Nuôi tôm càng xanh VietGAP: Giảm chi phí, tăng lợi nhuận

Phát huy tiềm năng, lợi thế, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng triển khai nhiều mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực theo quy trình VietGAP và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đây là hướng đi mới làm thay đổi tư duy sản xuất, không những nâng cao thu nhập cho người nông dân, mà còn mở ra triển vọng phát triển bền vững cho ngành thủy sản Hải Phòng.

 

Mô hình hiệu quả

Hải Phòng có điều kiện thuận lợi phát triển nuôi thủy sản nước lợ, mặn và ngọt với tổng diện tích ước hơn 11.000ha. Trong đó, nuôi thủy sản nước ngọt tập trung tại các quận, huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão, Kiến Thụy, Kiến An…; loài nuôi khá đa dạng, như: cá trắm cỏ, cá chép, cá rô phi, cá lăng, tôm càng xanh, cá cảnh…

Riêng với tôm càng xanh, có thời gian phát triển khá mạnh, tuy nhiên, do trình độ kỹ thuật của người nuôi chưa cao, trong ao nuôi tỷ lệ tôm cái nhiều hơn tôm đực nên việc phát triển, mở rộng diễn ra chậm.

Trước thực trạng này, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng triển khai thí điểm mô hình nuôi tôm càng xanh tại một số địa phương, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho người nuôi.

Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực hai giai đoạn gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm tại hộ ông Nguyễn Văn Đạm (xã Tân Dân, huyện An Lão), quy mô 1ha.

Ông Nguyễn Văn Đạm là người nuôi tôm càng xanh khá sớm tại Hải Phòng.

 

Ông Đạm có thâm niên trong lĩnh vực thủy sản nên gia đình tiếp cận việc nuôi tôm càng xanh khá sớm. Do đầu ra không ổn định, ông tạm gác lại việc tôm; đến năm 2018 mới triển khai nuôi lại.

Năm 2020, việc nuôi tôm lại bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thêm vào đó, do tôm càng xanh không chịu được rét, vào mùa đông nếu chưa tiêu thụ hết mà không biết cách bảo vệ sẽ bị chết, thiệt đơn thiệt hại kép sẽ xảy ra.

Khó khăn bủa vây, tưởng chừng như lần nữa đứt gánh giữa chừng, thì ông Đạm được Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng lựa chọn thí điểm mô hình “Nuôi tôm càng xanh toàn đực 2 giai đoạn”.

Sau khi tham gia mô hình, được hỗ trợ con giống, thức ăn và hướng dẫn kỹ thuật, theo dõi chặt chẽ, bài bản nên năng suất tôm được cải thiện, tỷ lệ sống cao, chi phí giảm. Ông Đạm mở rộng mô hình lên 7ha, mỗi năm thu hoạch khoảng 15 tấn tôm với giá bán bình quân hơn 300 nghìn/kg.

Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực tại hộ ông Phạm Văn Nhiêu (xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng) với quy mô 0,7ha.

Để con giống thích nghi với môi trường, tăng tỷ lệ sống, trước khi thả, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chủ hộ tiến hành cải tạo ao theo đúng quy trình kỹ thuật, gây màu nước, tạo thức ăn tự nhiên ban đầu cho tôm giống.

Để đảm bảo đầu ra, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng hỗ trợ người dân liên kết với doanh nghiệp thu mua sản phẩm sau thu hoạch. Bà con thực hiện đúng cam kết, đúng quy trình, còn doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi.

Kết quả, mô hình nuôi tôm càng xanh được các chuyên gia đánh giá đạt yêu cầu với tỷ lệ sống tăng 4-10%, chi phí giảm và năng suất tăng 25-80% so với nuôi truyền thống; lợi nhuận, cao hơn 30-55%.

 

Nhân rộng mô hình

Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực tại Hải Phòng mang lại những kết quả tích cực, vừa giúp người nuôi mở hướng phát triển thủy sản, vừa giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh và đảm bảo sản lượng tôm nuôi ổn định. Đồng thời hướng dẫn người nuôi áp dụng quy trình VietGAP, thay đổi tư duy và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng phòng Chuyển giao Kỹ thuật thủy sản (Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng), tôm càng xanh được nuôi từ những năm 90 của thế kỷ XX, nhưng người dân chủ yếu nuôi quảng canh và nuôi truyền thống, nuôi lẫn cả tôm đực và cái. Tại Hải Phòng, hiện mới xuất hiện mô hình nuôi thương phẩm tại các huyện An Lão, Kiến Thụy và quận Kiến An với tổng diện tích hơn 30ha.

Bà Nguyễn Thị Thanh cùng nông dân phấn khởi khi nuôi tôm càng xanh thành công.

 

Nuôi tôm hai giai đoạn có nhiều ưu điểm như ao ương có diện tích nhỏ nên dễ quản lý, con giống đạt kích cỡ lớn trước khi thả nuôi, rút ngắn thời gian nuôi, giảm sức tải môi trường, đáy ao, nâng cao mật độ, năng suất, sản lượng, giảm thiểu dịch bệnh, giảm chi phí và rủi ro. Mô hình này cũng giúp rút ngắn thời gian nuôi, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Bên cạnh đó, mô hình đã tạo hướng đi, cách làm mới, thân thiện với môi trường, gia tăng lựa chọn cho nông dân trong hoạt động sản xuất. Người dân hoàn toàn có thể áp dụng để đưa vào sản xuất đại trà.

Trên cơ sở kết quả của các mô hình, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng tiếp tục chuyển giao và nhân rộng cho các cơ sở nuôi: Công ty Chế biến thực phẩm Phú Cường, Công ty TNHH Sang Ngân; một số hộ nuôi vùng Quyết Tiến… của huyện Tiên Lãng; các xã Tân Dân, Trường Thọ,… của huyện An Lão; các xã Việt Tiến, Trung Lập, Cao Minh… của huyện Vĩnh Bảo; các phường Văn Đẩu, Phù Liễn… của quận Kiến An.

Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực được triển khai và mang lại kết quả tích cực trong phát triển kinh tế. Việc này không chỉ giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, áp dụng nuôi theo quy trình VietGAP, mà còn tạo ra sản phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ, hướng đến xuất khẩu.

 

Phạm Trang

Nguồn: https://kinhtenongthon.vn/

 

 

 

 

 

Tin mới nhất

T2,12/05/2025