Thủy sản nuôi ở nhiều nơi chết do dịch bệnh

Tôm, cá nuôi ở nhiều nơi bị dịch bệnh, chết do môi trường thay đổi đột ngột và thời tiết nắng nóng gay gắt.

Các hộ nuôi kiểm tra cá lồng

Yếu tố môi trường không đảm bảo

Tại Vinh An (Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) có hàng chục ao hồ nuôi thủy sản, xen ghép bị dịch bệnh, đang diễn biến phức tạp.

Tại xã Phong Hòa (Phong Điền), nhiều lồng nuôi cá trắm trên sông Ô Lâu bị dịch bệnh, chết rải rác kéo dài từ hơn 10 ngày nay. Đến ngày 31/7, tình trạng cá nuôi lồng trên sông Ô Lâu chết nhiều hơn. Cá nuôi lồng chết có dấu hiệu lở loét, xuất huyết và có nhiều ký sinh trùng bám ở mang.

Qua kiểm tra của người dân và cơ quan chức năng, các yếu tố, chỉ số môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài, việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nguồn nước cấp nuôi là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thủy sản, dẫn đến dịch bệnh và chết.

Tại các điểm quan trắc, như thôn Thủy Diện, xã Phú Xuân (Phú Vang), thị trấn Sịa (Quảng Điền), các xã Hải Dương, Hương Phong (TP. Huế)… nhiều yếu tố môi trường quá cao, hoặc thấp không đảm bảo cho nuôi trồng thủy sản. Tại Quảng Điền, đến nay đã có khoảng 70ha ao hồ nuôi thủy sản bị dịch bệnh, thiệt hại lớn.

Ông Trần Viết Chức, Chủ tịch UBND xã Hương Phong (TP. Huế) xác định, nguyên nhân ban đầu khiến thủy sản bị dịch bệnh chủ yếu do thời tiết nắng nóng kéo dài, mưa giông vào chiều tối. Điều này làm môi trường thay đổi đột ngột, hàm lượng ô – xy giảm thấp kèm theo mật độ thả nuôi dày làm tôm, cua, cá chết.

Chủ động máy móc, thiết bị

Người dân Sịa chăm sóc tôm nuôi

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Trương Văn Giang nhận định, thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là nắng nóng; trong khi đó theo quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện không xả nước về hạ du do mực nước giảm còn rất thấp (trừ các trường hợp cấp thiết). Điều này sẽ khiến việc nuôi trồng thủy sản trên các sông Bồ, Đại Giang… gặp nhiều khó khăn.

Ông Giang khuyến cáo, người dân cần tranh thủ thu hoạch tỉa, thậm chí thu hoạch đại trà nếu thủy sản có thể bán thương phẩm nhằm hạn chế thiệt hại do dịch bệnh. Với các ao nuôi chưa thể thu hoạch, người dân cần chủ động trang thiết bị, máy móc, máy sục khí tạo ô-xy, bổ sung vitamin C vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho thủy sản. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng nên giảm lượng thức ăn, tránh dư thừa gây ô nhiễm môi trường.

Trong những ngày có mưa giông, thời tiết thay đổi đột ngột, cực đoan, người dân thường xuyên kiểm tra ao hồ, thủy sản nhằm phát hiện các hiện tượng bất thường. Đồng thời phải vận hành máy sục khí nhằm tạo ô – xy đầy đủ cho thủy sản vào thời điểm sáng sớm, thậm chí liên tục trong ngày nhằm đảm bảo an toàn, sinh trưởng tốt cho thủy sản.

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế