USSEC: Dẫn dắt xu hướng giảm phát thải CO2 trong nuôi trồng thủy sản Việt Nam

[Người Nuôi Tôm] – Ngày 8/7/2024, tại Hà Nội, Hội đồng xuất khẩu đậu tương Hoa Kỳ (USSEC) đã tổ chức hội thảo chủ đề “Tính bền vững trong nuôi tôm”, với mục đích chia sẻ những hiểu biết và giải pháp giảm phát thải carbon trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

 

Tổng quan về phát thải khí nhà kính trong bối cảnh hiện nay

Phát thải khí nhà kính là một trong những nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu trên toàn cầu – một trong những thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao và an ninh.

Tại hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam và gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; cùng với hơn 100 quốc gia cam kết giảm phát thải khí metan toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010; cùng 141 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất.

Ngày 28/4/2023, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 1693/QĐ-BNN-KHCN phê duyệt Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (bao gồm kế hoạch giảm phát thải khí metan) đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Theo đó, đảm bảo tổng lượng giảm phát thải khí nhà kính là 121,9 triệu tấn CO2tđ (không bao gồm lượng giảm phát thải khí nhà kính từ sử dụng năng lượng trong sản xuất).

Ngành thủy sản tuy chỉ chiếm 0,49% tổng lượng phát thải carbon toàn cầu, nhưng để hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam đặt ra, cần sự chung tay nỗ lực của tất cả các ngành, trong đó có thủy sản.

Hội thảo của USSEC với mục đích nhằm hỗ trợ các Bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp có nhận thức tốt hơn về xu hướng quốc tế trong quá trình chuyển đổi xanh, các quy định pháp luật về giảm phát thải khí nhà kính; tổng hợp những giải pháp đột phá từ các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp… Vì vậy, hội thảo đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại diện từ Cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, VASEP, Hội Thủy sản Việt Nam cùng một số doanh nghiệp lớn trong ngành đang tiên phong trong vấn đề giảm thiểu phát thải carbon trong sản xuất, nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam.

 

Biến đổi khí hậu và góc nhìn từ ngành thủy sản

Tại hội thảo, ông Nguyễn Bá Thông, Giám đốc chương trình thủy sản IDH Việt Nam cho biết, thuế carbon có hiệu lực từ ngày 16/9/2023, các nhà nhập khẩu EU sẽ phải báo cáo phát thải. Trong đó, thuế carbon ngành thủy sản dự kiến áp dụng từ năm 2030. Quy định về giảm phát thải của EU sẽ áp dụng cho các doanh nghiệp những chỉ tiêu về bền vững môi trường, trách nhiệm xã hội trong chuỗi cung ứng và phải được thẩm định trước khi vào thị trường này. Giai đoạn 2024-2026 sẽ là “bản lề” cho các thành viên EU đưa vào luật. Từ năm 2027-2030, tùy thuộc vào từng quốc gia, quy mô doanh nghiệp, luật mới sẽ được triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Bá Thông, Giám đốc chương trình thủy sản IDH Việt Nam

 

Các nhà bán lẻ Hoa Kỳ, EU đã bắt đầu triển khai những cam kết về giảm phát thải cho các sản phẩm được phân phối tại thị trường của họ. Hiện tại, Ecuador có khoảng 21 doanh nghiệp từ thức ăn, chế biến đã xây dựng lộ trình giảm carbon. Ngành thủy sản Việt Nam cũng cần áp dụng biện pháp giảm phát thải nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm tôm, nên có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ bây giờ.

Theo TS. John A. Hargreaves, Chuyên gia tư vấn nuôi trồng thủy sản từ USSEC, trong nuôi trồng thủy sản, việc sử dụng năng lượng, sử dụng đất và sản xuất thức ăn thủy sản là những hoạt động gây phát thải khí nhà kính chính. Trong đó, sản xuất thức ăn thủy sản là tác nhân lớn nhất. Do vậy, việc lựa chọn nguyên liệu sử dụng trong sản xuất thức ăn thủy sản đóng vai trò quan trọng trong công cuộc giảm phát thải khí nhà kính. Đây cũng là vấn đề đang được các nhà sản xuất thức ăn thủy sản trên toàn thế giới quan tâm.

TS. John A. Hargreaves, Chuyên gia tư vấn nuôi trồng thủy sản từ USSEC

 

TS. Hargreaves cũng đã chỉ ra rằng bột đậu nành trong thức ăn tôm chiếm 3,6 kgCO2e/kg cường độ phát thải khí nhà kính. Lượng khí thải carbon của đậu nành phụ thuộc vào việc quản lý đất đai và hiệu quả sử dụng đất cũng như tâp quán canh tác của từng quốc gia. Chính vì vậy, việc lựa chọn nguồn đậu nành nguyên liệu trong quá trình sản xuất thức ăn thủy sản đóng góp ý nghĩa quan trọng trong công cuộc hướng tới mục tiêu Net Zero.

 

Qua những thử nghiệm phân tích cho thấy, thay thế khô đậu Brazil bằng khô đậu Hoa Kỳ sẽ giúp giảm 210 kg CO2 quy đổi cho mỗi tấn thức ăn cá rô phi. Thay thế khô đậu Brazil bằng khô đậu Hoa Kỳ sẽ giúp giảm 186 kg CO2 quy đổi cho mỗi tấn thức ăn tôm thẻ chân trắng.

 

Đậu nành Hoa Kỳ dẫn đầu xu hướng bền vững

Đậu nành Hoa Kỳ được đánh giá là nguyên liệu giúp cải thiện phát thải khí nhà kính trong hoạt động sản xuất thức ăn thủy sản. Theo TS. Hargreaves, bốn yêu cầu mà đậu nành Hoa Kỳ đang thực hiện là: thực tiễn sản xuất, đa dạng sinh học, liên tục cải tiến và y tế phúc lợi cộng đồng, lao động.

Dẫn dắt minh chứng cụ thể hơn, TS. Bùi Ngọc Thanh, Giám đốc kỹ thuật khu vực miền Bắc USSEC cho biết thêm rằng, những con số điều tra, thống kê cho thấy, 70% lượng đậu nành xuất khẩu của Hoa Kỳ được vận chuyển có chứng chỉ SSAP, tương đương 44,5 triệu tấn đậu nành Hoa Kỳ được chứng nhận vào năm 2023. Từ năm 1980 đến nay, sản phẩm đậu nành Hoa Kỳ đã giúp cải thiện 43% lượng phát thải khí nhà kính mỗi tấn, 46% hiệu quả sử dụng năng lượng mỗi tấn và cải thiện 48% hiệu quả sử dụng đất (ha/tấn).

TS. Bùi Ngọc Thanh, Giám đốc kỹ thuật khu vực miền Bắc USSEC

 

“USSEC đã đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu thức ăn thủy sản (IAFFD). Cán bộ công thức cám sẽ cần nhiều hơn về nhu cầu dinh dưỡng của các loài và hàm lượng dinh dưỡng/chất lượng trong nguyên liệu. Và quan trọng hơn là cần thay đổi tư duy về công thức là tổ hợp các nguyên liệu sang tổ hợp các dưỡng chất một cách cẩn trọng để đáp ứng các mục tiêu dinh dưỡng cụ thể”, TS. Bùi Ngọc Thanh cho biết thêm.

Điều này cho thấy, đậu nành của Hoa Kỳ phù hợp với những đối tượng có mong muốn giảm lượng khí thải carbon và thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, nguyên liệu này này cũng phù hợp với những thương hiệu có người tiêu dùng quan tâm đến biến đổi khí hậu.

Phạm Huệ

“Ngành tôm có cường độ phát thải khí nhà kính cao so với các nhóm động vật khác trong nuôi trồng thủy sản. Mức độ sử dụng năng lượng tại các trang trại tôm ở mức cao là nguyên nhân gây ra lượng khí thải cao hơn so với các loài khác trong nuôi trồng thủy sản. Điều này cũng có một phần liên quan đến nạn phá rừng ngập mặn để làm ao nuôi tôm. Phạm vi phát thải khí nhà kính từ chuỗi cung ứng nuôi tôm đạt trung bình là 13,5 kgCO2e/kg EW, bao gồm các khâu như thay đổi mục đích sử dụng đất để làm ao nuôi tôm, sản xuất thức ăn nuôi tôm, trại giống, nuôi tôm, chế biến, đóng gói và vận chuyển đến người tiêu dùng”.

TS. John A. Hargreaves

Chuyên gia tư vấn nuôi trồng thủy sản từ USSEC

 

“Đứng trước những thách thức trong đáp ứng tiêu chuẩn mới, với tầm nhìn hướng tới ngành thủy sản bền vững Nhóm công tác môi trường thủy sản – IDH thực hiện sứ mệnh đo đạc và giảm thiểu phát thải cho chuỗi thủy sản. Cam kết mục tiêu giảm phát thải 25% vào năm 2025. Đến năm 2030, phát thải carbon trung bình cho thủy sản trong siêu thị là 3 kgCO2eq/kg cá tra, tôm, cá rô phi”.

Ông Nguyễn Bá Thông

Giám đốc chương trình thủy sản IDH Việt Nam

Tin mới nhất

T4,29/01/2025