Nuôi tôm trên đất lúa: Mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu

Mô hình nuôi tôm trên vùng đất lúa ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, đã và đang khẳng định hiệu quả kinh tế cao, bền vững và thích ứng tốt với điều kiện xâm nhập mặn trên địa bàn.

Người dân xã Lương Nghĩa bắt đầu thả tôm giống sau khi thu hoạch lúa Đông xuân.

Hiệu quả thiết thực

Qua gần 6 vụ nuôi tôm sú và tôm càng xanh thành công trên 18 công đất lúa của gia đình, ông Trần Văn Thương, ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, đang tiến hành xử lý đất để thả tôm giống xuống ruộng. Theo ông Thương, trước đây gia đình ông chỉ canh tác được 2 vụ lúa trong năm nhưng chỉ trúng được vụ Đông xuân, còn lại là phá huề. Sau khi thực hiện mô hình nuôi tôm trên đất lúa, ông đã kiếm lời khoảng 2 triệu đồng/công.

“Hiện đợt này tôi mua con giống của Công ty TNHH Tôm giống Kim Sa với giá dao động từ 1.200-1.400 đồng/con. Với 18 công đất lúa của gia đình, tôi dự định sẽ thả 30 thiên (mỗi thiên là 1.000 con) tôm sú giống. Nếu nuôi đạt thì với giá bán tôm hiện nay, gia đình tôi sẽ có nguồn thu khá từ vụ nuôi này”, ông Thương cho biết thêm.

Còn với ông Nguyễn Văn Rạng, ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, việc tận dụng mỗi lần nước mặn về để nuôi tôm và đợt nước ngọt để trồng lúa đã trở thành thói quen canh tác của gia đình. Ông Rạng cho hay: “Vào mùa khô hàng năm, vùng viên lang bãi bồi luôn chịu ảnh hưởng tình trạng nước dâng từ biển Tây và biển Đông, với biên độ mặn thấp nhất cũng ở mức 5-7‰. Do đó, hầu hết người dân ở đây chủ yếu chỉ canh tác được 1 vụ lúa trong năm. Tuy nhiên, năng suất thu được không cao, trúng lắm được khoảng 700-800kg lúa tươi/công, chưa kể giá cả bấp bênh, sâu bệnh tấn công, giá thành sản xuất cao nên cuộc sống gia đình luôn thiếu trước hụt sau”.

Ông Rạng cho biết, lúc mới bắt đầu nuôi thử nghiệm trên 3ha đất canh tác của gia đình mình, ông cũng lo lắng lắm. Nhưng nhờ học hỏi kỹ thuật từ những người đi trước nên vụ tôm cũng khá đạt, thu nhập mang về cao gấp đôi so với việc trồng lúa 3 vụ/năm. Cũng từ đó, ông đã tiếp tục mở rộng diện tích nuôi tôm, hiện tại đã nâng lên đến 4ha. Năm nay nước mặn sớm hơn mọi năm, nồng độ mặn cũng cao hơn nên rất thích hợp để nuôi tôm. Vụ này ông thả 40 thiên tôm giống, nếu nuôi đạt thì khi thu hoạch mỗi công tôi sẽ thu được từ 30-40kg tôm (loại 26 con/kg), giá bán trung bình hiện nay rơi vào khoảng 280.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, con giống, thức ăn,… lợi nhuận thu về đạt từ 2-3 triệu đồng mỗi công.

Hiện nay, tại xã Lương Nghĩa có 1 hợp tác xã (HTX) chuyên nuôi tôm trên đất lúa là HTX Tôm – Lúa Tân Tiến, được thành lập vào năm 2018 và hoạt động hiệu quả cho đến nay. “Nhiều hộ dân nuôi tôm tại đây đã tham gia vào HTX để cùng chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm và được cán bộ kỹ thuật xuống tận nơi để theo dõi, hướng dẫn nuôi sao cho đạt hiệu quả, năng suất cao, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình”, ông Đoàn Văn Quân, Giám đốc HTX Tôm – Lúa Tân Tiến cho hay.

Tiếp tục phát huy

Xã Lương Nghĩa có được lợi thế từ hệ sinh thái mặn – ngọt trong năm. Theo đó, mùa khô, người dân tại địa phương dùng nước mặn nuôi tôm, đến mùa mưa thì tiến hành trữ nước ngọt lại để trồng lúa. Với phương thức sản xuất này, người nông dân sẽ tận dụng được hết lợi thế của địa phương để nâng cao thu nhập cho gia đình.

Đây được xem là mô hình kết hợp thông minh và mang tính bền vững cao, vì tận dụng triệt để 2 đối tượng trong cùng một hệ sinh thái. Hơn hết là cây lúa được gieo trồng trên đất nuôi tôm sẽ phát triển tốt, nhờ tận dụng phân hữu cơ từ phế thải và thức ăn thừa của tôm, hoặc cần thiết kết hợp sử dụng thêm phân hóa học sẽ góp phần bảo vệ năng suất, hạn chế sâu bệnh tấn công, nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó, người dân vừa có lúa, vừa có tôm, môi trường sinh thái được bảo vệ, ổn định sản xuất dài lâu và nâng cao cuộc sống gia đình. Đồng thời, sự kết hợp nuôi tôm trên nền đất lúa không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo ra sản phẩm tôm sạch, an toàn cho người sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch xã Lương Nghĩa, cho biết: Lương Nghĩa là địa phương bị ảnh hưởng bởi tình trạng xâm nhập mặn thường xuyên do biến đổi khí hậu. Nhận thức rõ tình trạng trên, chính quyền địa phương đã phối hợp cùng Phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, Trạm Khuyến nông, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang triển khai xây dựng mô hình lúa – tôm với diện tích khoảng 40ha ngoài đê bao. Bước đầu mang lại hiệu quả cho người dân có thu nhập khá từ mô hình nuôi tôm đem lại, cũng như nâng cao ý thức người dân về thích ứng với biến đổi khí hậu. Đối với địa phương, được sự quan tâm của ngành nông nghiệp cùng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hỗ trợ 1 vụ tôm, 1 vụ lúa, canh tác theo hướng hữu cơ được chứng nhận VietGAP, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

“Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp cùng ngành nông nghiệp hỗ trợ người dân mở rộng mô hình trong năm 2024, với diện tích trên 80ha, nhằm hướng tới nền nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, đem lại thu nhập cao cho người dân trên địa bàn xã”, ông Ngọc cho biết thêm.

Mai Thanh

Báo Hậu Giang

Tin mới nhất

T7,05/10/2024