khi đó, chi phí cho canh tác hữu cơ cao gấp 200% so với canh tác thông thường. Đối với tiếp cận nguồn vốn tài chính, nhu cầu vốn khoảng 2.000 tỷ USD, nhưng hiện chỉ đáp ứng được 10%. Đứng trước tình trạng cấp bách đó, nhiều doanh nghiệp lớn đã bắt đầu chiến dịch tham gia đường đua “xanh”.

Bà Darian McBain, Giám đốc phát triển bền vững CSO

“Sản xuất NH3 hiện nay đóng góp khoảng 2% tổng lượng phát thải khí CO2 toàn cầu. Chính bởi vậy, một số doanh nghiệp đang theo đuổi xu hướng chứng minh họ có thể tạo ra NH3 ‘xanh’ hoặc các chất thay thế mà không gây ảnh hưởng tới khí hậu”, bà Darian McBain, Giám đốc phát triển bền vững CSO, cho biết. “Chúng ta cần tài chính để giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu để có tác động thật sự và tích cực đến quá trình chuyển đổi đưa tỷ lệ phát thải ròng về 0”, bà Darian McBain kết luận.

Ngày càng có nhiều quốc gia tham gia thiết lập cơ chế tín dụng carbon trong nước như Indonesia, Canada, Nam Phi và Việt Nam. Theo ông Kwanpadh Suddhi-Dhamakit, cán bộ cấp cao từ World Bank, năm 2021, tổng số giao dịch của thị trường carbon là 2 tỷ (trong mkt tự nguyện) và 851 tỷ trong mkt tuân thủ. Tuy nhiên, các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp lại đang phải đối mặt với những thách thức trong việc thực hiện các biện pháp can thiệp khử carbon do tình hình tài chính hạn chế. Cụ thể, những quốc gia này có mức lợi tức đầu tư thấp và phụ thuộc vào nguồn trợ cấp để mở rộng quy mô. Hình thức can thiệp nhỏ và rời rạc và khả năng tiếp cận nguồn tài chính có hạn.

Ông Kwanpadh Suddhi-Dhamakit, cán bộ cấp cao từ World Bank

Bởi vậy, cần có cơ chế chuyển tiền từ các quốc gia phát triển tới các quốc gia kém phát triển đang khó khăn vật lộn với xu hướng mới. Chúng ta có những tổ chức đã được thiết thiết lập như “Quỹ tài chính xanh”, các ngân hàng phát triển đa phương… Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế. Thông qua các cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng đến an ninh lương thực trên thế giới. Cần điều hướng hợp lý dòng tiền trợ cấp. Chúng ta sẽ còn phải thảo luận và tranh luận nhiều hơn cho đến khi có nguồn tiền ổn định được dịch chuyển, bà Darian McBain nhấn mạnh.

Khách mời tham dự Hội nghị ngày 11/6/2024 chụp ảnh lưu niệm

Phạm Huệ

 

Những chủ đề được trình bày tại hội thảo:

Tầm quan trọng của hợp tác khu vực trong việc đạt được hệ thống cung ứng và sản xuất lương thực bền vững; Con đường hướng tới Net Zero: Nắm bắt cơ hội trên khắp Asean; Các chính sách và chương trình nhằm nâng cao năng suất, tăng trưởng bền vững và thông minh; Kinh doanh tín chỉ carbon – Kinh nghiệm từ Thái Lan; Mở đường cho ngành lương thực và nông nghiệp bền vững trong bối cảnh thay đổi của thế giới;

Chủ đề: Tăng cường sự bền vững thông qua tài chính, tiêu chuẩn báo cáo và hợp tác

Các bài trình bày: Thúc đẩy tài chính để hỗ trợ khả năng phục hồi của cảnh quan nhiệt đới; Tiêu chuẩn GRI trong báo cáo SCOPE 3 trong chuỗi cung ứng thực phẩm và nông nghiệp; Xây dựng hệ thống thực phẩm an toàn và bền vững: Các phương pháp hợp tác để giải quyết tình trạng nghèo đói và thúc đẩy tính bền vững; Cung cấp năng lượng bền vững cho các hướng dẫn thông qua tài chính, tiêu chuẩn báo cáo và hợp tác;

Chủ đề: Định hình tương lai bền vững: Quan điểm, phương pháp và con đường

Các bài trình bày: Góc nhìn của Việt Nam: Pháp luật về phát triển bền vững và nhưng tác động tới doanh nghiệp; Thực tiễn của IFC về đầu tư bền vững vào hoạt động chăn nuôi tư nhân; Thúc đẩy đầu tư xanh thông qua các phương pháp tiếp cận mới tăng cường tính bền vững;

Chủ đề: Tăng cường sự phát triển bền vững trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản

Các bài trình bày: Tính vền vững trong hành động: sản xuất thức ăn chăn nuôi thông qua nguồn cung ứng nguyên liệu có trách nhiệm; Thúc đẩy tính bền vững trong sản xuất thức ăn chăn nuôi; Những hiểu biết sâu sắc về S.E trong nuôi trồng thủy sản ở châu Á và châu Đại Dương: Cân bằng giữa tính bền vững và tăng trưởng; Đậu nành Hoa Kỳ bền vững: Từ trang trại đến thị trường toàn cầu.

Tin mới nhất

T7,27/07/2024