Tuân thủ lịch thời vụ để nuôi tôm hiệu quả

Dự báo tình hình nuôi tôm nước lợ năm 2023 sẽ có nhiều khó khăn, do đó, người nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cần tuân thủ lịch thả giống và khuyến cáo của cơ quan chức năng để có những vụ nuôi đạt hiệu quả cao.

Lưu ý khung thời gian thả giống

Theo ông Võ Khắc Én – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu thả nuôi hơn 290ha tôm sú, 1.480ha tôm thẻ chân trắng. Vùng nuôi tôm tập trung ở các địa phương: Vạn Ninh, Cam Lâm, Ninh Hòa, Cam Ranh, Nha Trang.


Nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao tại xã Ninh Phú (thị xã Ninh Hòa).

Để chủ động về mùa vụ nuôi tôm, hạn chế những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra và đảm bảo kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có hướng dẫn lịch thời vụ; người nuôi cần lưu ý khung thời gian thả giống nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng năm nay. Đối với tôm sú, nuôi thâm canh, bán thâm canh, người nuôi nên thả giống từ tháng 2 đến tháng 8, với mật độ 15-25 con/m2; nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến (nuôi kết hợp đa dạng sinh học) nên thả giống từ tháng 3 đến tháng 8; những vùng nuôi có điều kiện về cơ sở hạ tầng, nguồn nước đảm bảo có thể thả giống đến hết tháng 9. Đối với tôm thẻ chân trắng, người nuôi nên thả giống từ cuối tháng 1 đến hết tháng 9; những vùng nuôi ít chịu ảnh hưởng của lũ lụt, điều kiện hạ tầng đảm bảo, nguồn nước ít biến động có thể thả giống đến tháng 12.

Đối với những cơ sở nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, điều kiện cơ sở hạ tầng đảm bảo, không chịu ảnh hưởng của thời tiết, chủ động kiểm soát các yếu tố môi trường, dịch bệnh có thể thả giống nuôi quanh năm. Riêng nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh, người dân chỉ nên nuôi 1 vụ/năm; nuôi tôm sú quảng canh cải tiến, nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, bán thâm canh chỉ nên nuôi 2 vụ/năm, có thời gian ngắt vụ 1 tháng đối với những ao nuôi hiệu quả và 2 tháng đối với ao nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh nhằm cải tạo môi trường nuôi, diệt mầm bệnh…

Những khuyến cáo cần tuân thủ

Để thực hiện lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ, các địa phương cần phổ biến kỹ để người dân nắm bắt những lưu ý trong quá trình thả giống nhằm giảm thiểu thiệt hại. Trước khi thả tôm 5 – 10 ngày, các hộ nuôi cần theo dõi diễn biến thời tiết, nếu bất lợi thì tạm ngưng việc thả giống hoặc lấy ý kiến tư vấn của cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Người nuôi nên ương dưỡng giống 2-3 giai đoạn, sử dụng giống kích cỡ lớn để nuôi thương phẩm; áp dụng các mô hình nuôi hiệu quả, như: Mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, Biofloc, tuần hoàn… Các hộ nuôi trong khu vực có chung hệ thống cấp, thoát nước cần tổ chức nạo vét kênh mương để tăng khả năng cấp, thoát nước trong khu vực nuôi; cần thả giống đồng loạt ở những vùng nuôi tập trung. Trong quá trình nuôi, không dùng các loại hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng theo quy định; sử dụng giống của các cơ sở sản xuất có uy tín để thả nuôi…

Ông Võ Khắc Én nhấn mạnh: “Các hộ nuôi tôm thương phẩm cần đặc biệt lưu ý việc nuôi theo quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất, nuôi trồng thủy sản của chính quyền địa phương; nghiêm túc thực hiện lịch thời vụ, thả tôm với mật độ phù hợp theo hình thức nuôi; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong quá trình sản xuất để nuôi tôm đạt hiệu quả cao. Người nuôi tôm nước lợ cần thực hiện đăng ký đối tượng nuôi chủ lực, đăng ký kê khai ban đầu, thực hiện đầy đủ, kịp thời các giải pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương; ghi chép nhật ký và lưu trữ hồ sơ đối với mỗi đợt sản xuất; thông báo cho cơ quan quản lý thủy sản khi phát hiện diễn biến môi trường hoặc tôm nuôi có dấu hiệu bất thường để có giải pháp xử lý kịp thời; tuyệt đối không được xả xác tôm chết, nước nuôi chưa qua xử lý ra môi trường.

Để hỗ trợ người nuôi tôm đạt hiệu quả cao, Chi cục Thủy sản sẽ chủ động quan trắc cảnh báo môi trường, kịp thời thông báo đến từng vùng nuôi, người nuôi để chủ động ứng phó; giám sát chặt chẽ tình hình nuôi trồng thủy sản tại các vùng trọng điểm; thực hiện cấp mã số cơ sở nuôi tôm nước lợ để phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Bên cạnh đó, chi cục sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương trong tỉnh tăng cường kiểm tra điều kiện của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, vật tư thủy sản; thực hiện các chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh…

Năm 2022, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng người dân trong tỉnh đã thả nuôi 1.969ha tôm nước lợ, tăng 269ha so với năm 2021, trong đó có 1.634ha tôm thẻ chân trắng và 335ha tôm sú. Tổng sản lượng tôm nước lợ thương phẩm trên địa bàn toàn tỉnh đạt 4.851 tấn, tăng 725 tấn so với năm 2021.

HẢI LĂNG

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa,

Tin mới nhất

T2,25/11/2024