Nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn, nông dân Hà Tĩnh thu lãi hàng trăm triệu

Với quy trình nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn ứng dụng công nghệ vi sinh hiện đại, sau 3 tháng nuôi, tổ hợp tác (THT) nuôi trồng thủy sản sông Gon ở thôn Phúc Trung, xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) thu lãi gần 500 triệu đồng trên 1 ha mặt nước.


Mô hình nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn của THT nuôi trồng thủy sản sông Gon cho hiệu quả kinh tế cao qua từng vụ.

Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn ứng dụng công nghệ vi sinh của THT, ông Nguyễn Trung Trọng – tổ trưởng THT nuôi trồng thủy sản sông Gon chia sẻ: giữa năm 2021, THT nuôi trồng thủy sản sông Gon do ông làm tổ trưởng được thành lập với 3 thành viên.

Để có ao nuôi tôm, THT đã thuê hơn 2 ha đất ruộng bỏ hoang trên địa bàn thôn Phúc Trung để nuôi tôm thẻ chân trắng.


Theo ông Trọng, nuôi tôm 3 giai đoạn là hình thức nuôi trồng mới, khá an toàn và giảm thiểu rủi ro cho người sản xuất.

Theo ông Trọng, tôm thẻ chân trắng là loại thủy sản nuôi tương đối khó, đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật. Bên cạnh đó, khi nuôi loại tôm này cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, phức tạp vì thời tiết không thuận lợi, môi trường ao nuôi có thể bị ô nhiễm, hoặc dịch bệnh trong nuôi tôm.

Vì vậy, sau khi tham khảo nhiều mô hình nuôi tôm thâm canh ở trong và ngoài tỉnh, ông Trọng cùng các thành viên quyết định đầu tư lớn, nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh 3 giai đoạn (gồm 1 giai đoạn ương và 2 giai đoạn nuôi), với mục đích cải tiến quy trình kỹ thuật nuôi sẽ giúp việc nuôi tôm dễ dàng hơn, từ đó góp phần tăng năng suất, chất lượng của tôm, đồng thời hạn chế dịch bệnh, tiết kiệm chi phí nuôi.


Các ao ương và nuôi được thiết kế hình tròn được lót bạt HDPE xung quanh.

Được biết, hệ thống ao nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 3 giai đoạn của THT được thiết kế gồm có: ao lắng, ao ương và 4 ao nuôi. Các ao ương, ao nuôi được thiết kế hình tròn được lót bạt HDPE xung quanh.

Bên cạnh đó, mô hình còn có hệ thống chứa và xử lý nước, chất thải. Nguồn nước để nuôi tôm bơm từ ngoài vào đều được diệt khuẩn, loại bỏ mầm bệnh kỹ lưỡng bằng công nghệ vi sinh trước khi thả tôm.


Việc đảm bảo các quy trình nuôi đã giúp THT nuôi trồng thủy sản sông Gon thắng lớn sau hai vụ nuôi.

Thời gian đầu thực hiện mô hình nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn, THT đã tiến hành thả gần 8 triệu con giống vào ao ương, giai đoạn thả tôm vào ao ương kéo dài trong thời gian 30 ngày, sau khi tôm đạt kích cỡ khoảng 900 con/kg sẽ được nuôi sang giai đoạn 2 trong 45 ngày.

Khi tôm có kích cỡ 145 con/kg sẽ chuyển qua giai đoạn 3. Lúc này, việc san tôm sẽ được thực hiện bằng việc kéo lưới. Tại ao nuôi giai đoạn 3, tôm được nuôi tiếp đến khi đạt kích cỡ thu hoạch. Tổng thời gian nuôi mỗi lứa tôm kéo dài 3 tháng, mỗi năm THT sẽ tiến hành thả 2 vụ, thời gian còn lại để vệ sinh, gia cố lại khu vực nuôi.


Từ cuối năm 2021 đến nay, THT nuôi trồng thủy sản sông Gon đã thu hoạch được 2 lứa tôm, thu lãi gần 1 tỷ đồng.

Theo ông Trọng, việc nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn có chi phí ban đầu khá lớn với khoảng hơn 500 triệu đồng/ao, vì phải đầu tư hệ thống ao nuôi chuyên nghiệp, hiện đại. Song, qua 2 vụ tôm vừa rồi đã đạt hiệu quả kinh tế cao hơn cách nuôi tôm truyền thống nên các thành viên của THT yên tâm tiếp tục thả giống các vụ tiếp theo.

“Ưu điểm nổi bật của quy trình nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn là đảm bảo sản phẩm đầu ra an toàn vệ sinh thực phẩm do không sử dụng kháng sinh, hóa chất nên môi trường nuôi an toàn, ổn định; khống chế và trị bệnh hoàn toàn bằng vi sinh, chế phẩm sinh học; giảm được rủi ro, tăng năng suất, chất lượng. Từ đó giúp người nuôi tôm luôn có lợi nhuận cao”, ông Trọng cho hay.


THT nuôi trồng thủy sản sông Gon vệ sinh các ao ương để chuẩn bị cho lứa nuôi tiếp theo.

Từ cuối năm 2021 đến nay, THT nuôi trồng thủy sản sông Gon đã thu hoạch được 2 lứa tôm, xuất ra thị trường gần 50 tấn. Với giá bán ổn định 150 – 155 nghìn đồng/kg, THT thu về hơn 7 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi gần 1 tỷ đồng.

“Hiện tại, THT đang nuôi lứa thứ 3 và dự kiến khoảng 1 tháng nữa sẽ cho thu hoạch, với sản lượng ước đạt trên 25 tấn. Thành công bước đầu này sẽ giúp THT có thêm vốn để mở rộng quy mô nuôi trong thời gian tới”, ông Nguyễn Trung Trọng – tổ trưởng THT nuôi trồng thủy sản sông Gon, thông tin.


Nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn đang là hướng đi mới trên địa bàn xã Nam Phúc Thăng.

Ông Nguyễn Văn Báu – Bí thư Đảng ủy xã Nam Phúc Thăng cho biết: “Mô hình nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn của THT nuôi trồng thủy sản sông Gon là hướng đi mới, cho hiệu quả kinh tế cao qua từng vụ. Để nghề nuôi tôm trên địa bàn phát triển bền vững, thời gian tới, địa phương sẽ rà soát, vận động các hộ nuôi có đủ điều kiện triển khai các mô hình nuôi tôm công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng tôm nuôi. Ngoài ra, địa phương cũng sẽ vận động các hộ nuôi nhỏ lẻ thành lập các THT nuôi tôm để đồng nhất về quy trình nuôi, từ đó tạo ra những vụ tôm chất lượng, giá thành cao, ổn định đầu ra, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển”.

Văn Chung

Baohatinh.vn

Tin mới nhất

T6,22/11/2024