Tôm hùm, cá nuôi tiếp tục chết hàng loạt ở Sông Cầu

Gần đây, tôm hùm, cá biển nuôi lồng bè ở đầm Cù Mông (TX Sông Cầu) tiếp tục chết hàng loạt. Nguyên nhân ban đầu được xác định là vùng nuôi quá tải, thời tiết mưa nắng bất thường gây thiếu ôxy cục bộ tại vùng nuôi.

Người nuôi tôm hùm ở xã Xuân Cảnh (TX Sông Cầu) vớt tôm bị chết lên bờ. Ảnh: ANH NGỌC

Liên tiếp thiệt hại nặng

Đêm 21, rạng sáng 22/6, các loại thủy sản nuôi lồng bè ở thôn Hòa Thạnh, xã Xuân Cảnh có hiện tượng bơi lờ đờ, nổi lên mặt nước và chết hàng loạt. “Gia đình tôi nuôi hơn 5.000 con cá bớp, đến nay đạt trọng lượng khoảng 2kg/con cũng chết sạch. Lúc cá chết, do nhanh quá, với số lượng nhiều nên gia đình trở tay không kịp”, ông Phạm Văn Chín ở thôn Hòa Thạnh cho biết.

Không phải một vài hộ nuôi bị ảnh hưởng mà gần cả trăm hộ nuôi ở xã Xuân Cảnh bị thiệt hại. Riêng gia đình ông Phạm Văn Chín, tiền đầu tư cá giống đã hàng trăm triệu đồng, nuôi đến bây giờ tới cả tỉ đồng. Đa số tiền đầu tư là vay mượn, người nuôi mong muốn các ngân hàng có chính sách khoanh nợ, giãn nợ để người dân trả dần.

Theo UBND TX Sông Cầu, những ngày qua, trên địa bàn xã Xuân Cảnh xảy ra tình trạng thủy sản nuôi chết đột ngột với số lượng lớn. Trên địa bàn xã Xuân Cảnh có 88 hộ nuôi bị thiệt hại, trong đó có khoảng 40 lồng tôm hùm thịt bị thiệt hại, với số lượng tôm chết khoảng 1,7 tấn; tôm hùm con từ 1-2 tháng tuổi chết hơn 6.000 con; cá các loại chết gần 45 tấn; cá con từ 1-2 tháng tuổi chết khoảng 6.000 con… ước thiệt hại hơn 7,3 tỉ đồng. Địa phương đang triển khai các giải pháp khắc phục sự cố tôm, cá chết và tiếp tục thống kê thiệt hại.

Tăng cường quản lý vùng nuôi

Sau khi nhận được thông tin trên địa bàn xã Xuân Cảnh xảy ra tình trạng cá chết đột ngột với số lượng lớn, UBND TX Sông Cầu đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND xã Xuân Cảnh kiểm tra, thống kê tình hình thiệt hại và triển khai giải pháp ứng phó.

Các cơ quan chức năng của tỉnh đã kiểm tra thực tế tại vùng nuôi và lấy mẫu nước, mẫu thủy sản chết để phân tích các chỉ số môi trường, xác định nguyên nhân gây ra tình trạng thủy sản nuôi chết hàng loạt. Sở NN&PTNT cũng cử cán bộ chuyên môn xuống hiện trường kiểm tra thực tế.

Qua nắm bắt thông tin từ các hộ nuôi, thời điểm xảy ra tình trạng tôm, cá chết thì nước ở khu vực nuôi có hiện tượng phân tầng nhiệt độ (tầng đáy nóng, nhiệt độ cao hơn so với tầng mặt). Tại hiện trường nhận thấy, nước ở khu vực vùng nuôi có cá, tôm chết có mùi hôi, màu nước trắng đục. Chi cục Chăn nuôi và thú y đã thu mẫu tôm, cá chết để đưa đi xét nghiệm tìm tác nhân. Chi cục Thủy sản cũng đã thu mẫu nước tại khu vực nuôi gửi Viện Khoa học năng lượng và môi trường để phân tích và đo các thông số tại hiện trường.

Theo bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, kết quả đo các thông số tại hiện trường cho thấy, nhiệt độ nước là 30,30C, ôxy hòa tan là 4,1mg/lít, pH là 7,5, độ mặn 31,8‰. Với kết quả trên, đoàn kiểm tra nhận định nguyên nhân gây chết cá, tôm hàng loạt có thể do hàm lượng ôxy hòa tan rất thấp kéo dài, thời điểm xảy ra tôm, cá chết (khoảng 2-3 giờ sáng) hàm lượng ôxy hòa tan rất thấp (khoảng 2-3mg/lít), dưới ngưỡng chịu đựng của các loài thủy sản nuôi.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác là mật độ lồng nuôi quá dày, trong đó có nhiều bè nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ để làm thức ăn cho tôm hùm (thường gọi là cơm cháy, đồng đen) gây cản trở nước lưu thông và tiêu thụ nhiều ôxy vào ban đêm, dẫn đến hiện tượng thiếu ôxy cục bộ tại vùng nuôi. Mực nước trong khu vực nuôi thấp (chỉ 2-3m khi triều cường), biên độ triều thấp, hầu như không có dòng chảy.

Trong khoảng 2-3 ngày trước khi cá, tôm chết, tại khu vực này thường có gió tây nam hoạt động, thời tiết nắng nóng bất thường (có nơi lên đến 390C) kết hợp với mưa dông vào chiều tối đã gây hiện tượng phân tầng nhiệt (trên mặt mát, dưới đáy nóng), thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ tầng đáy, tiêu hao hàm lượng ôxy hòa tan, phát sinh khí độc… ảnh hưởng trực tiếp đến cá, tôm nuôi và các loài thủy sản tự nhiên.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khuyến cáo: Người nuôi không nuôi với mật độ dày mà phải tiến hành san thưa thủy sản nuôi, giãn khoảng cách lồng để tăng lưu thông nước, tránh hiện tượng bị thiếu ôxy cục bộ tại lồng nuôi. Chỉ bố trí lồng bè nuôi trong khu vực được quy hoạch nuôi trồng thủy sản và có mực nước tối thiểu 4m khi triều kiệt. Giảm lượng thức ăn hằng ngày hoặc ngừng cho ăn vào những ngày nắng nóng gay gắt, chọn loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao kết hợp với việc bổ sung vitamin C, khoáng chất, chế phẩm sinh học nhằm tăng cường sức đề kháng của vật nuôi trong giai đoạn thời tiết thất thường như hiện nay.

Người nuôi thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa thủy sản nuôi ngay khi đạt kích cỡ thương phẩm để giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra sự cố do môi trường, dịch bệnh. Bên cạnh đó thường xuyên vệ sinh lồng nuôi để tăng cường quá trình trao đổi nước, thường xuyên kiểm tra sức khỏe thủy sản nuôi, nhất là ban đêm, để phát hiện kịp thời sự cố có thể xảy ra.

Anh Ngọc

Báo Phú Yên

Địa phương và người nuôi thủy sản cần kéo tất cả số lồng nuôi có tôm, cá chết lên bờ nhằm giảm tải vùng nuôi và tăng cường lưu thông nước. Ngoài ra cần tổ chức vớt, thu gom xác thủy sản chết trôi nổi trên đầm đưa vào bờ xử lý hợp vệ sinh nhằm tránh tình trạng vùng nuôi tiếp tục bị ô nhiễm.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Tri Phương

Tin mới nhất

T6,22/11/2024