Tăng cường quản lý, kiểm tra chất lượng tôm giống

Trong nông nghiệp, lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là ngành tôm được xác định là kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bạc Liêu. Vì vậy, để có tôm chất lượng, cần có con giống chất lượng cung cấp cho người nuôi. Đồng thời, ngành chức năng cũng phải thường xuyên tổ chức kiểm tra nhằm loại bỏ tôm giống không đạt chất lượng.

Lãnh đạo tỉnh và Sở NN&PTNT kiểm tra một cơ sở sản xuất tôm giống ở huyện Hòa Bình.

NHIỀU CƠ SỞ SẢN XUẤT TÔM GIỐNG CHẤT LƯỢNG

Bạc Liêu là một trong những tỉnh có quy mô sản xuất tôm giống lớn nhất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Toàn tỉnh hiện có 355 cơ sở sản xuất – kinh doanh tôm giống (tôm thẻ chân trắng và tôm sú). Trong đó, có 215 cơ sở sản xuất tôm giống và 140 cơ sở ương dưỡng tôm giống, với tổng công suất thiết kế khoảng 40 tỷ post/năm. Mỗi năm các cơ sở này sản xuất dao động từ 36 – 38 tỷ post. Đồng thời, có 30 cơ sở sản xuất tôm càng xanh giống với công suất thiết kế 1 tỷ post/năm, mỗi năm sản xuất dao động từ 600 – 800 triệu con. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn, chất lượng cao như Công ty Cổ phần Việt – Úc Bạc Liêu, Công ty TNHH Thủy sản công nghệ cao Việt Nam – Chi nhánh 1 tại Bạc Liêu, Công ty Kim Sa, Công ty Dương Hùng…

Với việc có nhiều doanh nghiệp sản xuất tôm giống quy mô lớn, chất lượng cao đã góp phần đưa sản lượng tôm giống có chất lượng cao của Bạc Liêu đạt trên 70%, đáp ứng đủ nhu cầu cho người nuôi tôm trong tỉnh và xuất bán ra ngoài tỉnh. Điển hình như, Công ty Việt – Úc Bạc Liêu đã nghiên cứu được con tôm bố mẹ thế hệ G12 chất lượng cao và Công ty TNHH Thủy sản công nghệ cao Việt Nam – Chi nhánh 1 tại Bạc Liêu đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tôm giống. Từ đầu năm 2023 đến nay, ngành chức năng đã cấp giấy chứng nhận cho 15 cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, nâng tổng số cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện là 222 cơ sở (chiếm 62,5%).

Ông Nguyễn Hoàng Xuân – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: “Ngoài kiểm tra tôm post để quản lý chất lượng, thì việc tăng cường quản lý tôm thẻ chân trắng bố mẹ nhập khẩu cũng được Chi cục quan tâm. Thời gian qua, ngành chức năng đã tiếp nhận hồ sơ 29 lô với số lượng 8.350 con tôm giống bố mẹ và hủy 10 lô với số lượng 2.556 con. Hiện số lượng tôm bố mẹ đang theo dõi là 19 lô với 5.794 con”.

TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA TÔM GIỐNG NHẬP TỈNH

Từ đầu năm đến nay, lượng tôm giống xuất, nhập tỉnh là khoảng 8 tỷ con, trong đó xuất tỉnh khoảng 5 tỷ con (đạt 25% lượng giống sản xuất), còn lại nhập tỉnh. Tổng lượng xe vận chuyển tôm giống nhập tỉnh là 180. Ngành chức năng đã cấp 10.824 giấy chứng nhận kiểm dịch xuất tỉnh, tổng số lượng xe vận chuyển tôm giống xuất tỉnh có giấy chứng nhận kiểm dịch là 5.078.

Đặc biệt, trung tuần tháng 4/2023, ngành chức năng cùng với Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra đột xuất các phương tiện vận chuyển tôm giống nhập tỉnh. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản và tiêu hủy 3 xe vận chuyển 4,9 triệu con tôm post sú, thẻ không có giấy chứng nhận kiểm dịch nhập tỉnh. Đồng thời, Đoàn kiểm tra cũng tiến hành thanh, kiểm tra 20 cơ sở sản xuất – kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm tra có 3 cơ sở vi phạm với các lỗi như: không ghi chép, lưu giữ hồ sơ trong quá trình sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản phục vụ truy xuất nguồn gốc. Ngành chức năng đã nhắc nhở và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính các cơ sở này.

Xung quanh vấn đề trên, ông Nguyễn Duy Hưng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: “Nhằm tăng cường và nâng cao chất lượng tôm giống giúp người nuôi giảm rủi ro trong nuôi tôm, mỗi năm tỉnh tổ chức 2 – 3 đợt kiểm tra các phương tiện vận chuyển tôm giống nhập tỉnh, nhất là vào thời điểm người dân thả tôm nuôi. Trường hợp xe nào vận chuyển tôm giống nhập tỉnh không có giấy kiểm dịch sẽ bị tịch thu, tiêu hủy toàn bộ tôm giống theo quy định”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng kiểm tra chất lượng tôm giống nói chung, kiểm dịch tôm giống nói riêng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được thực hiện nghiêm. Do người sản xuất chưa chấp hành theo quy định nên vẫn còn tồn tại tình trạng phương tiện vận chuyển tôm giống nhập tỉnh trốn tránh không thực hiện kiểm dịch. Đây là vấn đề cần có giải pháp mạnh hơn để nguồn giống cung cấp cho người nuôi đảm bảo chất lượng, giúp ngành tôm ngày càng phát triển trong thời gian tới.

Theo ngành chức năng, trong số các phương tiện vận chuyển tôm giống nhập tỉnh thì chỉ có khoảng 30% phương tiện thực hiện dừng, kiểm dịch nhập tỉnh tại các Trạm Kiểm dịch động vật so với kết quả thông báo từ nơi xuất phát. Còn 70% xe vẫn chuyển tôm giống cố tình không trình Trạm Kiểm dịch nơi đến.

Minh Đạt

Nguồn: Baobaclieu.vn

Tin mới nhất

T2,25/11/2024