Trà Vinh: Khuyến khích nông dân nhân rộng mô hình nuôi tôm dưới tán rừng

Trà Vinh là tỉnh ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long, với bờ biển dài trên 65km nên rất có lợi thế để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, do tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, thời tiết và môi trường nuôi thường xuyên thay đổi khiến nghề nuôi trồng thủy sản luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do dịch bệnh.

Mô hình nuôi tôm dưới tán rừng của nông dân huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh

Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đã chủ trương đa dạng hóa hình thức nuôi thủy sản thích ứng biển đổi khí hậu thông qua việc khuyến khích nông dân vùng ven biển nhân rộng mô hình nuôi tôm dưới tán rừng cho nhiều lợi ích về hiệu quả kinh tế và vừa góp phần tăng độ che phủ diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Văn Hùng, một nông dân có kinh nghiệm trên 15 năm nuôi tôm dưới tán rừng ở xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện ông đang nuôi tôm sú trên diện tích hơn 3.000 m² đất; trong đó, cây rừng chiếm hơn 30% diện tích, ông nhận định, việc nuôi tôm dưới tán rừng cho hiệu quả kinh tế rất bền vững, giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh trên tôm nuôi. Bình quân mỗi 1.000 m² đất, gia đình ông có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Tuy lợi nhuận không cao như nuôi tôm công nghiệp nhưng điều ông rất hài lòng là có nguồn thu nhập ổn định hàng năm và góp phần cùng cộng đồng vừa bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn, tạo môi trường sinh thái bền vững vùng ven biển của tỉnh Trà Vinh. Qua trao đổi, ông Hùng chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm quảng canh dưới tán rừng đảm bảo đạt năng suất cao thì người nuôi cần tuân thủ lịch thời vụ thả giống, chọn con giống chất lượng, mỗi năm gia đình ông thả giống tôm nuôi 04 đợt, mỗi đợt khoảng 50.000 con giống. Đợt đầu tiên thả giống bắt đầu từ tháng 11 âm lịch, cứ sau 02 tháng nuôi ông tiếp tục thả giống lần 02, lần 03 và kết thúc thả giống vào tháng 5 âm lịch năm sau. Tôm nuôi theo hình thức quảng canh và thu hoạch bằng cách tỉa thưa chọn tôm đạt kích cở loại I để bán được giá cao, những tháng mùa mưa, nhiệt độ và độ mặn, ngọt của môi trường nước thường biến động tôm nuôi dễ bị bệnh, thiệt hại, nên không thả tôm giống mà thả nuôi cua biển giống để đảm bảo có thu nhập thường xuyên trên cùng diện tích.

Được biết, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh là huyện có đường bờ biển dài chạy qua nhiều xã, với hệ thống sông ngòi chằng chịt và diện tích rừng lớn. Vì thế, để đa dạng hóa nghề nuôi thủy sản nuôi đảm bảo nguồn thu kinh tế và bền vững, những xã này vận động các hộ dân không có đủ diện tích và vốn đầu tư mô hình nuôi tôm thâm canh, thâm canh ứng dụng công nghệ cao chuyển sang sinh kế bằng mô hình rừng – tôm thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ và phát triển diện tích rừng nhập mặn ở địa phương, ngăn được tình trạng biển xâm thực. Hiện nay, hầu hết hộ nuôi tôm dưới tán rừng ở xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đều có thu nhập  ổn định. Bình quân, một ha sản xuất rừng – tôm đạt lãi ròng từ 100 – 200 triệu đồng/năm. Trước đó, nhận thấy việc nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh thường xuyên gặp rủi ro, bị thiệt hại do dịch bệnh, chính quyền địa phương đã vận động người dân sản xuất theo hướng bền vững, thực hiện mô hình nuôi tôm kết hợp trồng rừng. Mô hình tôm – rừng cho thu nhập không cao như nuôi nuôi công nghiệp nhưng rất ổn định, vì tôm nuôi ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong điều kiện biến đổi khí hậu; tôm thương phẩm sạch, bán được giá cao do đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Thu hoạch tôm sú qua mô hình nuôi tôm dưới tán rừng của nông dân tỉnh Trà Vinh

Để hỗ trợ khuyến khích người dân nhân rộng và phát triển mô hình nuôi tôm dưới tán rừng, nắm vững quy trình kỹ thuật nuôi, vừa qua, được nguồn vốn của Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp sinh kế bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long do Ngân hàng Thế giới tài trợ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh đã chọn 22 hộ ở huyện Duyên Hải để hỗ trợ thực hiện mô hình và trình diễn; trong đó, xã Đông Hải có 14 hộ sản xuất trên tổng diện tích 16ha và xã Long Vĩnh có 08 hộ với diện tích sản xuất 20ha. Các hộ tham gia được hỗ trợ 50% giống tôm sú, 50% thức ăn viên công nghiệp, 50% bộ dụng cụ đo môi trường nước như: độ pH, độ kiềm, một phần thuốc phòng trị bệnh, quy trình kỹ thuật nuôi… với tổng số tiền hỗ trợ hơn 12 triệu đồng/ha. Đồng thời được cán bộ kỹ thuật hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học vào quy trình nuôi nên giảm được nhiều chi phí sản xuất. Kết quả sau một kỳ nuôi hơn 03 tháng, năng suất bình quân trong mô hình đạt khoảng 0,7 tấn/ha, lợi nhuận mỗi ha đạt gần 74 triệu đồng, cao hơn so với sản xuất đại trà trước đó gần 40 triệu đồng. Cùng với đó, tôm thương phẩm rất dễ tiêu thụ, do các đại lý thu mua tại địa phương hoặc nhà máy chế biến tại tỉnh đều rất ưa chuộng tôm sạch.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, mô hình nuôi tôm dưới tán rừng là mô hình có tính thích ứng biến đổi khí hậu tốt, vừa đảm bảo lợi nhuận cho người dân mà rừng vẫn được bảo vệ và phát triển nên được tỉnh khuyến khích nhân rộng. Hiện toàn tỉnh Trà Vinh có tổng diện tích rừng hơn 9.000ha; trong đó có hơn 4.000ha rừng được người dân tự trồng và bảo vệ để kết hợp nuôi tôm. Qua đó, góp phần ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.