Sản xuất tôm giống: Cần tuân thủ quy trình và áp dụng công nghệ

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Trong những năm qua, bùng phát dịch bệnh trên tôm là một trong những nguyên do cản trở sự phát triển của nghề nuôi tôm Việt Nam. Để phục hồi và phát triển nghề nuôi tôm bền vững, yêu cầu giống tôm sạch bệnh, tốc độ tăng trưởng nhanh và tỷ lệ sống cao, có khả năng chống chịu với các stress về môi trường là ước mong của tất cả người nuôi. Để có được nguồn giống tốt, các nhà sản xuất phải tuân thủ những quy trình nghiêm ngặt và áp dụng nhiều công nghệ trong sản xuất.

Ảnh minh họa (Tôm bố mẹ Kona Bay)

An toàn sinh học của trại giống

An toàn sinh học và kiểm soát chất lượng nước được xem là khâu quan trọng để có một trại giống chất lượng đảm bảo. An toàn sinh học có khả năng phân tích các mối nguy và loại trừ các tác nhân gây bệnh, sự xâm nhập của các sinh vật không mong muốn vào cơ sở sản xuất. An toàn sinh học được tính đến ngay từ bước thiết kế và xây dựng trại giống để có thể kiểm soát tốt nhất các nguồn lây nhiễm. Các yếu tố đầu vào như: thức ăn, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, thuốc, chế phẩm và đặc biệt là nước cần được kiểm soát nghiêm ngặt. Nước sử dụng trong trại tôm giống phải được được xử lý hoá chất vô cùng cẩn thận và thậm chí còn áp dụng những hệ thống lọc siêu vi (0,5-1,0 µm), diệt khuẩn UV,… nhằm đảm bảo nước sử dụng phục vụ sản xuất giống là tuyệt đối an toàn, sạch mầm bệnh.

Chất lượng tôm bố mẹ, chọn giống

Chất lượng tôm bố mẹ có thể coi là chìa khoá của sự thành công trong khâu sản xuất giống. Có nhiều nghiên cứu khẳng định sự ảnh hưởng của tôm bố mẹ đến chất lượng tôm post. Hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, tôm bố mẹ khai thác từ tự nhiên cho tỷ lệ tôm mẹ đẻ trứng và số lượng ấu trùng/tôm mẹ cao hơn. Tuy nhiên, chất lượng ấu trùng tôm (sức sống, tăng trưởng…) ít bị tác động bởi nguồn gốc tôm bố mẹ (Racotta & cs, 2003).

Trong khi đó, tôm bố mẹ được gia hoá trong những hệ thống khép kín, được kiểm soát tốt về dinh dưỡng, nâng cao chất lượng. Rất nhiều chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra rằng, tôm bố mẹ khi cho ăn những loại thức ăn tươi, có nguồn gốc tự nhiên (giun nhiều tơ, mực tươi, thịt hàu,…) sẽ cho tỷ lệ thành thục, tỷ lệ đẻ và chất lượng con non tốt hơn khi sử dụng thức ăn thương mại. Dù vậy, sử dụng thức ăn tươi sống sẽ đối mặt nhiều rủi ro từ khâu kiểm soát an toàn sinh học. Để hạn chế, người ta hướng đến sử dụng những loại thức ăn chế biến từ các nguồn nguyên liệu sạch bệnh. Sử dụng giun nhiều tơ Nereis virens SPF được sản xuất trong môi trường vô khuẩn là một ví dụ điển hình (Jin & cs, 2022).

Nuôi vỗ tôm bố mẹ theo công nghệ Biofloc (BFT) cũng có thể là giải pháp vừa đảm bảo tối ưu về dinh dưỡng vừa đảm bảo an toàn sinh học. Trong hệ thống BFT, tôm bố mẹ có thể nhận được nguồn thức ăn tại chỗ khá phong phú và giàu dinh dưỡng (axit béo, vitamin và phospholipid,…) giúp thúc đẩy quá trình phát triển tuyến sinh dục và thành thục tốt hơn. Ngoài ra, hệ vi sinh của BFT hoạt động như một chế phẩm sinh học tự nhiên có chứa các chất kích thích miễn

dịch (như peptidoglycan) làm tăng sức đề kháng cho tôm (Khanjani & cs, 2023; Cardona & cs, 2016). Đồng quan điểm, Emerenciano & cs. (2014) cho thấy, tôm bố mẹ nuôi vỗ theo công nghệ BFT có bổ sung thêm thức ăn tươi sống cho kết quả tốt hơn hẳn về tỷ lệ đẻ trứng sau cắt mắt, số lần đẻ và năng suất trứng. Bên cạnh đó, Ridwan & cs (2016) bổ sung dịch chiết từ cây mua (Melasthoma malabatrhicum) cũng có thể cải thiện rõ rệt tốc độ lên trứng, sự thành thục và khả năng sinh sản ở tôm.

Một số nghiên cứu gần đây còn cho thấy chất lượng thức ăn của tôm bố mẹ còn ảnh hưởng rõ rệt đến khả năng sống sót của ấu trùng tôm (Marsden & cs, 1997; Wyban & cs, 1997, Wouters & cs, 1999). Tương tự, Cavalli & cs. (1999, 2000) đã chứng minh thức ăn cho tôm càng xanh bố mẹ ảnh hưởng rõ rệt tới tăng trưởng và khả năng chống chịu của ấu trùng tôm 8 ngày tuổi trong thử thách stress với amoniac.

Ngoài ra, chỉ những tôm bố mẹ gia hoá trong trại nuôi mới có thể áp dụng các công nghệ chọn giống chủ động. Hầu hết các trại sản xuất giống hiện nay đều hướng đến sử dụng những nguồn tôm bố mẹ được tuyển chọn qua nhiều thế hệ với định hướng rõ ràng như: tốc độ tăng trưởng nhanh, khả năng chống chịu với môi trường, kháng bệnh… Nhờ ứng dụng những tiến bộ của công nghệ sinh học như chọn giống bằng chỉ thị phân tử nên việc chọn giống tôm nói chung được tiến hành nhanh và chính xác hơn.

Hơn thế, tôm bố mẹ được gia hoá trong những hệ thống khép kín được kiểm soát ở mức độ an toàn cao hơn, hạn chế rủi ro lây truyền mầm bệnh sang ấu trùng. Kalagayan và cs (1991) cho thấy, khi tôm bố mẹ bị nhiễm IHHNV dẫn đến những hậu quả tăng trưởng chậm, kích thước nhỏ, tỷ lệ sống thấp và hội chứng còi cọc biến dạng hoặc RDS ở thế hệ sau, trong khi những điều này không được ghi nhận ở tôm post từ nguồn bố mẹ sạch bệnh. Trong nghiên cứu khác của Lightner (1996) còn cho biết tôm bố mẹ nhiễm IHHNV có thể gây chết tới 90% ở tôm con P. stylirostris sau 30 ngày thả nuôi.

Kỹ thuật kích thích thành thục và cho đẻ nhân tạo

Ngay cả khi các trại giống có nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh, các kĩ thuật kích thích phát triển tuyến sinh dục và sự thành thục sinh dục cũng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng con giống. Chỉ những hạt trứng tích luỹ đầy đủ dưỡng chất mới có thể sản sinh ra ấu trùng khoẻ mạnh. Để kích thích cho tôm thành thục và sinh sản tốt, người ta thường áp dụng một hoặc nhiều kỹ thuật cùng lúc như cắt mắt, kích thích sinh thái, cung cấp các loại thức ăn chất lượng cao giàu cholesterol. Phương pháp cắt mắt sinh sản cho năng suất trứng cao hơn nhưng tỷ lệ sống của ấu trùng, khả năng chống chịu với stress và sức đề kháng kém hơn hẳn so với ấu trùng được sinh ra mà không áp dụng phương pháp cắt mắt tôm mẹ. Thí nghiệm của Zacarias & cs. (2019) khi cảm nhiễm ấu trùng tôm với AHPND cho thấy, ấu trùng tôm sinh ra từ tôm mẹ không cắt mắt có tỷ lệ sống cao hơn hẳn tôm được sinh ra nhờ kỹ thuật cắt mắt (tương ứng là 70,4% và 38,8%). Với tình hình nuôi tôm hiện nay thì vấn đề giữ được đầu con, hay nói cách khác là tôm giống có tỷ lệ sống cao hơn sẽ dễ dàng được người nuôi chấp nhận. Do đó, xu hướng cho tôm đẻ không cần cắt mắt vừa có thể nâng cao chất lượng của ấu trùng tôm, vừa đảm bảo các tiêu chí về phúc lợi động vật.

Dinh dưỡng và thức ăn ương nuôi ấu trùng

Khi đã có cơ sở vật liệu di truyền tốt, chất lượng con giống phụ thuộc rất lớn vào quy trình nuôi dưỡng ấu trùng tôm. Bên cạnh việc đảm bảo sự tối ưu của các yếu tố môi trường nước, loại thức ăn, chất lượng thức ăn cho ấu trùng là yếu tố vô cùng quan trọng. Ấu trùng tôm có kích thước rất nhỏ và yếu ớt. Vì thế, hiểu được nhu cầu dinh dưỡng và cung cấp những loại thức ăn phù hợp về kích cỡ quyết định đến tốc độ tăng trưởng, khả năng sống sót của chúng. Thông thường, người ta sử dụng các loại thức ăn tươi sống như tảo đơn bào, vi sinh vật làm thức ăn đầu tiên cho chúng. Do đó, áp dụng công nghệ BFT có thể là một trong những giải pháp cải thiện rõ rệt chất lượng ấu trùng tôm. Ấu trùng tôm ương trong hệ thống BFT có lượng tế bào gan lớn hơn, độ lớn của ruột và độ dầy thành ruột cũng cao hơn đáng kể so với đối chứng (Suita & cs, 2015; Silva & cs, 2012). Sự tăng trưởng mạnh mẽ của chủng Bacillus trong ao ương tôm làm giảm đáng kể sự xâm nhập của Vibrios gây bệnh, đồng thời kích thích hệ thống miễn dịch và cải thiện đáng kể khả năng sống sót khi ương nuôi.

Ngoài ra, có nhiều minh chứng cho thấy ấu trùng tôm có khả năng chống với chịu stress và sức đề kháng được cải thiện khi khẩu phần ăn được bổ sung vi nang có chứa hàm lượng cao axit béo không bão hòa (n-3), vitamin C, astaxanthin, betaglucans, probiotics. Sử dụng artemia đã làm giàu bằng công nghệ nhũ hoá lipid cũng cải thiện đáng kể sức sống của tôm. Kể cả trong giai đoạn ương gièo tôm, nếu tôm giống được bổ sung thêm các thức ăn tươi sống như artemia thì chúng có thể cải thiện tốc độ tăng trưởng lên tới 40%.

Kiểm soát chất lượng con giống

Ngoài việc tuân thủ các biện pháp an toàn sinh học, việc theo dõi kiểm tra chất lượng con giống cần phải tiến hành thường xuyên bằng những phương pháp tin cậy. Các mẫu ấu trùng tôm có thể được phân tích bằng công nghệ PCR nhằm xác định sớm và chính xác tình trạng tôm, tránh đưa ra ngoài thị trường con giống bị nhiễm bệnh, không đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, quá trình vận chuyển cũng phải thực hiện đúng quy trình như sử dụng phương tiện vận chuyển chuyên dụng, duy trì oxy, độ mặn, nhiệt độ phù hợp… giảm thiểu hiện tượng tôm bị stress, lây nhiễm bệnh gây thiệt hại cho người nuôi.

T.S Nguyễn Ngọc Tuấn

Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tin mới nhất

CN,08/09/2024