Thách thức trong vụ nuôi thủy sản mới

Biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Theo đó, môi trường vùng nuôi, ao nuôi cũng có nhiều biến động, thay đổi đặt ra yêu cầu với người nuôi thủy sản phải có những biện pháp thích ứng, phù hợp.

Thu hoạch tôm nuôi. Ảnh: Ngọc Hải

Liên tục thất bại, thiếu tự tin

Trong nhiều yếu tố bất lợi phải kể đến thời tiết phức tạp, môi trường thay đổi đột ngột, kỹ thuật nuôi tôm trên cát ven biển Ngũ Điền gần như hoàn toàn tự phát khiến người dân không thể chủ động ứng phó. Khi môi trường thay đổi, tôm bị dịch bệnh… thì ngay cả những người được cho có nhiều kinh nghiệm, “kỹ sư” nuôi tôm trên cát như anh Đăng, anh Hòa, Khiên, Kháng… cũng đành “bó tay”.

Mặc dù trải qua nhiều năm nuôi thủy sản, tích lũy nhiều kinh nghiệm nhưng ông Võ Kháng ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải (Phong Điền) vẫn e ngại khi bước vào vụ nuôi tôm mới trên cát ven biển. Hầu như ông Kháng không còn tự tin và không thể chắc chắn rằng vụ nuôi tôm mới này thắng lợi, khi nhiều vụ liên tiếp gần đây bị thiệt hại nặng do dịch bệnh hoành hành.

Ông Kháng cho rằng, trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, yêu cầu đặt ra đối với người dân phải thay đổi tư duy, tập quán sản xuất lạc hậu. Đặc biệt, phải biết ứng dụng các biện pháp khoa học – kỹ thuật mới, tiên tiến, mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Trong khi đó, hầu như người dân hoàn toàn chưa nắm bắt quy trình kỹ thuật nuôi tôm công nghiệp, công nghệ cao như “nuôi tôm hai giai đoạn”, mô hình nuôi tôm bằng ao tròn diện tích nhỏ, nuôi tôm bằng công nghệ nano…

Tại vùng Ngũ Điền, Phú Lộc…, ngành nông nghiệp cùng các địa phương và một số hộ dân đã triển khai thí điểm thành công mô hình nuôi tôm bằng ao tròn công nghệ cao. Mô hình này với nhiều ưu thế như dễ quản lý, xử lý môi trường trong ao nuôi, tôm ít xảy ra dịch bệnh và đạt năng suất cao, chất lượng, kích cỡ sản phẩm đảm bảo theo yêu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, nhiều người nuôi tôm trên cát ven biển vẫn chưa được chuyển giao, tập huấn kỹ thuật nuôi tôm bằng ao tròn. Người dân cũng còn bảo thủ, thiếu sự tìm tòi, học hỏi mô hình nuôi thủy sản công nghệ cao. Phần lớn các hộ nuôi không chấp hành các quy định nuôi tôm trên cát như không có ao lắng, xử lý môi trường nước cấp trước khi đưa vào ao nuôi. Quá trình nuôi, chăm sóc tôm, người dân còn thiếu nhiều kỹ năng xử lý môi trường, dịch bệnh…

Trong khi hướng đến nuôi tôm công nghiệp, quy mô diện tích lớn hàng trăm ha nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có cơ sở sản xuất, ươm dưỡng con giống phục vụ nuôi tại chỗ. Nguồn giống phải mua từ các tỉnh, thành phía nam, trong quá trình vận chuyển ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe tôm giống. Vì thế, khi con giống vừa về đến thì người dân thả ngay, không qua khâu ươm dưỡng, kiểm dịch bằng máy PCR để xử lý dịch bệnh trước khi thả nuôi. Đây là một trong những yếu tố bất lợi dẫn đến nguy cơ tôm dễ xảy ra dịch bệnh.

Ứng dụng công nghệ mới

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Long An khuyến cáo, người dân cần phải chấp hành và ứng dụng các quy trình kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nuôi tôm, thủy sản nói chung mang lại hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, khó lường. Theo đó, người dân cần lưu ý, tại thời điểm thả giống phải theo dõi chặt chẽ thời tiết và kiểm tra các yếu tố môi trường nước cấp, môi trường ao nuôi đảm bảo trước và sau khi thả giống để đối tượng nuôi thích ứng tốt với môi trường mới.

Với nuôi thủy sản trên cát ven biển, có thể nuôi quanh năm đối với các cơ sở có hạ tầng tốt, môi trường vùng nước cấp đảm bảo, xử lý và kiểm soát các chỉ tiêu về nhiệt độ, môi trường trong ao nuôi phù hợp, xây dựng phương án chủ động phòng, chống thiên tai. Các cơ sở nuôi, người dân phải chọn thời điểm thả giống phù hợp, tránh thả giống vào các thời điểm có không khí lạnh đầu năm, hoặc nắng nóng của các tháng 6, 7 trong năm làm ảnh hưởng đến sức khỏe của vật nuôi.

Trong khi thả nuôi vụ đông, người dân phải chủ động các phương án để chống rét cho vật nuôi, như duy trì độ sâu trong ao thích hợp, tăng cường chế độ dinh dưỡng, có thể phủ kín bạt, lưới trên ao nuôi… Ngành thủy sản, các địa phương quan tâm tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân đầu tư nuôi công nghệ cao, nhiều giai đoạn trong ao quy mô nhỏ… Quá trình nuôi không sử dụng kháng sinh, kết nối chuỗi tiêu thụ để nâng cao giá trị cho sản phẩm nuôi trồng thủy sản.

Với nuôi thủy sản nước lợ, mặn trong đầm phá phải hướng dẫn, yêu cầu người dân thường xuyên theo dõi và kiểm tra các thông số môi trường nước ở các vùng nuôi đảm bảo. Đặc biệt, khi độ mặn từ 8‰ trở lên, thời tiết thuận lợi, nắng ấm, nhiệt độ trên 250C thì tiến hành thả nuôi để tránh sốc, nâng cao tỷ lệ sống, tốc độ phát triển và phòng, chống dịch bệnh cho các đối tượng nuôi.

Khi nuôi dưỡng một số đối tượng giống cá tự nhiên bản địa như dìa, nâu, mú, vẩu… trong ao, lồng trong mùa bão lụt để thả nuôi thương phẩm vào năm sau, thì tùy điều kiện cụ thể của từng vùng cần đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng, trang, thiết bị, chủ động kiểm soát các yếu tố môi trường, phòng, chống thiên tai. Có thể linh động bố trí thời gian ươm nuôi phù hợp để hoạt động sản xuất đạt hiệu quả cao nhất, giảm thiểu thiệt hại về tài sản khi bão lụt xảy ra.

Việc cải tạo ao, hồ nuôi trồng thủy sản vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, Lăng Cô cần phải thực hiện đồng loạt cùng thời gian trong từng vùng để đảm bảo chất lượng nước sạch khi lấy vào ao nuôi, giảm chi phí xử lý bằng các sản phẩm nuôi trồng thủy sản chất lượng.

Các vùng nuôi thủy sản lồng bè trên sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương, sông Đại Giang, sông Truồi cần chuẩn bị trang, thiết bị như máy sục khí, oxy, thuốc tím, vôi… để chủ động phòng trị bệnh, xử lý kịp thời khi cá nổi đầu hoặc chết do không có dòng chảy. Người nuôi thường xuyên vệ sinh và kiểm tra đáy lồng để phát hiện các hiện tượng bất thường và xử lý kịp thời.

Thế Hoàng

Báo Thừa Thiên Huế

Tin mới nhất

T5,10/10/2024