Tôm hùm nước ngọt đe dọa nông nghiệp, thủy sản và thủy lợi

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Tôm hùm nước ngọt Procambarus clarkii là một là một loài xâm lấn điển hình, có trong cơ sở dữ liệu toàn cầu của các loài xâm lấn (Global invasive species), nó đã gây ra một dịch hại xâm lấn nghiêm trọng nơi chúng sinh sống.

Tôm hùm nước ngọt đe dọa nông nghiệp, thủy sản và thủy lợi

Tôm hùm nước ngọt là một loài xâm hại nguy hiểm, chúng có thể nhanh chóng thiết lập quần đàn trở thành một loài chính trong hệ sinh thái mà nó sinh sống. Sự xâm nhập của chúng có thể gây ra những thay đổi mạnh mẽ trong quần xã động vật và thực vật bản địa.

Tôm hùm nước ngọt có thể tác động nghiêm trọng đến tôm càng bản địa thông qua việc cạnh tranh và lây bệnh dịch tôm càng, làm thay đổi chất lượng nước và đặc tính trầm tích, tích lũy kim loại nặng, tương tác với các loài xâm lấn khác, làm hỏng hệ thống tưới tiêu nông nghiệp, ngành đánh bắt cá và làm suy giảm quần thể động vật không xương sống, động vật thân mềm và động vật lưỡng cư thông qua việc săn mồi và cạnh tranh.

Ảnh hưởng đến nông nghiệp và thủy sản của loài này đã được ghi nhận ở nhiều nơi. Việc đào hang của tôm hùm nước ngọt thường gây ra vấn đề đối với đê và hệ thống tưới tiêu có thể dẫn đến mất nước và thiệt hại cho các cánh đồng như tại Trung Quốc, Nhật Bản, Ai Cập, Ý, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ.

Đây cũng là loài thường xuyên trở thành một loài chiếm ưu thế trong môi trường sống bị xáo trộn như ruộng lúa. Nếu có mặt trong các công trình thủy lợi bao gồm hồ chứa, kênh của ruộng lúa, chúng có thể gây thiệt hại kinh tế đáng kể do hoạt động đào hang của nó, làm thay đổi thủy văn đất và gây rò rỉ nước, gây thiệt hại cho cây lúa.

Tại Việt Nam, tôm hùm nước ngọt được nhập vào từ Trung Quốc với mục đích nuôi thử nghiệm ở diện hẹp. Năm 2008, Bộ NN-PTNT đã cho phép Viện Nuôi trồng thủy sản I thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nuôi thương phẩm tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii) ở các tỉnh miền Bắc phục vụ phát triển vùng nguyên liệu xuất khẩu” và “Dự án nhập công nghệ sản xuất giống tôm hùm nước ngọt Procambarus clarkii phục vụ phát triển vùng nguyên liệu xuất khẩu ở các tỉnh miền Bắc”.

Kết quả nghiên cứu cho thấy: Tôm hùm nước ngọt có khả năng sinh trưởng và phát triển tại miền Bắc nước ta do chúng là loài thủy sinh vật dễ nuôi, ít dịch bệnh. Tuy nhiên giá trị kinh tế không cao, tỉ lệ thịt so với khối lượng cơ thể thấp, cỡ thương phẩm nhỏ (30-50 g), có nhiều đặc tính của sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại như: ăn tạp, phàm ăn, cạnh tranh thức ăn, có thể chiếm nơi sống của loài bản địa, có khả năng gây hại sinh vật bản địa, đào hang hốc (sâu đến 2 m) và có thể gây hại cho các công trình thủy sản, đê điều nếu thoát ra ngoài… Vì vậy, Viện đã khuyến cáo không nên phát triển nuôi đối tượng này ngay sau khi kết thúc nghiên cứu (năm 2010).

Tin mới nhất

T6,22/11/2024