Quảng Trị: Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi

Thời tiết diễn biến phức tạp, môi trường nước thay đổi đã làm dịch bệnh trên tôm nuôi phát sinh. Để có vụ nuôi tôm thành công, cơ quan chuyên môn và các địa phương đang tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh và tăng cường quản lý tại các vùng nuôi tôm.

Nông dân thường xuyên kiểm tra tôm nuôi để kịp thời phát hiện, có biện pháp phòng trừ dịch bệnh -Ảnh: L.A

Những ngày này ông Nguyễn Hữu Thi ở tại thôn An Cư, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong đang tất bật xử lý hóa chất sát trùng Chlorine cho ao nuôi hơn 0,7 ha của mình để kịp thả lại lứa tôm khác.

Trước đó, ông Thi đã chi phí hơn 35 triệu đồng để cải tạo ao và mua gần 21 vạn con tôm giống thả nuôi. Sau chưa đầy 3 tuần tôm nổi đầu, dạt bờ và chết, thiệt hại 100%.

Sau khi báo cho cơ quan chuyên môn về lấy mẫu kiểm tra, ông được thông báo là tôm bị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính và được hỗ trợ gần 4 tạ hóa chất Chlorine để xử lý dập dịch.

“Tôi dự kiến sau khi xử lý ao nuôi xong sẽ thả nuôi lại với mật độ thấp hơn và thả xen thêm ít cua. Hy vọng việc nuôi mới sẽ thuận lợi để còn có thu nhập”, ông Thi cho hay.

Dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp tính cũng đã làm ông Nguyễn Văn Khanh ở tại thôn An Cư thiệt hại hơn 100 triệu đồng khi toàn bộ 3 ao nuôi có diện tích hơn 1 ha của ông bị chết hoàn toàn. Theo ông Khanh, mặc dù từ khi thả giống ông đã thường xuyên túc trực ngoài ao nuôi để theo dõi tình trạng phát triển của tôm.

Nhưng do năm nay thời tiết diễn biến quá phức tạp, nắng nóng kéo dài nhiều ngày làm nhiệt độ và độ mặn trong ao nuôi tăng cao, tôm nuôi giảm sức đề kháng dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh. “Trong 3 ao nuôi thì có một ao đã được trên 1,5 tháng.

Nếu tôm không chết thì khoảng hơn 1 tháng nữa là sẽ bắt đầu cho thu hoạch. Giờ coi như mất trắng, không thu hồi được vốn”, ông Khanh nói.

Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Phước Dương Thị Kim Cúc thông tin, tổng diện tích nuôi thủy sản mặn lợ của địa phương là trên 189 ha với trên 150 hộ nuôi. Trong đó nuôi tôm khoảng 100 ha, còn lại là nuôi xen ghép tôm – cua – cá.

Đến thời điểm này các hộ nuôi đã thả giống được trên 70% diện tích. Hiện tại, do ảnh hưởng của tình hình thời tiết, nắng nóng xen kẽ mưa giông nên môi trường ao nuôi thường xuyên biến động làm phát sinh dịch bệnh. Đã có một số ao nuôi xuất hiện hiện tượng tôm chết.

UBND xã đã báo cáo Trạm Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) huyện về kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xác định tôm nuôi bị mắc bệnh hoại tử gan tụy cấp tính.

UBND xã đã chỉ đạo các hợp tác xã phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp phát hóa chất Chlorine xử lý, tiêu độc các ao nuôi tôm bị bệnh, khống chế không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Đồng thời, hướng dẫn người nuôi tiếp tục theo dõi, chăm sóc và phòng bệnh trên tôm nuôi. Khuyến cáo các hộ có tôm bị bệnh chết cần vệ sinh ao nuôi thật kỹ trước khi thả nuôi lại.

Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY Trần Hoãn cho biết, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi được phát hiện từ ngày 14/4 tại một số hộ nuôi thuộc xã Triệu Phước.

Ngay sau khi nhận được tin báo có tôm nuôi bị bệnh chết, Chi cục CN&TY đã khẩn trương hỗ trợ hóa chất xử lý dập dịch nhằm ngăn chặn và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Tuy nhiên, nếu các hộ nuôi không tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, nâng cao ý thức cộng đồng thì dịch bệnh rất dễ bùng phát và lây lan trên diện rộng.

Ông Hoãn khuyến cáo, các hộ nuôi tôm khi dịch bệnh xảy ra phải khai báo ngay với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, đồng thời phối hợp cùng với cơ quan chức năng lấy mẫu, gửi mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh.

Đối với những hộ đang có tôm nuôi ở trong ao cần phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khoẻ tôm nuôi, thường xuyên kiểm tra các yếu tố thuỷ lý, thuỷ hoá trong ao; bổ sung thêm vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi. Dùng lưới rào chắn quanh ao, rải vôi quanh bờ để ngăn chặn các loài giáp xác mang mầm bệnh vào ao, xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi.

Năm 2022, toàn tỉnh có 49,38 ha diện tích nuôi tôm bị dịch bệnh. Trong đó, 1,32 ha bị bệnh đốm trắng và 48,06 ha bị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính.

Tổng số hóa chất Chlorine đã cấp hỗ trợ là hơn 23 tấn. Đáng lưu ý là có tình trạng một số hộ nuôi khi xảy ra hiện tượng tôm chết đã tự xử lý mà không báo cáo cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn để kiểm tra, phối hợp lấy mẫu xác định nguyên nhân gây bệnh, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Hiện nay, mới bước vào vụ nuôi chính của năm 2023, tuy nhiên dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi đã xảy ra tại các hộ nuôi ở xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong với diện tích bị bệnh 2 ha.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Phú Quốc nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là toàn tỉnh đang vào vụ nuôi tôm chính, diện tích thả nuôi lớn, thời tiết thay đổi thất thường và với tính chất nguy hiểm, diễn biến tình hình dịch bệnh trong thời gian qua, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan là rất cao.

Do vậy, cùng với tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi và các tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức và ý thức về phòng, chống dịch bệnh thủy sản; đặc biệt là không giấu dịch, thông báo tình hình dịch bệnh với cơ quan chuyên môn hoặc chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, bảo vệ vùng nuôi.

Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương chủ động nắm bắt tình hình thiệt hại, dịch bệnh trên tôm nuôi nhằm khống chế, bao vây dịch khi còn ở diện hẹp.

Trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm về nuôi tôm, đặc biệt những nơi bị thiệt hại, dịch bệnh hoặc khu vực có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi.

Tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản theo quy định, đặc biệt tại các vùng nuôi tập trung đối tượng chủ lực của tỉnh, đối tượng có giá trị kinh tế để cảnh báo, chủ động ứng phó với các điều kiện môi trường bất lợi nhằm giảm thiểu thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng.

Lê An

Báo Quảng Trị

Tin mới nhất

T5,21/11/2024