Trung Quốc: Xây nhà cao tầng để nuôi tôm thẻ chân trắng

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà cao tầng tuần hoàn khép kín với tổng diện tích trên 3ha, sản xuất hơn 500 tấn tôm mỗi năm, tỷ lệ thành công hơn 90%.

Toàn cảnh khu nuôi tôm tuần hoàn khép kín trong hệ thống nhà cao tầng tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc (Ảnh: Bbwfish)

Bảy tòa nhà cao tầng hiện đại nằm cạnh nhau với biển tên “Cơ sở nuôi tôm tuần hoàn khép kín” được xây dựng tại làng Wu Cheng, thị trấn Beigao, quận Li Cheng, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Cơ sở được vận hành bởi Công ty TNHH Nuôi trồng Thủy sản Putian Heyu.

Mỗi tòa xây 4 tầng, di chuyển bằng hệ thống thang máy, ngoại trừ lớp mái bằng kính, diện mạo của tòa nhà không khác so với một tòa nhà thông thường. Trong mỗi tòa nhà được chia thành nhiều phòng, mỗi phòng chia thành nhiều bể nuôi, được trang bị đầy đủ các thiết bị cung cấp oxy, hệ thống lọc, hệ thống điều chỉnh nhiệt độ giữ cho nhiệt độ trong bể nuôi ổn định…

Khác với các mô hình ao nuôi truyền thống, “nuôi tôm trong nhà cao tầng” là phương pháp nuôi tôm mật độ cao, thân thiện với môi trường và đem lại lợi nhuận cho người nuôi. Khi nuôi trong nhà, nhiệt độ phòng và nhiệt độ nước luôn được quản lý và duy trì đều đặn ở mức trên 20oC, tôm nuôi không bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Điều này rất quan trọng đối với sự phát triển của tôm, có thể nuôi từ 3-5 vụ/năm.

Tiến sĩ Wang Baojie từ Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đánh giá, so với ao nuôi thông thường, mật độ nuôi của mô hình này tăng hơn 10 lần so với mô hình nuôi truyền thống, diện tích đất giảm 80%, tiết kiệm khoảng 95% lượng nước tiêu thụ và mức tiêu thụ nhiên liệu trên mỗi đơn vị sản xuất giảm hơn 40%.

Chất lượng nước nuôi sẽ quyết định sự thành công của vụ nuôi. Nước trong ao hàng ngày sẽ được lọc sạch, khử trùng và qua một vài công đoạn làm sạch. Nước được làm sạch sẽ được chuyển lên bể nuôi trên tầng cao nhất của tòa nhà, nơi có mái che bằng kính. Tại đây, nước sẽ được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời để thúc đẩy quá trình quang hợp của tảo cũng như tăng lượng oxy hòa tan trong nước. Vi tảo cũng sẽ hấp thụ lại các chất bài tiết còn sót lại của tôm để cải thiện chất lượng nước. Nước sau đó sẽ được bơm lại vào ao nuôi, vi tảo trong nước sẽ trở thành thức ăn tự nhiên, cung cấp “bữa ăn phụ” cho tôm nuôi.

Theo các chuyên gia, với mô hình nuôi tôm mật độ cao truyền thống, trong nước sẽ chứa nhiều cặn của thức ăn và phân tôm, dễ sinh ra vi khuẩn có hại. Tuy nhiên, khi sử dụng hệ thống tuần hoàn nước có thể dễ dàng kiểm soát các thông số như pH, oxy hòa tan, nitơ, amoniac và các chỉ số khác của nước, ngăn ngừa hiệu quả các bệnh về ký sinh trùng. Về cơ bản, mô hình này không tiêu tốn nhiều nước, lượng thuốc, kháng sinh sử dụng giảm hơn 90% so với mô hình nuôi truyền thống.

Cơ sở cũng xây dựng hệ thống giám sát tự động, được điểu chỉnh và theo dõi qua ứng dụng di động. Thông qua ứng dụng này, nhiệt độ nước, chỉ số pH, oxy hòa tan và các dự liệu khác đều được cập nhật liên tục và thể hiện một cách rõ ràng, cụ thể. Trường hợp chất lượng nước có sự thay đổi đột ngột, hệ thống sẽ nhanh chóng cảnh báo và tự động điều chỉnh các chỉ số tương ứng. Hiện tại, mỗi tòa nhà chỉ duy trì 1 công nhân chịu trách nhiệm cho các công việc hàng ngày như kiểm tra máy móc, vệ sinh ao nuôi và chuẩn bị thức ăn.

Các bể nuôi được bố trí bên trong tòa nhà (Ảnh: Bbwfish)

Theo ông Chen Zheng Chang, người phụ trách Công ty TNHH Nuôi trồng Thủy sản Putian Heyu cho biết, cuối năm, thị trường thủy hải sản bước vào mùa bán hàng cao điểm. Tôm thẻ chân trắng nuôi tại cơ sở này có tỷ lệ sống cao, thịt thơm ngon nên đầu ra luôn ổn định.

Cơ sở này chính thức vận hành vào cuối năm 2022. Mỗi tòa nhà có diện tích hơn 430 m2, diện tích mặt nước sử dụng là 1.350 m3. Ước tính, sản lượng tôm thẻ chân trắng mỗi năm đạt 500 tấn, tổng giá trị sản lượng hàng năm khoảng hơn 4,1 nghìn USD.

Tố Uyên

 

 

Tin mới nhất

T2,29/04/2024