Thanh Hóa: Phát triển nuôi trồng thủy sản ở xã Hoằng Phụ

Những năm gần đây, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa – Thanh Hóa) đã tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân đầu tư mở rộng diện tích, nâng cấp hệ thống ao nuôi, phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) theo hướng bền vững, hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay, xã Hoằng Phụ có 247 ha diện tích NTTS, chủ yếu là nuôi quảng canh cải tiến và tôm công nghiệp với sản lượng đạt 2.000 tấn/năm. Trên địa bàn xã đã có 36 hộ dân đầu tư phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp trên cát, với tổng diện tích 30 ha.

Đây là hình thức nuôi có nhiều ưu điểm, thời gian nuôi ngắn so với con nuôi khác, tôm thẻ chân trắng dễ nuôi do chịu được môi trường thay đổi, thích nghi với độ mặn, chịu được nhiệt độ thấp, cho năng suất cao.

Qua các vụ nuôi cho thấy, việc nuôi tôm công nghiệp trên cát ứng dụng khoa học – kỹ thuật công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 – 2 lần so với nuôi thâm canh cải tiến.

Ngoài ra, xã Hoằng Phụ đang thực hiện 3 mô hình nuôi tôm sú giống thế hệ mới xen cá đối mục ở vùng nội đê được đưa vào thử nghiệm với diện tích 2 ha. Các mô hình này mang lại sản lượng, hiệu quả cao khi tôm sú giống thế hệ mới tăng trưởng nhanh, giúp rút ngắn thời gian nuôi, giảm nguy cơ rủi ro so với tôm sú truyền thống; nuôi cá đối mục vừa có thể mang lại giá trị kinh tế vừa có những tác động tích cực đến môi trường nuôi.

Để nghề NTTS phát triển, xã đã lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi đầu mối, nạo vét kênh mương, nâng cấp trạm bơm, xây dựng các tuyến đường giao thông phục vụ cho NTTS tập trung. Bên cạnh đó, xã cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ NTTS tiếp cận các nguồn vốn vay từ các ngân hàng để đầu tư, cải tạo, kiên cố ao nuôi, mua sắm thiết bị. Đồng thời, UBND xã đẩy mạnh tuyên truyền việc giữ gìn vệ sinh môi trường ao nuôi; khuyến cáo các hộ nuôi thả đúng lịch thời vụ; thông báo cụ thể thời điểm lấy nước, tiêu nước để người nuôi chủ động kế hoạch đưa nước vào ao nuôi.

Ngoài ra, HTX NTTS Hoằng Phụ là cầu nối để các hộ nuôi trồng trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau về nguồn giống, nguồn thức ăn và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, nhiều hộ NTTS lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động. Tiêu biểu như hộ các ông Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Thuật, Phùng Quốc Hội… đầu tư nuôi tôm công nghiệp cho lợi nhuận trung bình từ 1 đến 2 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ, cho biết: Hiện UBND xã đang tiếp tục xây dựng kế hoạch khuyến khích, huy động các hộ dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất nông nghiệp trũng, thấp trồng lúa kém hiệu quả kinh tế sang NTTS; đầu tư xây dựng và củng cố hạ tầng ao nuôi, hệ thống giao thông, thủy lợi… từ đó, hoàn thiện hơn vùng NTTS tập trung. Hiện xã Hoằng Phụ đang tiếp tục tạo điều kiện để người dân thuê đất, phát triển các mô hình NTTS ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khuyến khích những hộ nuôi quảng canh đầu tư mở rộng diện tích nuôi thả theo hình thức công nghiệp, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh… giúp người dân sản xuất thuận lợi, nâng cao năng suất và sản lượng.

Thời gian tới, xã Hoằng Phụ tiếp tục khai thác lợi thế về mặt nước để đẩy mạnh NTTS. Trong đó, hướng tới mục tiêu nuôi tôm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, mở rộng diện tích đối với các đối tượng nuôi chủ lực, áp dụng khoa học – kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

Tin mới nhất

T7,14/12/2024