Sóc Trăng: Tăng cường quản lý chất lượng thức ăn, thuốc thú y dùng trong nuôi trồng thủy sản

Sóc Trăng là một trong những tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn và xuất khẩu thủy sản nằm trong tốp đầu của các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, nhu cầu về thức ăn, thuốc thú y dùng trong nuôi trồng thủy sản hàng năm tại địa phương là rất lớn. Để đảm bảo chất lượng cho mặt hàng này, các ngành chức năng trong tỉnh thường xuyên thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi bán hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, kiểm soát chất lượng nguồn tôm nguyên liệu, phục vụ cho ngành chế biến thủy sản của tỉnh.

Siết chặt quản lý

Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 450 cơ sở chuyên kinh doanh thức ăn và thuốc thú y dùng trong nuôi trồng thủy sản với nhiều sản phẩm, chủng loại khác nhau do nhiều công ty, doanh nghiệp cung cấp, nên công tác quản lý cũng như sự lựa chọn của người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn. Do vậy, các ngành chức năng trong tỉnh đã siết chặt công tác quản lý, thường xuyên thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ sở kinh doanh, người nuôi nhận biết và nói không với hàng giả, hàng kém chất lượng.

Đồng chí Nguyễn Hùng Em – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Sóc Trăng cho biết, thời gian qua, công tác chống gian lận thương mại, hàng giả trong hoạt động kinh doanh thức ăn và thuốc thú y dùng trong nuôi trồng thủy sản được đơn vị quan tâm thực hiện sát sao. Ngoài bám sát các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh, Cục QLTT Sóc Trăng chỉ đạo các đội QLTT nắm sát địa bàn, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong đó quan tâm nắm tình hình biến động các mặt hàng phục vụ trong nuôi trồng thủy sản như về giá, chất lượng hàng hóa, hàng nhập khẩu lưu thông có đúng pháp luật chưa, hàng có đảm bảo chất lượng khi lưu thông, có hàng giả không và các hành vi gian lận thương mại khác. Song song đó, tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào các lĩnh vực mặt hàng trọng điểm có ảnh hưởng trực tiếp đến các loài thủy sản được nuôi. Kết quả, 7 tháng đầu năm 2022, Cục QLTT đã kiểm tra 31 vụ và xác lập vi phạm hành chính 17 vụ; xử lý 15 vụ vi phạm với tổng số tiền thu phạt trên 605 triệu đồng; chuyển cơ quan điều tra 3 vụ buôn bán thức ăn thủy sản giả, sản phẩm xử lý môi trường thủy sản giả về giá trị và công dụng.

Cùng với Cục QLTT Sóc Trăng thì Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng vào cuộc quyết liệt bằng những đợt thanh tra, kiểm tra, nhằm đảm bảo chất lượng thức ăn, thuốc thủy sản được lưu hành trên địa bàn tỉnh. Theo đồng chí Trần Thiện Hiến – Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, bên cạnh đa số các cơ sở kinh doanh đều chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo đảm quy chuẩn, điều kiện kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản thì vẫn còn một số cơ sở vì lợi nhuận, cố tình vi phạm. Trong những tháng đầu năm 2022, ngoài tham gia đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh, thanh tra ngành nông nghiệp đã tổ chức kiểm tra trên 70 cơ sở kinh doanh sản phẩm dùng trong nuôi trồng thủy sản, lấy 62 mẫu kiểm tra chất lượng, phát hiện có 16 mẫu không đạt. Qua kiểm tra đã phát hiện 38 trường hợp vi phạm kinh doanh hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng; lưu thông thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên thị trường nhưng chưa gửi thông tin đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định; hàng hóa hết hạn sử dụng… đã xử phạt và thu nộp ngân sách nhà nước trên 390 triệu đồng.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức

Cũng theo lãnh đạo Cục QLTT Sóc Trăng và Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, song hành cùng hoạt động thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, lấy mẫu kiểm tra chất lượng sản phẩm, xử lý hành vi vi phạm, các đơn vị còn đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ sở kinh doanh cũng như hướng dẫn họ cách tra cứu các sản phẩm trên hệ thống để biết được xuất xứ nguồn gốc, sản phẩm đã được lưu hành hay chưa… tránh gây thiệt hại cho mình và cho người tiêu dùng. Nhờ đó, nhiều cơ sở kinh doanh đã có kinh nghiệm nhận biết hàng giả và nói không với hàng kém chất lượng, hạn chế vi phạm và nâng cao uy tín cho đại lý mình.


Hướng dẫn chủ cơ sở kinh doanh tra cứu sản phẩm trên hệ thống của Cục Thủy sản. Ảnh: H.LAN

Là đại lý cấp 1, có thâm niên hơn 10 năm kinh doanh thức ăn, thuốc thủy sản và cung cấp sản phẩm cho nhiều địa phương trong tỉnh với số lượng nhập khoảng 350 tấn/tháng và xuất bình quân hàng tháng khoảng 150 tấn, chị Phan Bích Như – chủ cửa hàng Bích Như ở thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) luôn đặt chất lượng lên hàng đầu, vì theo chị Như, nếu bán hàng kém chất lượng thì người nuôi sẽ bị thiệt hại và chắc chắn cửa hàng sẽ không thu hồi được vốn. Do đó trong quá trình kinh doanh, chị luôn lựa chọn những công ty có thương hiệu, uy tín trên thị trường để nhập hàng và không mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Còn đại lý thức ăn Thành Đạt, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) cũng có cách kiểm tra chất lượng sản phẩm để đưa đến tay người tiêu dùng đảm bảo hiệu quả nhất. Ngoài kiểm tra trên hệ thống theo hướng dẫn của ngành chức năng để biết sản phẩm đã được phép lưu hành thì theo anh Lê Minh Thông – tư vấn kỹ thuật nuôi tôm của Đại lý thức ăn thủy sản Thành Đạt, theo định kỳ hoặc thông qua phản ánh của người tiêu dùng, đại lý sẽ lấy mẫu các sản phẩm để kiểm tra xem thành phần có đúng so với công bố của doanh nghiệp sản xuất hay không, thông qua đó, đại lý chỉ tập trung kinh doanh các mặt hàng chủ lực như thức ăn, khoáng chất, vi sinh… của các công ty uy tín trên thị trường, nhằm đưa sản phẩm tốt nhất đến tay người nuôi, đồng thời tư vấn kỹ thuật để giúp người nuôi sử dụng đúng sản phẩm, liều lượng, tiết kiệm chi phí nhưng mang lại hiệu quả cao nhất.

Chị Trần Thị Kim Thoa – chủ Đại lý thức ăn thủy sản Kim Thoa, huyện Trần Đề, cũng như các đại lý khác, chị đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu với mong muốn người nuôi tôm có một mùa bội thu.

Để quản lý chặt chẽ chất lượng thức ăn, thuốc thú y dùng trong nuôi trồng thủy sản, trong thời gian tới, ngành chức năng cần làm tốt công tác quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Chủ cơ sở kinh doanh cần nâng cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong mua bán vật tư thủy sản. Người nuôi thủy sản cần chủ động chọn mua và sử dụng hàng hóa có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, sử dụng liều lượng phù hợp, phát huy hiệu quả và đảm bảo an toàn, góp phần tạo ra những sản phẩm chất lượng cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước.

H.LAN

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Tin mới nhất

T5,21/11/2024