Nuôi trồng thủy sản điều hướng biến động thương mại với động lực cung ứng mạnh mẽ

[Người Nuôi Tôm] – Theo Báo cáo mới nhất từ RaboResearch, ngành nuôi trồng thủy sản toàn cầu đang thích nghi với các biến động về chi phí và thương mại bằng chiến lược cung ứng linh hoạt. Trong bối cảnh lạm phát, thuế quan và nhu cầu tiêu dùng phân hóa, động lực cung đặc biệt từ các thị trường chủ chốt như Ecuador, Ấn Độ, và Peru đóng vai trò then chốt trong việc định hình lại dòng chảy thương mại và ổn định ngành.

 

Ngành thủy sản toàn cầu đang bước vào giai đoạn tái định hình mạnh mẽ. Ảnh: ST

 

Khả năng chi trả và động lực thị trường đang định hình lại ngành thủy sản toàn cầu

Theo RaboResearch, năm 2025 chứng kiến một sự tái cấu trúc mạnh mẽ trong thị trường thủy sản toàn cầu, khi người tiêu dùng và các chuỗi cung ứng chịu tác động nặng nề bởi lạm phát và chính sách thuế quan. Khả năng chi trả đang trở thành yếu tố then chốt trong việc quyết định nhu cầu và hành vi tiêu dùng.Tại Hoa Kỳ – một trong những thị trường tiêu thụ hải sản lớn nhất, thuế nhập khẩu cao và lạm phát kéo dài đã thúc đẩy xu hướng lựa chọn các loại protein thay thế rẻ hơn. Các phân khúc nhạy cảm về giá trong bán lẻ ghi nhận sự dịch chuyển rõ rệt khỏi hải sản cao cấp, đè nặng lên nhu cầu toàn ngành.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi nhẹ nhờ các chính sách kích thích tài chính. Tuy vậy, sự thận trọng của người tiêu dùng trước giá cả vẫn khiến nhu cầu hải sản tăng trưởng hạn chế và có thể dẫn đến giảm tiêu dùng protein nói chung.Trái ngược, thị trường châu Âu nổi lên như một điểm đến thay thế, khi nhiều nhà xuất khẩu từ Mỹ và Trung Quốc bắt đầu chuyển hướng sang khu vực này để duy trì dòng chảy thương mại ổn định.

 

Tôm: Hồi phục giá nhưng triển vọng còn nhiều thách thức

Giá tôm đã phục hồi trong nửa đầu năm 2025 nhờ nhu cầu cải thiện và sự điều chỉnh hợp lý trong giá bán lẻ. Tuy nhiên, nửa cuối năm vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi ngành tôm tiếp tục đối mặt với thách thức thương mại và môi trường. Cụ thể, Ecuador, nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, đã có đợt tăng xuất khẩu đầu năm khá ấn tượng. Tuy nhiên, tốc độ này có thể chậm lại nếu thuế quan của Hoa Kỳ làm suy giảm nhu cầu. Trong khi đó, Ấn Độ, một quốc gia chủ lực khác đang thận trọng với vụ nuôi mùa hè do lo ngại nhiệt độ cao, chi phí đầu vào tăng và bất ổn chính sách thương mại.

Ông Sharma từ RaboResearch nhận định: “Chúng tôi dự kiến nguồn cung tôm sẽ tăng trưởng chậm lại khi các nhà sản xuất có khả năng trì hoãn hoặc giảm thả giống để ứng phó với thuế quan của Hoa Kỳ”. Cũng theo báo cáo, dòng chảy thương mại toàn cầu đang được định hình lại rõ rệt: Ecuador hưởng lợi từ thuế suất thấp hơn khi vào thị trường Mỹ; Ấn Độ chuyển hướng sang châu Âu; trong khi Việt Nam và Indonesia gặp khó do mức thuế cao từ Mỹ và thiếu lựa chọn thay thế trong xuất khẩu. Tuy nhiên, chi phí thức ăn chăn nuôi – một yếu tố chi phối lớn đến lợi nhuận lại đang có xu hướng giảm, góp phần bù đắp phần nào tác động tiêu cực từ thuế quan và duy trì hiệu quả sản xuất.

 

Bột cá: Động lực bền vững từ nguồn cung Peru và nhu cầu tăng

Một điểm sáng khác trong chuỗi cung ứng nuôi trồng thủy sản là sự hồi phục mạnh mẽ của nguồn cung bột cá và dầu cá toàn cầu trong năm 2025. RaboResearch dự báo đà tăng trưởng này chủ yếu đến từ Peru – quốc gia giữ vai trò then chốt  với hạn ngạch cá cơm đầu mùa đạt 3 triệu tấn, mức cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây. Ngoài ra, dự báo hiện tượng thời tiết La Niña có khả năng xuất hiện vào cuối năm có thể cải thiện sức khỏe sinh khối, từ đó nâng cao khả năng duy trì hoặc mở rộng hạn ngạch trong tương lai. Dù giá bột đậu nành đang giảm, giá bột cá vẫn duy trì ở mức cao. Điều này phản ánh nhu cầu bền vững đối với các thành phần thức ăn giàu protein. Triển vọng này giúp củng cố vai trò chiến lược của bột cá trong công thức thức ăn thủy sản và hỗ trợ giá cả ở mức trung bình dài hạn, bất chấp những áp lực từ thị trường nguyên liệu rộng hơn.

Ngành nuôi trồng thủy sản toàn cầu đang đối mặt với giai đoạn định hình lại, nơi sự thích ứng linh hoạt về cung ứng, điều chỉnh thị trường tiêu thụ và kiểm soát chi phí sẽ là các yếu tố sống còn. Dưới áp lực từ thuế quan và biến động kinh tế vĩ mô, động lực cung, thay vì chỉ tập trung vào cầu trở thành lực đẩy chính giúp ngành duy trì tăng trưởng và ổn định trong năm 2025.

Phương Nhung (theo aquafeed)

 

Tin mới nhất

T3,08/07/2025