Sóc Trăng: Giá tôm sẽ không còn giảm

[Người nuôi tôm] – Trong khoảng 10 ngày đầu tháng 6, giá tôm ở tất cả các kích cỡ đều đồng loạt giảm mạnh, thậm chí có người nuôi trúng cũng không có lời. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, giá tôm bắt đầu tăng nhẹ trở lại và theo dự báo của các doanh nghiệp, giá tôm chẳng những không giảm thêm, mà nhiều khả năng sẽ tăng mạnh trở lại từ đầu quý IV-2019, nhất là tôm thẻ cỡ lớn.

Sóc Trăng: Giá tôm sẽ không còn giảm

Việc giá tôm tăng trở lại khiến người nuôi tôm lạc quan

(Ảnh: Nguoinuoitom.vn)

Vào thời điểm 10 ngày đầu tháng 6, giá tôm thẻ loại 100 con/kg ở khu vực ĐBSCL chỉ dao động quanh mức từ 72.000 đồng đến 75.000 đồng/kg, kéo theo giá tôm cỡ lớn cùng giảm.

Nguyên nhân giá tôm giảm theo các doanh nghiệp chủ yếu là do các nhà nhập khẩu dự báo sản lượng tôm năm nay sẽ tăng. Mặt khác, khi bước vào tháng 6, cả Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam bắt đầu vào vụ thu hoạch nên họ chưa vội mua vào mà chờ vào cao điểm thu hoạch mới mua vào để ép giá thêm. Tuy nhiên, sau ngày 10-6, khi nhận thấy sản lượng tôm không nhiều như dự kiến, các nhà nhập khẩu bắt đầu nâng mức giá mua lên và mạnh dạn ký kết hợp đồng nhập khẩu với số lượng lớn. Đây cũng chính là lý do giúp giá tôm khu vực ĐBSCL tăng nhẹ trở lại ở tất cả các kích cỡ kể từ ngày 11/6 đến nay.

Hiện tại, giá tôm thẻ loại 100 con/kg không nhiễm kháng sinh và có màu sắc đẹp được doanh nghiệp thu mua với giá 80.000 đồng/kg, còn tôm thẻ cỡ lớn loại 21 con/kg giá 185.000 đồng/kg. Giải thích về biến động giá tôm thời gian qua, ông Võ Văn Phục – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cho biết: “Trong 10 ngày đầu tháng 6, giá tôm gần như xuống đáy. Ngoài yếu tố thị trường còn có một phần do các doanh nghiệp chưa có nhiều đơn hàng, thiếu hụt lao động, nên không thể tăng sản lượng mua vào được. Tuy nhiên, từ ngày 11/6, giá tôm đã tăng từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ. Theo tôi, giá tôm khả năng sẽ không còn xuống nữa do các nhà máy đã ký kết được đơn hàng, sản lượng tôm không nhiều như dự kiến của nhà nhập khẩu và các nhà máy hiện cũng đang tranh thủ thu mua, chế biến để dự phòng giá tôm tăng mạnh trở lại sau khi mùa vụ kết thúc”.

Cùng nhận định như ông Phục, các doanh nghiệp chế biến tôm khu vực ĐBSCL cũng cho rằng, giá tôm nhiều khả năng không còn giảm nữa nhưng cũng khó tăng mạnh từ nay cho đến đầu quý IV-2019. Ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta nhận định: “Khoảng đầu quý IV-2019, khả năng giá tôm khu vực ĐBSCL mới hồi phục trở lại, vì thời điểm này về cơ bản đã kết thúc vụ tôm chính, trong khi nhu cầu thu mua nguyên liệu từ các nhà máy chế biến lại tăng nhằm đáp ứng cho các đơn hàng cuối năm. Tuy nhiên, giá tôm hồi phục đến đâu còn tùy thuộc vào thị trường”. Theo tính toán, với giá tôm hiện nay nếu nuôi trúng, người nuôi vẫn có lãi khoảng 20% – 30% và nếu nuôi đạt size cỡ lớn, mức lãi còn cao hơn nữa, với điều kiện tôm nuôi không nhiễm kháng sinh, màu sắc đẹp. Riêng thị trường tôm sú cỡ lớn 30 con/kg hiện vẫn giữ được giá tốt”.

Việc giá tôm tăng trở lại dù chưa nhiều nhưng cũng là tín hiệu lạc quan, giúp người nuôi tôm an tâm sản xuất. Tuy nhiên, những dự báo về giá tôm thẻ cỡ lớn sẽ tăng mạnh trong thời gian tới thật sự là một bất ngờ, bởi ngay từ đầu vụ cả doanh nghiệp trong nước và các nhà nhập khẩu đều dự báo, tôm thẻ cỡ lớn của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với tôm của Ấn Độ. Giải thích về điều này, ông Phục cho biết: “Hiện nay, tôm thẻ size lớn dễ bán hơn, giá cao hơn, nên người nuôi có lời nhiều hơn. Nguyên nhân chính là do Ấn Độ năm nay nuôi không thành công như dự kiến ban đầu khiến nguồn cung tôm thẻ cỡ lớn mất cân đối. Trong khi đó, Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng đang nuôi tôm thẻ ứng dụng công nghệ cao rất thành công, đặc biệt là tôm thẻ cỡ 20 – 30 con/kg hiện rất ít người nuôi được”.

Tích Chu

Tin mới nhất

T6,26/04/2024