Sóc Trăng: Cần thận trọng trong mùa vụ thả tôm nuôi nước lợ năm 2024

Theo khung lịch mùa vụ thả giống tôm nuôi nước lợ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng do ngành Nông nghiệp tỉnh ban hành thì mùa vụ thả nuôi tôm năm 2024 sẽ được thực hiện bắt đầu từ ngày 10/1/2024 đến ngày 30/9/2024 đối với tôm thẻ chân trắng và từ ngày 15/3 đến 30/9 đối với tôm sú. Tính đến đầu tháng 4/2024, diện tích thả nuôi tôm trên toàn tỉnh hơn 10.445/50.824ha, đạt hơn 20% kế hoạch. Hiện tại, nhiều tổ chức và hộ nuôi tôm tại các vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh đã và đang đẩy nhanh tiến độ thả giống theo đúng lịch khuyến cáo của ngành chuyên môn, nhằm đảm bảo tôm nuôi phát triển tốt, đạt sản lượng cao và có vụ tôm thành công.

Sóc Trăng có diện tích thả nuôi tôm nước lợ hơn 50.000ha/năm. Ảnh: THÚY LIỄU

Hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi tôm, ông Hứa Trung Việt, ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) cho rằng, thời tiết năm 2024 khá khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài nên đã ảnh hưởng nhiều đến việc thả giống tôm. Ông Việt có tổng diện tích nuôi tôm 60ha, với hàng chục ao đất, thả nuôi 2 vụ/năm. Vào đầu vụ nuôi (tháng 1/2024), tôm thả nuôi được 20 ngày gặp dịch bệnh nên mất trắng 10 ao nuôi. Rút kinh nghiệm, ông chuyển sang thả nuôi tôm theo từng ao và theo các ngày khác nhau trong tháng để theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của tôm trong thời điểm nắng nóng và đêm nhiệt độ xuống thấp. Đến nay, toàn bộ diện tích ao nuôi tôm của ông đã được thả nuôi gần dứt điểm, với diện tích nuôi tôm 60ha, sản lượng thu về hơn 500 tấn/năm, trừ chi phí lợi nhuận hàng tỷ đồng.

Theo kế hoạch thả nuôi tôm của huyện Trần Đề năm 2024 là 4.150ha, đến thời điểm này, diện tích thả nuôi toàn huyện hơn 1.500ha. Tôm nuôi từ 1 tuần đến 3 tháng tuổi. Hiện độ mặn đo trên các kênh, rạch tốt nên đảm bảo cho hộ dân lấy nước vào để nuôi tôm, cùng với đó nền nhiệt độ đã giảm bớt so với tuần trước, do đó nhiều hộ nuôi tôm tập trung cải tạo ao để thả nuôi tôm. “Để hỗ trợ hộ nuôi nâng cao kiến thức trong nuôi tôm, huyện đã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về phương pháp nuôi tôm thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời, thường xuyên thông tin về tình hình dịch bệnh, quan trắc môi trường xung quanh vùng nuôi và dự báo thời tiết để khuyến cáo đến người nuôi tôm…”, đồng chí Phan Văn Hà – Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Trần Đề chia sẻ.

Đối với thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), do độ mặn trong năm 2024 xuất hiện sớm hơn cùng kỳ năm trước, kèm theo đó là nắng nóng gay gắt nên thị xã đã có những khuyến cáo đến nông dân thả nuôi tôm từ từ, theo hình thức thăm dò, không thả tôm nuôi ồ ạt. Đồng chí Mã Chí Thọ – Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu cho biết, thông qua hình thức thả nuôi như trên đã giúp hộ dân ước lượng được sản lượng tôm phù hợp với nhu cầu thị trường, tại từng thời điểm khác nhau và vừa hạn chế được tỷ lệ thiệt hại trên tôm nuôi một khi có dịch bệnh phát sinh.

Hợp tác xã Thủy sản Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) là một trong những hợp tác xã nuôi tôm công nghệ cao đạt năng suất cao và tôm nuôi được nhiều vụ trong năm. Ảnh: THÚY LIỄU

Nếu như nhiều hộ nuôi tôm ao đất gặp khó khăn trong những tháng đầu mùa vụ năm 2024 thì tại Hợp tác xã Thủy sản Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu có mùa vụ thả nuôi tôm khá thuận lợi. Hợp tác xã này nuôi tôm theo hình thức công nghệ cao, vì vậy khi nước mặn đến sớm thì việc lấy nước vào ao nuôi thuận lợi, còn thời tiết nắng nóng đã có lưới lan che phía trên các ao nuôi. Nhờ vậy mà hợp tác xã thả nuôi tôm mật độ dày, năng suất tôm nuôi cao và thả nuôi tôm được nhiều đợt trong năm, ước tính 1 ao 1.200msản lượng tôm nuôi sau thu hoạch đạt từ 6 – 7 tấn/đợt nuôi. Tổng diện tích hợp tác xã 90ha nhưng trong đó diện tích ao nuôi tôm chỉ 8ha, diện tích còn lại là các ao dự trữ nước, ao lắng, ao lọc. Nuôi tôm công nghệ cao giúp thành viên quản lý tốt rủi ro dịch bệnh từ các yếu tố môi trường, nuôi tôm về size lớn để cải thiện lợi nhuận trước sự biến động liên tục về giá bán.

Theo dự báo thời tiết của ngành chuyên môn, trong tháng 5/2024, khu vực tỉnh Sóc Trăng chịu ảnh hưởng bởi rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây phát triển mạnh và mở rộng về phía Đông, thiết lập rãnh áp thấp Tây Bắc – Đông Nam nên nửa đầu tháng 5 vẫn còn ít mưa, nửa cuối tháng 5 mưa tăng dần, phổ biến ở diện rải rác đến nhiều nơi, có nơi có mưa vừa, mưa to và dông mạnh, nhưng tập trung chủ yếu vào chiều tối. Theo đó, khí hậu khu vực tỉnh Sóc Trăng chịu ảnh hưởng bởi rìa phía Nam khối không khí lạnh phía Bắc hoạt động yếu nên nhiệt độ ngày nắng nóng, còn đêm lạnh nên sự chênh lệch nhiệt độ khá cao, có thể dẫn đến môi trường ao nuôi tôm dễ biến động, rủi ro, tôm nuôi dễ mắc bệnh hoại tử gan tụy cấp, phân trắng, EHP…

Đồng chí Đồ Văn Thừa – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng khuyến cáo: “Dựa trên dự báo thời tiết của ngành chuyên môn, nông dân nuôi tôm trong thời điểm hiện tại cần lưu ý vấn đề về quản lý môi trường nuôi, thức ăn và thực hiện tốt các giải pháp hạn chế dịch bệnh trong giai đoạn này như: cải tạo ao thật kỹ trước khi thả nuôi tôm, diệt bỏ các vật chủ trung gian mang mầm bệnh và ảnh hưởng đến đường ruột của tôm. Chọn con giống ở cơ sở có uy tín, có thương hiệu, có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, con giống có giấy kiểm dịch và phải xét nghiệm sạch bệnh ít nhất 3 loại bệnh thường gặp là đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp và bệnh còi – vi bào tử trùng. Thường xuyên bổ sung vôi, khoáng chất, đặc biệt là Canxi, Magie, Kali cho tôm, nhất là các ao độ mặn thấp, để phòng ngừa bệnh cong thân đục cơ – mềm vỏ, tăng sức đề kháng cho tôm. Thời điểm nắng nóng gay gắt, nhiệt độ nước > 33oC nên cắt cữ tôm ăn hoặc giảm 30 – 50% lượng thức ăn; đồng thời tăng cường sử dụng vi sinh, men tiêu hóa, acid hữu cơ để hỗ trợ đường ruột giúp tôm tiêu hóa tốt thức ăn…”.

Trong chuyến khảo sát về tình hình sản xuất tôm nuôi nước lợ trên địa bàn tỉnh vừa qua, đồng chí Vương Quốc Nam – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã đánh giá cao sự thận trọng của nông dân nuôi tôm trong việc tuân thủ tốt khung lịch thời vụ, theo đúng khuyến cáo của cơ quan chuyên môn và hộ dân đã tiên phong tiếp cận những quy trình nuôi mới để hạn chế nguy cơ thiệt hại. Qua đó yêu cầu ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục tập trung theo dõi sát diễn biến thời tiết, môi trường để khuyến khích người dân lựa chọn được thời điểm thả nuôi phù hợp; tăng cường công tác quan trắc môi trường tại ao nuôi, vùng nuôi để kịp thời thông tin, khuyến cáo nông dân khi có dịch bệnh phát sinh. Các địa phương có diện tích nuôi tôm phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, cung ứng tôm giống và các sản phẩm phục vụ nuôi trồng thủy sản để đảm bảo người nuôi tiếp cận được với nguồn vật tư đầu vào uy tín, chất lượng.

Thúy Liễu

Báo Sóc Trăng

Tin mới nhất

T6,04/10/2024