Phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp Việt Nam

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Đó là tên chủ đề hội thảo do Tổng cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp & PTNT), Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên & Môi trường) phối hợp với Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam tổ chức ngày 08/08/2019, tại quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng.

Tham dự  hội thảo gồm có đại diện của: Tổng cục Thuỷ sản; Tổng cục Biển và Hải đảo Việt nam; các Vụ, Cục của Bộ TN&MT; các Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản, Nghiên cứu Hải sản, Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 1, 2, 3, Nghiên cứu Tài nguyên và môi trường biển, Hải dương học; các chi cục thuỷ sản của các tỉnh Hải Phòng, Thanh Hoá, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Bà Rịa, Vũng Tàu, Cà Mau và Kiên Giang; Bộ tư lệnh quân chủng Hải Quân, Cảnh sát biển; Bộ tư lệnh bộ đội Biên Phòng và các tổ chức quốc tế: Danida, Innovation Norway, IDH, USSEC, G.A.P; VCCI, NHO….

Nội dung chính của hội thảo “Phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp Việt Nam” bao gồm: Khái quát và tổng kết những vấn đề chung của Ngành nuôi biển; Giới thiệu những mô hình khởi nghiệp nuôi biển nổi bật Đánh giá những khó khăn, vướng mắc mà ngành đang phải đối mặt đồng thời cũng phân tích tiềm năng và định hướng phát triển trong tương lai.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng (Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam) nhấn mạnh  vai trò của nuôi biển với sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam và với ngành nuôi biển nói riêng. Ông cũng khái quát hiện trạng ngành nuôi biển hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Quy mô nhỏ lẻ, chưa đồng bộ, cơ sở hạ tầng thiếu, việc cung cấp con giống, thức ăn, công nghệ nuôi còn hạn chế, chưa hình thành các chuỗi giá trị, thị trường chưa ổn định, phải đối mặt với không ít rủi ro thiên tai, môi trường,… dẫn đến phát triển thiếu bền vững

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng  – Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

Mục đích của hội thảo nhằm nghiên cứu, giới thiệu và trao đổi các kinh nghiệm thực tế của các cơ quan, doanh nghiệp, viện nghiên cứu và tổ chức quốc tế nhằm đúc rút các ý kiến, kiến nghị cho việc xây dựng chiến lược phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 – PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng khẳng định.

Tiếp đến, Hội thảo lần lượt được nghe các bản báo cáo, tham luận từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong ngành nuôi biển.

TS Nguyễn Duy Hải (Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ nuôi biển Maritec) đóng góp  bài tham luận với chủ đề “Đổi mới công nghệ nuôi hàu”. Ông phân tích những hạn chế trong mô hình nuôi hàu hiện tại của bà con nông dân. Từ mô hình nuôi chưa đa dạng, đến quy trình chưa đảm bảo khiến chất lượng và sản lượng hàu không đạt hiệu suất cao, bên cạnh đó còn gây ra hệ luỵ ô nhiễm môi trường sau mỗi vụ nuôi. Cùng vói đó, ông đề xuất giải pháp khắc phục: Đa dạng hoá chủng loại nuôi; hoàn thiện kỹ thuật sản xuất giống, nuôi thương phẩm; thay thế vật liệu nuôi không đảm bảo, phát triển mô hình nuôi hàu tiên tiến xa bờ;…

Ông Nguyễn Duy Hải – GĐ Công ty TNHH Công nghệ Nuôi biển trình bày báo cáo “Đối mới công nghệ nuôi hàu”

Mr Lukas Manomaitis (Đại diện Hiệp hội xuất khẩu Đậu tương Hoa Kỳ USSE) không trực tiếp tham dự hội thảo năm nay nhưng cũng đóng góp thông qua bản báo cáo trực tuyến sâu sắc. Ông nêu bật tiềm năng phát triển của ngành nuôi biển Đông Nam Á và sự kỳ vọng đối với lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản tại Việt Nam. Mr.Lukas cho biết USSEC cam kết sẽ nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác theo hướng có lợi và bền vững, cho thấy tính hữu ích và giá trị của các sản phẩm đậu tương Hoa Kỳ trong ngành nuôi trồng thủy sản.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu tham gia rất ấn tượng với tham luận của KS. Lê Bền (đại diện công ty TNHH Trí Tín) về phương pháp trồng rong biển tăng năng suất và hướng đến canh tác xa bờ. Ông Bền cho biết, từ rất lâu, trồng và chế biến rong biển là một ngành rất phổ biến, phát triển mang lại nguồn thu không nhỏ cho nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc; các nước Bắc Âu như Hà Lan, Na Uy,…Ở khu vực Đông Nam Á có: Indonesia, Philipine,…..

KS Lê Bền cũng chia sẻ thêm, Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng hiện nay diện tích trồng rong vẫn rất khiêm tốn; Các đối tượng trồng nghèo nàn; Quy mô và vị trí nuôi còn gần bờ, nhỏ lẻ; Phương pháp nuôi trồng lạc hậu,…Từ hiện trạng đáng buồn đó, tại hội thảo, ông nhấn mạnh cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển chất lượng cũng như quy mô nuôi trồng rong biển tại nước ta trong giai đoạn tới.

Ông Lê Bền Phó Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam – Giới thiệu phương pháp cải tiến mô hình nuôi trồng nho biển

Chung niềm tin vào sự phát triển mạnh mẽ của ngành nuôi biển Việt, TS Võ Quang Tuyến – Giám đốc Công ty Công nghệ iDataBox và Aquabox tham gia hội thảo và mang tới mô hình tự động hoá trong chăn nuôi thuỷ sản, lắp đặt các sensor công nghệ cảm biến hiện đại, có tính ứng dụng thực tiễn cao. Đồng thời, ông chia sẻ thêm kinh nghiệm nuôi theo công nghệ sinh học, sản xuất thức ăn cho ấu trùng tôm và cá dựa trên chuỗi thức ăn tự nhiên, ít tiêu thụ oxy. Kiểm chứng thực tế cho thấy hiệu quả của chăn nuôi công nghệ sinh học vượt xa so với phương pháp nuôi truyền thống.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Tổng kết, hội thảo được lắng nghe 17 báo cáo cùng nhiều ý kiến đóng góp, tranh luận xuất phát từ tâm huyết và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn nhiều năm trong ngành, đến từ các đại biểu, các đoàn thể, tổ chức năng động: Ông Cao Văn Hải (Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 ) – Hiện trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giống hải sản, phục vụ nuôi Biển; Ông Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản) – Quy hoạch nuôi biển ở cấp tỉnh và liên tỉnh, Bà Cao Thị Thu Trang (Đại diện Viện TN & Môi Trường Biển) – Đánh giá sức tải môi trường phục vụ công tác quản lý môi trường biển; Ông Trần Quang Mạnh (Trưởng bộ phận kinh doanh Công ty  Steinvik) – Giới thiệcông nghệ phục vụ nuôi biển xa bờ,…

LƯƠNG THẢO

 

Tin mới nhất

T6,22/11/2024