Nuôi tôm trong nhà lưới chống nóng: Giảm tác động của nhiệt độ

[Người Nuôi Tôm] – Thời tiết nắng nóng luôn là thách thức đối với người nuôi tôm. Nhiệt độ ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng sinh trưởng và phát triển của tôm. Để đối phó với tác động của thời tiết, người nuôi tôm ở Nghệ An đã lựa chọn giải pháp làm nhà lưới.

Nuôi tôm trong nhà có mái che giúp người nuôi kiểm soát được nhiệt độ môi trường nước

 

Đối mặt với nhiều thánh thức

Với chiều dài bờ biển trên 82 km, dọc bờ biển có 6 cửa lạch, đây là những yếu tố trời ban để Nghệ An tập trung phát triển thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nắm bắt lợi thế, Nghệ An đã từng bước gây dựng, hình thành vùng nuôi trồng thủy sản quy mô lớn với diện tích tiềm năng có thể đưa vào nuôi trồng thủy sản là 52.092 ha. Song trên thực tế, diện tích không phát huy hết bởi tình trạng bỏ trống ao, hồ nuôi diễn ra nhiều và sản lượng thu hoạch cũng như nguồn thu từ nuôi tôm những năm gần đây không đáng kể.

Điển hình, thời gian gần đây, tại một số vùng nuôi tôm trọng điểm của Quỳnh Lưu như: Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Yên… những ao đầm ngoài trời đang nuôi tôm rất ít, thỉnh thoảng mới thấy vài đầm tôm hoạt động quạt nước. Theo chia sẻ của người dân địa phương, vừa qua do đợt dịch bệnh tôm chết hàng loạt, người nuôi tôm chưa thả con giống lại, trong khi thời tiết nắng nóng gay gắt. Càng về sau này, nguồn nước ngoài kênh mương càng ô nhiễm, khiến nghề nuôi tôm bấp bênh, dịch bệnh liên tục.

Vấn đề nan giải nhất hiện nay mà người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Nghệ An mong muốn được giải quyết là có nguồn nước sạch để tiếp tục các vụ nuôi tôm hòng giảm bớt rủi ro khi đầu tư. Bên cạnh đó, nuôi tôm vụ chính lại thường gặp thời tiết nắng nóng gay gắt, mặc dù đã áp dụng các giải pháp để chống nóng cho tôm nhưng không hiệu quả, bởi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nắng mưa đột ngột, tôm dễ bị sốc nhiệt.

 

Đột phá với mô hình nhà lưới chống nóng

Để đối phó với những thách thức này, nông dân thường phải sử dụng các biện pháp như điều tiết mực nước trong ao đầm cao lên để nước không bị nóng, tăng cường quạt nước, đồng thời sử dụng chế phẩm sinh học để phân hủy các chất hữu cơ và hạn chế tảo phát triển, nhưng hiệu quả không cao và tốn nhiều công sức. Việc đầu tư vào các công nghệ và phương pháp nuôi hiện đại cũng gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu tư lớn và thiếu kiến thức kỹ thuật. Trước thực trạng này, một trong những giải pháp sáng tạo và hiệu quả mà nhiều nông dân Nghệ An đã áp dụng là làm nhà lưới chống nắng cho tôm nhằm giảm tác động khí hậu khắc nghiệt. Mô hình này giúp duy trì nhiệt độ nước ổn định, giảm dịch bệnh, cải thiện chất lượng nước và tăng hiệu quả kinh tế.

 

Cấu trúc và thiết kế nhà lưới

Nhà lưới chống nắng cho ao nuôi tôm thường được thiết kế đơn giản nhưng hiệu quả, bao gồm các thành phần chính như:

Khung nhà lưới: Được làm từ vật liệu chắc chắn như thép không gỉ hoặc nhôm, khung nhà lưới phải đủ mạnh để chịu được gió và thời tiết khắc nghiệt.

Lưới chống nắng: Loại lưới này thường được làm từ chất liệu polyethylene (PE) hoặc polypropylene (PP), có khả năng chống tia UV và bền bỉ dưới tác động của môi trường. Lưới có thể giảm bớt từ 30- 50% lượng ánh sáng mặt trời chiếu xuống ao nuôi.

Hệ thống căng và neo lưới: Để đảm bảo lưới luôn căng và không bị xê dịch dưới tác động của gió, hệ thống căng và neo lưới được thiết kế kỹ lưỡng với các dây cáp và neo chắc chắn.

Nhà lưới chống nắng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho việc nuôi tôm, giúp bảo vệ sức khỏe và tăng trưởng của tôm. Bằng cách duy trì nhiệt độ nước ổn định và giảm thiểu sự biến động nhiệt độ đột ngột, nhà lưới giúp giảm stress cho tôm và tăng cường sức đề kháng. Tôm nuôi dưới nhà lưới thường có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn và ít bị bệnh hơn so với nuôi trong điều kiện tự nhiên không có che chắn. Bên cạnh đó, lưới chống nắng còn giúp hạn chế bức xạ mặt trời, giảm sự phát triển của tảo và các loại vi sinh vật có hại trong nước, từ đó duy trì chất lượng nước ao nuôi. Nhờ vậy, tôm có môi trường sống tốt hơn, giảm thiểu các vấn đề về ô nhiễm và cải thiện điều kiện sống, mang lại hiệu quả cao cho người nuôi.

Ao nuôi tôm trang bị hệ thống căng và neo lưới

 

Giảm chi phí, rủi ro và tăng hiệu quả kinh tế

Mặc dù việc xây dựng nhà lưới chống nắng ban đầu đòi hỏi một khoản đầu tư nhất định, nhưng về lâu dài, nó giúp giảm chi phí vận hành và bảo dưỡng ao nuôi, giảm rủi ro và tổn thất do bệnh tật và môi trường. Năng suất và chất lượng tôm được nâng cao, từ đó tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Anh Hồ Nghĩa Quý ở xóm Đồng Tâm, xã Quỳnh Bảng gắn bó với nghề nuôi tôm từ hơn 20 năm nay, nên đã có khá nhiều kinh nghiệm, đầu năm 2023, gia đình anh đầu tư 150 triệu đồng xây dựng khu nhà lưới rộng 250m2 để nuôi tôm. Trong khu nhà được che phủ bởi tấm lưới lam, ánh nắng không chiếu trực tiếp vào mặt nước, cảm nhận nhiệt độ mát hơn ngoài trời khá nhiều. Trong nhà lưới, anh Quý còn xây dựng nhiều bể xi măng và đầu tư lắp đặt hệ thống nuôi tôm áp dụng công nghệ cao, nuôi tôm nhiều giai đoạn. Hiện tại lứa tôm mới đã được thả giống 7 ngày, ngày nào anh cũng có mặt để vận hành hệ thống sục khí và quạt nước đều đặn.

“Đầu tư xây dựng nhà lưới, không những nuôi được tôm thuận lợi vào mùa Hè nắng nóng mà còn phù hợp với mùa Đông nhiệt độ xuống thấp. Vì vậy, mỗi năm có thể nuôi 3 – 4 lứa tôm, cho năng suất cao. Tuy nhiên, để làm được nhà lưới đòi hỏi chi phí đầu tư cao, trong khi điều kiện kinh tế của phần lớn người nuôi tôm còn khó khăn, nên không phải chủ đầm nào cũng làm được. Bởi thế, gia đình có 1 ha ao đầm mà hiện tại mới đầu tư làm nhà che tấm lưới mới được 250m2, phần diện tích ao đầm còn lại vẫn đang nuôi ngoài trời, rủi ro cao”, anh Hồ Nghĩa Quý chia sẻ.

Ông Nguyễn Cường ở xóm 2, xã Diễn Trung (Diễn Châu) chia sẻ, đối với ao nuôi đã được lót bạt, sử dụng lưới lam chống nắng căng phủ phía trên để hạn chế bức xạ mặt trời, giảm tăng nhiệt nước ao, hạn chế tảo phát triển và tránh gây sốc cho tôm. Còn với ao đất, luôn cung cấp đủ nước, đảm bảo độ sâu và tăng cường quạt nước sục khí làm mát để tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ, cũng như cung cấp dưỡng khí cho tôm nuôi.

Tuy nhiên đó là câu chuyện trước đây, còn hiện nay gia đình ông đã đầu tư nuôi tôm áp dụng công nghệ cao trên toàn bộ 5 ha ao đầm. Nuôi tôm áp dụng công nghệ cao được an toàn dịch bệnh, mỗi năm xuất bán 4 – 5 lứa tôm, nên hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn nhiều so với nuôi tôm ngoài trời.

Những năm gần đây, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đầu tư nuôi tôm công nghệ cao ngày càng nhiều. Ông Lê Văn Hướng, Chi cục phó Chi cục Thuỷ sản và Kiểm ngư cho biết, do nuôi tôm ngoài trời gặp nhiều rủi ro, đặc biệt là vào mùa nắng nóng, nên công tác ứng dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm ngày càng được người dân quan tâm, nhằm thích ứng với sự biến đổi ngày càng khắc nghiệt của thời tiết. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 81 cơ sở áp dụng mô hình nuôi tôm nhiều giai đoạn với diện tích 136,75 ha. Trong đó, có 21 cơ sở nuôi tôm trong lồng nổi với 35,4 ha, làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, năng suất tôm đạt từ 15-20 tấn/ha/vụ.

Mô hình nuôi tôm nhà lưới chống nắng đã chứng tỏ được những lợi ích vượt trội, không chỉ trong việc bảo vệ sức khỏe và tăng trưởng của tôm mà còn trong việc cải thiện chất lượng nước và môi trường sống. Đây là một bước tiến quan trọng trong ngành nuôi tôm, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường, đồng thời mở ra cơ hội phát triển bền vững cho ngành thủy sản trong tương lai.

Phương Nhung (Tổng hợp)

Tin mới nhất

T6,22/11/2024