Ước tình 300.000 lao động tại các nhà máy thủy sản mất việc

[Người Nuôi Tôm] –  Làn sóng Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua đã khiến các nhà máy chế biến, xuất khẩu thủy sản gặp khó. Khó khăn trong việc đáp ứng phương án “3 tại chỗ” khiến công suất tại các nhà máy giảm mạnh, hơn 50% số nhân công mất việc hoặc nghỉ việc không lương

Ảnh minh họa: ST

 

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Khoảng 70% số nhà máy không đủ điều kiện thực hiện “3 tại chỗ” đã phải ngừng sản xuất (ngừng hoàn toàn, hoặc tạm ngừng để tổ chức lại nhà máy theo điều kiện “3 tại chỗ” để trình phương án). Các địa phương có số doanh nghiệp ngừng sản xuất nhiều nhất là Cần Thơ, Tiền Giang…

Hiện chỉ có 30% các doanh nghiệp, nhà máy chế biến, xuất khẩu thủy sản từ Nam Trung Bộ vào đến ĐBSCL duy trì được sản xuất đáp ứng phương án “3 tại chỗ”. Số lượng nhân công có thể huy động cũng chỉ từ 10-50%, số còn lại phải chấp nhận nghỉ việc hoặc nghỉ không lương.

Do vậy, ước tính 300.000 lao động trực tiếp tại các nhà máy chế biến thủy sản đã mất công ăn việc làm. Bên cạnh đó, có ít nhất số lượng lao động tương đương trong chuỗi sản xuất thủy sản liên quan bị tác động theo như: ngư dân khai thác biển, nông dân nuôi cá/tôm, cung ứng bao bì, cung ứng vật tư, các dịch vụ hậu cần cảng/nghề cá…

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú cho biết: “Nhà máy Minh Phú Cà Mau có 6.757 công nhân hiện tại 1.649 công nhân đi làm cho 3 tại chỗ. Nhà máy Hậu Giang 5.800 công nhân đi làm 1.300 công  nhân. Tổng chung 2 nhà máy đi làm được 23,88%. Hiện công ty đã thuê hết khách sạn, kể cả khách sạn 5 sao trên địa bàn cũng chỉ đủ chỗ cho 1.600 công nhân”.

Cùng cảnh ngộ, đại  diện Công ty CP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (IDI) cho biết, cũng gặp tình trạng tương tự như Minh Phú. Vị đại diện IDI chia sẻ: “Chúng tôi thực hiện 3 tại chỗ được gần 2 tháng, công nhân đạt 30% so với ngày bình thường. Công nhân đều được tiêm vaccine mũi 1. Vấn đề là công ty nằm giữa Đồng Tháp – Cần Thơ – An Giang nhưng không qua lại được. Đến nay đơn hàng đã chậm 2 tháng rồi. Giá cá tra đang tốt nhưng lại không thể di chuyển từ Đồng Tháp sang An Giang để thu mua cá được. IDI cũng mong muốn có sự phối hợp, giải quyết tình trạng này”.

Trước thực trạng trên, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) thuộc Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bô, Ngành triển khai đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp đã được giao trong Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Cho phép xây dựng nghị quyết chính sách riêng hỗ trợ ngành nông nghiệp phục hồi sản xuất. Bao gồm các chính sách về hỗ trợ người lao động, thuế, phí, lãi suất, giãn nợ, giãn nộp bảo hiểm, kinh phí công đoàn, chi phí điện, nước cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nông nghiệp.

Ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động tham gia chuỗi sản xuất nông sản, thủy sản. Đến ngày 30/9, đảm bảo 100% lao động doanh nghiệp “3 tại chỗ”, doanh nghiệp xuất khẩu được tiêm vaccine mũi 1.

Ưu tiên tiêm đủ 2 mũi cho 100% nhân sự hoạt động trong thu hoạch, chế biến nông lâm thủy sản. Cho phép và giảm các điều kiện xét nghiệm cho các đối tượng đã tiêm vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19…

HẠ NHIÊN (Tổng hợp)