Nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ 4.0, nông dân miền Trung thu lãi khủng, 1,4 tỷ đồng/ha

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ nuôi tuần hoàn, nuôi tôm xen ghép, nuôi hướng hữu cơ, VietGAP… đang mang lại hiệu quả cao, đơn cử như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đạt chứng nhận VietGAP cho năng suất 16 tấn/ha, doanh thu 1,6 tỷ đồng/ha.

Sáng nay, 24/7, tại Quảng Bình, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề: “Ứng dụng các giải pháp, tiến bộ kỹ thuật phát triển bền vững nghề nuôi tôm tại một số tỉnh vùng Duyên hải miền Trung”.

Theo Trung tâm KNQG, đơn vị đã và đang triển khai các dự án nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ nuôi tuần hoàn, nuôi tôm xen ghép, nuôi hướng hữu cơ, VietGAP… góp phần phát triển bền vững nghề nuôi tôm tại Việt Nam.

Trong đó, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đạt chứng nhận VietGAP khu vực Bắc Trung Bộ đã mang lại hiệu quả cho người nuôi tôm. Mô hình triển khai áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới nuôi 2 giai đoạn sử dụng ao lót bạt phù hợp với điều kiện vùng bãi cát trắng ven biển miền Trung, mô hình đã giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, môi sinh; giảm phát thải khí nhà kính; bảo vệ sức khỏe cho người lao động và có trách nhiệm với xã hội do việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật; sản xuất các sản phẩm đạt các chỉ tiêu an toàn thực phẩm cho năng suất 16 tấn/ha, doanh thu 1,6 tỷ đồng/ha.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm KNQG kiểm tra mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đạt chứng nhận VietGAP ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh ngày 22/7. Ảnh: Bình Minh

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) thâm canh 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 kết hợp hầm biogas xử lý môi trường cũng đã mang lại lợi nhuận trên 1,4 tỷ đồng/ha/vụ.

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm KNQG cho biết, mô hình đã ứng dụng hệ thống cảnh báo môi trường tự động nên chủ động kiểm soát các khâu kỹ thuật trong quy trình nuôi giúp quản lý tốt các yếu tố môi trường như pH, nhiệt độ, độ mặn, oxy hoà tan, từ đó giảm rủi ro, thiệt hại, giảm công chăm sóc và giám sát môi trường ao nuôi, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người nuôi đồng thời đáp ứng được nhu cầu về cung cấp tôm nguyên liệu sạch (không kháng sinh) cho các công ty xuất khẩu thủy sản.

Năng suất của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) thâm canh 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 kết hợp hầm biogas xử lý môi trường đạt 36,01 tấn/ha/vụ, lợi nhuận trên 1,4 tỷ đồng/ha/vụ.

Theo ông Hồng, các mô hình nuôi tôm sú thâm canh 2 giai đoạn đảm bảo an toàn thực phẩm cho năng suất 4,7 tấn/ha, lợi nhuận gần 300 triệu/ha; Mô hình nuôi tôm sú (P. monodon) trong rừng ngập mặn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm đạt năng suất 717 kg/ha, size 35 con/kg, lãi trên 86 triệu đồng/ha/năm cũng đã mang lại hiệu quả cao.

Cho biết tại Diễn đàn, đại diện Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho hay, ngành công nghiệp nuôi tôm nước lợ đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thế giới trong suốt 2 thập kỷ qua.

Tôm nuôi của Việt Nam đã được xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia với 5 thị trường lớn như Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới.

Đại diện Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) tham luận tại Diễn đàn. Ảnh: Bình Minh

Hàng năm, ngành tôm Việt Nam đóng góp khoảng 40 – 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5 đến 4 tỷ USD. Giải quyết công ăn việc làm cho hơn 3 triệu lao động.

Trong giai đoạn 2010 – 2022 diện tích nuôi tôm nước lợ tăng gấp 1,2 lần, tốc độ tăng trưởng bình quân 1,2%/năm (tăng từ 618.600 ha năm 2010 lên 750.000 ha năm 2022), sản lượng tăng 1,7 lần, tăng trưởng bình quân 4,5%/năm (tăng từ 443.700 tấn lên 1.014.200 tấn). Sản lượng tôm nuôi tăng chủ yếu tập trung vào tôm chân trắng (tăng từ 119.700 tấn năm 2010 lên 735.000 tấn năm 2022).

Cũng theo đại diện Cục Thủy sản, hiện ngành tôm cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, nguồn giống tôm bố mẹ chưa chủ động phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu và khai thác tự nhiên dẫn đế khó kiểm soát chất lượng.

Giá cả một số hàng hóa, vật tư đầu vào phục vụ phát triển thủy sản vẫn còn ở mức cao, chi phí logistic cao gây áp lực đối với hoạt động sản xuất, đặc biệt là khi nhu cầu tiêu thụ chững lại và quy mô sản xuất bị thu hẹp; nguồn nhân lực lao động phục vụ trong các nhà máy chế biến bị thiếu hụt cục bộ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thủy sản và người dân tham gia vào chuỗi sản xuất.

Đại diện Cục Thủy sản cũng đưa ra dự báo những tháng cuối năm 2023 tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu thủy sản vẫn sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản thủy sản vẫn ở mức cao, dịch bệnh trên vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; thời tiết diễn biến bất thường, El Nino nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất.

Bình Minh

Nguồn: Nongnghiep.vn

Tin mới nhất

CN,24/11/2024