Quý 1/2019 kim ngạch xuất khẩu giảm nhẹ so với cùng kỳ

[Người nuôi tôm] – Theo số liệu ước tính từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu thủy sản trong tháng 3/2019 Việt Nam thu về 630 triệu.

USD, tăng 69% so với tháng 2/2019, nhưng giảm 9,6% so với tháng 3/2018. Nâng kim ngạch xuất khẩu trong quý 1/2019 lên 1,73 tỷ USD, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước.

Quý 1/2019 kim ngạch xuất khẩu giảm nhẹ so với cùng kỳ

Ảnh minh họa (Nguồn: IT)

Trước đó, hai tháng đầu năm 2019 xuất khẩu thủy sản đạt trên 1,1 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ, riêng tháng 2/2019 đạt 372,78 triệu USD, giảm 49,7% so với tháng 2/2019.

Về thị trường trong 2 tháng đầu năm 2019 có 6 thị trường đạt kim ngạch trên 100 triệu USD  đó  là:  Mỹ,  EU,  Nhật  Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đông Nam Á; trong đó, xuất sang Nhật Bản đạt 180,1 triệu USD, chiếm 16,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, tăng trên 13% so với cùng kỳ năm 2018. Xuất khẩu sang Mỹ đạt 177,88 triệu USD, chiếm 16%, tăng 8%. EU chiếm 14,5%, đạt 161,21 triệu USD, giảm 11%. Trung Quốc chiếm 10,9%, đạt 121,24 triệu USD, tăng 8,8%. Hàn Quốc chiếm 9,6%, đạt 106,66 triệu USD, tăng 1%. Đông Nam Á chiếm 9,1%, đạt 101,17 triệu USD, tăng 9,2%.

Nhìn chung, xuất khẩu thủy sản sang gần như toàn bộ các thị trường trong tháng 2/2019 đều sụt giảm kim ngạch so với tháng 1/2019, trong đó các thị trường giảm mạnh 74 – 85% là Brazil, Kuwait, Ba Lan. Mặc dù vậy nhưng tính chung trong cả 2 tháng đầu năm nay, số thị trường tăng kim ngạch lại chiếm đa số, trong đó xuất khẩu tăng mạnh ở các thị trường: Ukraine tăng 185,8%, đạt 3,04 triệu USD; Ai Cập tăng 110,5%, đạt 6,43 triệu USD; Thổ Nhĩ Kỳ tăng 70,7%, đạt 1,57 triệu USD.

Đối với cá tra, theo Bộ Nông nghiệp kim ngạch xuất khẩu trong tháng 2 đạt 108 triệu USD, giảm hơn 49% so với tháng trước đó. Tuy nhiên, tính chung 2 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này ước đạt 320 triệu USD, tăng 21,1%.

Nguyên nhân xuất khẩu cá tra sụt giảm theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản xuất khẩu tỉnh An Giang (AFA), cũng chưa rõ tình trạng này do đâu bởi 2018 là năm đại thành công của ngành cá tra Việt Nam với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 2,26 tỉ USD, tăng 26,5% so với năm trước.

Theo phân tích Phó  Giám  đốc  Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex), do thị trường tiêu thụ lớn nhất cá tra Việt Nam là Mỹ giảm nhập khẩu khiến giá cá trong nước tụt xuống. Cuối năm 2018, Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ số lượng lớn cá tra nên bên đó đang tồn hàng, họ nhập khẩu chậm lại. Tuy nhiên, dự báo giá cá nguyên liệu sẽ tăng khi thị trường Mỹ tăng nhập khẩu trở lại.

Bên cạnh đó, một số tỉnh ở Trung Quốc đã nuôi được cá tra và đang nhân rộng diện tích nuôi. Do đó, ngành cá tra Việt Nam thời gian tới sẽ bị cạnh tranh bởi cá tra có xuất xứ từ Trung Quốc. Vì vậy, phải chú trọng nâng chất lượng cá tra để dễ dàng xuất khẩu sang các thị trường khó tính, phòng tránh rủi ro ở Trung Quốc.

Ngược lại, Việt Nam cũng phải nhập 140 triệu USD hàng thủy sản trong tháng 3/2019, tăng 30,3% so với tháng 2/2019 và tăng 4% so với tháng 3/2018, nâng kim ngạch nhập khẩu quý 1/2019 lên 404 triệu USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ (số liệu ước tính từ Cục XNK – Bộ Công Thương).

Về thị trường, 2 tháng đầu năm 2019 Việt Nam nhập khẩu  thủy  sản  chủ  yếu từ các thị trường Nauy, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á… Theo đó, Na Uy đạt kim ngạch cao nhất 33,9 triệu USD, tăng 21,53% so với cùng kỳ, riêng tháng 2/2019 nhập khẩu thủy sản từ thị trường này giảm 29,46% chỉ đạt 14 triệu USD so với tháng 1/2019, nhưng tăng 59% so với tháng 2/2018. Kế đến là thị trường Ấn Độ, nhưng tốc độ nhập từ thị trường này giảm 55,79% chỉ đạt 28,65 triệu USD, riêng tháng 2/2019 giảm 38,72% so với tháng 1/2019 và giảm 49,1% so với tháng 2/2018 tương ứng với 10,88 triệu USD.

Đáng chú ý, trong 2 tháng 2019 Việt Nam tăng mạnh nhập khẩu hàng thủy sản từ thị trường Hàn Quốc, tuy chỉ đạt 14,49 triệu USD, nhưng tăng 82,26% so với cùng kỳ, riêng tháng 2/2019 đã nhập từ Hàn Quốc 7,39 triệu USD, tăng 4,69% so với tháng 1/2019 và tăng gấp 2,1 lần (tức tăng 141,11%) so với tháng 2/2018. Ngược lại, Việt Nam giảm mạnh nhập từ thị trường Ba Lan, giảm 67,54% tương ứng với 657,79 nghìn USD, riêng tháng 2/2019 nhập từ thị trường này giảm 82,71% so với tháng 1/2019 và giảm 90,74% so với tháng 2/2018.

Hương Giang

Tin mới nhất

T6,22/11/2024