Nuôi tôm, cá nhọc nhằn, chỉ mấy ông bán thức ăn toàn thắng

Đến hẹn lại lên, vào mùa vụ nuôi chính, giá thức ăn tôm cá liên tục “nhảy múa”, tăng chóng mặt khiến người nuôi lên bờ xuống ruộng, nợ nần chồng chất.

Giá thức ăn tôm tăng mạnh khiến chi phí nuôi tôm đội giá. Trong ảnh: vùng nuôi tôm ở huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hơn chục năm qua, giá bán tôm cá lúc trồi lúc sụt nhưng chưa khi nào giá thức ăn cho hai loài thủy sản chủ lực ở vùng ĐBSCL giảm.

Người nuôi lãnh đủ

Sau 10 năm nuôi tôm, ông Nguyễn Uy Tín (xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) “tổng kết”: Tóc bạc già trước 10 tuổi, nợ ngân hàng gần 1 tỉ đồng, hai con phải đi Bình Dương làm công nhân… Ông Tín kể: Hai năm đầu tiên nuôi tôm, môi trường còn tốt nên lời vài chục triệu đồng. Tuy nhiên từ năm thứ ba trở đi, đến nay ròng tám năm, ông Tín chưa được tận hưởng niềm vui trúng tôm.

Ông Tín cho biết trong 10 năm qua, giá tôm có lúc trồi lúc sụt. Như năm nay có thời điểm tôm cỡ 60 con/kg chỉ bán được 80.000 đồng, giảm trên 42.000 đồng/kg so với cùng kỳ, người nuôi huề vốn hoặc lỗ nặng nếu tỉ lệ nuôi thành công không cao.

“Giá tôm giảm như xe lao dốc, trong khi cứ vào vụ chính, giá thức ăn lại tăng theo chiều thẳng đứng, năm sau cao hơn năm trước. Mỗi đại lý bán mỗi giá, không ai quản lý, người nuôi lãnh đủ”, ông Tín than.

Theo ghi nhận, giá tôm tại Sóc Trăng và Cà Mau khoảng một tuần nay tăng nhẹ sau ba tháng giảm chạm đáy. Tuy nhiên, so với cách đây hơn hai tháng, mức hiện tại còn thấp hơn khoảng 20%.

Giá tôm thẻ được thương lái thu mua tại Sóc Trăng là 137.000 đồng/kg đối với loại 30 con/kg, loại 40 con/kg có giá 112.000 đồng/kg, loại 50 con/kg có giá 103.000 đồng/kg.

“Giá tôm tăng lại, nhưng lượng tôm không còn nhiều do người dân đã giảm thả nuôi trước tình trạng giá tôm thấp kéo dài, một số hộ thiếu nợ các đại lý thức ăn nên không có tiền tái đầu tư”, ông Lý Văn Ấn – một thương lái tại huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau – nói.

Là một trong những nông dân nuôi tôm công nghệ cao ở xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi (Cà Mau), ông Trương Tấn Đạt cũng đang đau đầu khi giá thức ăn ngày càng tăng, chiếm trên 50% giá thành.

Ông Đạt có 1,3ha nuôi tôm công nghệ cao, xoay xở được chi phí cải tạo ao, nước, mua con giống và thức ăn những ngày đầu. Đến khi tôm 40 ngày tuổi, tôm ăn nhiều, lúc này ông Đạt đuối sức, đành phải tìm đến đại lý cung cấp thức ăn để mua chịu.

“Thay vì trả tiền mặt 28.000 đồng/kg, tui mua theo hình thức thanh toán sau, giá thức ăn đẩy lên 40.000 đồng/kg”, ông Đạt cho hay.

Theo ông Đạt, mỗi vụ nuôi tôm thẻ chân trắng trong khoảng 3 tháng, tiền thức ăn chiếm khoảng 55%, thuốc xử lý 20%, điện 10%, nhân công 8% và con giống 7%.

“Giá thành để nuôi được 1kg tôm là 85.000 đồng. Nếu giá bán tôm được 90.000 – 100.000 đồng thì bốn tấn tôm lời khoảng 70 triệu đồng. Nếu nuôi vài ba vụ bị hư một vụ thì cầm chắc lỗ vài trăm triệu là bình thường”, ông Đạt trải lòng.

Người nuôi cá tra ở miền Tây cũng chung cảnh ngộ. Ông Lê Văn Phăng – người nuôi cá tra ở Cần Thơ, Sóc Trăng – cho biết từ năm 2021 đến nay giá thức ăn cho cá tra cũng tăng liên tục, hiện ở mức 14.000 đồng/kg (loại 26 độ đạm). Trong khi giá thành nuôi mỗi kg cá tra khoảng 27.000 đồng, chi phí thức ăn đã chiếm gần 24.000 đồng.

“Thức ăn chiếm hơn 70% giá thành nuôi cá. Do vậy một khi giá thức ăn tăng, người nuôi đứng ngồi không yên”, ông Phăng nói.

Đại lý thao túng tăng giá

Anh H., đang làm việc cho một công ty sản xuất thức ăn của nước ngoài, cho biết giá thành thức ăn thủy sản và chăn nuôi lệ thuộc vào giá nguyên liệu nhập khẩu, hiện chiếm đến 90%. Ngoài ra còn ảnh hưởng bởi biến động tỉ giá đô la.

“Giá thức ăn bán ra do đại lý tự quyết định, công ty không can thiệp được, chỉ yêu cầu đừng bán thấp hơn. Công ty ràng buộc chiết khấu với đại lý, còn giá bán ra thấp hay cao là chuyện của họ, kinh tế thị trường mà”, anh H. nói.

Theo ông Lê Thế Toàn – chủ đại lý thức ăn chăn nuôi tại xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, Cần Thơ, đại lý tự quyết định giá bán thức ăn chăn nuôi chứ công ty sản xuất thức ăn không can thiệp. Vì vậy có tình trạng thức ăn chăn nuôi của cùng một công ty nhưng mỗi đại lý bán mỗi giá, không ai giống ai.

“Ai muốn lời nhiều thì bán giá cao, nhưng cứ bán giá cao quá riết rồi không ai mua, đại lý cũng bị thiệt”, ông Toàn nói.

Ở góc độ khác, chị Loan, một đại lý thức ăn chăn nuôi ở Sóc Trăng, cho biết do chi phí phải đầu tư làm kho chứa, vốn… không nhỏ nên khi giá thức ăn tôm đến tay người nuôi bị đội lên. “Tui cũng phải vay vốn trả lãi. Vả lại, bán thức ăn chịu cho người nuôi tôm cũng có rủi ro trong thu hồi nợ. Đường sá nông thôn cách trở nên chi phí phát sinh”, chị Loan giải thích.

Ông Hồ Quốc Lực – chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) – rất bức xúc mỗi khi nhận được thông tin giá thức ăn tôm tăng. “Không hiểu sao cứ vào vụ nuôi tôm là giá thức ăn lại rục rịch tăng, 10 năm nay đều như vậy, sao người nuôi chịu nổi”, ông Lực cho hay.

Theo ông Tô Hoài Thương – người nuôi tôm ở xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi (Cà Mau), Nhà nước muốn giúp dân vượt qua khó khăn cần nhanh chóng kiểm soát giá thức ăn và thuốc thủy sản. Trong điều kiện không kiểm soát được giá tôm, cần quản lý chặt chi phí đầu vào, có như vậy mới giảm được gánh nặng cho nông dân.

Ông Nguyễn Quang Nghị – giám đốc Sở Tài chính Cần Thơ – thông tin lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thủy sản thuộc diện bình ổn giá, kê khai giá. Doanh nghiệp kê khai giá bán ra (bán buôn, bán lẻ), mức giá bán phải bằng hoặc thấp hơn mức giá đã kê khai. Nếu bán cao hơn giá đã kê khai sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, ông Phạm Trường Yên – phó giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ – cho rằng sở này không quản lý giá mà Sở Công Thương nắm vì “dính” đến mua bán. “Hằng năm Thanh tra sở có thanh tra các đại lý bán thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thủy sản về chất lượng chứ không thanh tra về giá bán”, ông Yên nói.

Lê Dân

Nguồn: Tuoitre.vn

Đưa thức ăn chăn nuôi vào ngành kinh doanh có điều kiện

Trước tình hình giá thức ăn tôm cá liên tục tăng, ông Trần Văn Lâu – chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng – đã có văn bản giao Sở NN&PTNT phối hợp các sở, ngành liên quan tìm giải pháp tháo gỡ. Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã nói rằng giá thức ăn tôm cá chiếm đến 70% giá thành, nếu không quản lý được, người nuôi dễ bị lỗ vốn.

“Chúng tôi sẽ kiến nghị đưa mặt hàng thức ăn tôm, cá vào nhóm ngành hàng kinh doanh có điều kiện”, ông nói.

Tin mới nhất

T5,21/11/2024