Nuôi nước trước nuôi tôm

Nguồn nước là một trong các yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản (NTTS). Tuy nhiên, việc bảo vệ môi trường (BVMT) nước ở các vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh Bạc Liêu thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập do tình trạng xả thải chưa qua xử lý, lạm dụng nhiều loại hóa chất trong xử lý nguồn nước…, từ đó làm ảnh hưởng đến môi trường nuôi.

Xả nước thải không xử lý ra môi trường

Bạc Liêu hiện là một trong những tỉnh có diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh cũng như việc áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong nuôi tôm thuộc tốp đầu khu vực. Cùng với cây lúa, con tôm đã góp phần làm thay đổi diện mạo ở các vùng nông thôn, tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng suy thoái môi trường nguồn nước nuôi đã khiến tỷ lệ tôm mắc bệnh ngày càng cao, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân. Có những năm người nuôi tôm ở vùng nuôi trọng điểm của tỉnh tại các huyện: Hòa Bình, Đông Hải, TP. Bạc Liêu… liên tục thua lỗ.

Nguyên nhân tôm nuôi chết được ngành chức năng xác định là do tại nhiều vùng nuôi, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ để phù hợp thả nuôi tôm chân trắng mật độ cao, nên gặp khó trong quản lý môi trường ao nuôi, dẫn đến dịch bệnh bùng phát. Bên cạnh đó, sự phát triển “nóng” diện tích nuôi ở những vùng không đảm bảo nguồn nước dẫn đến nhiều hộ nuôi tôm phải… nếm trái đắng. Đáng quan ngại nhất là do một bộ phận người nuôi chưa chủ động trong việc BVMT, thiếu nhận thức về tính cộng đồng trong nuôi tôm, xả nước thải đã mang mầm bệnh trong ao nuôi của mình ra môi trường chung.

Ông Trần Minh Thuận (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) chia sẻ: “Trước đây, nguồn nước trong các kênh tuy có đục nhưng không bị ô nhiễm nên người nuôi tôm chỉ cần lắng, lọc và xử lý chút ít là có thể cấp cho ao nuôi. Thế nhưng những năm gần đây, nước lấy vô phải xử lý qua rất nhiều bước, chi phí nuôi cũng theo đó mà tăng cao. Đã vậy, nhiều hộ nuôi khi tôm chết non, không bán được còn lén lút đợi đêm đến, lợi dụng con nước lên để xả bỏ. Nguồn nước nuôi chung của người dân trong khu vực cũng vì thế mà bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Xét nghiệm nguồn nước trước khi cấp vào ao nuôi ở Công ty tôm Việt – Úc. Ảnh: C.L

Tăng cường công tác quản lý

Hiện nay, tại nhiều vùng nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh đã hình thành các tổ chức cộng đồng do người nuôi thành lập, phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp để cảnh báo thông tin về dịch bệnh, ngăn chặn hiệu quả các trường hợp xả thải nước từ ao nuôi bị bệnh ra nguồn nước cấp. Nhờ chủ động nâng cao ý thức BVMT, ngăn chặn dịch bệnh đã giúp các vùng nuôi không bị thiệt hại lớn.

Tuy nhiên, công tác BVMT các vùng nuôi thủy sản đến nay vẫn còn những bất cập cần xử lý. Theo ngành Nông nghiệp, mặc dù cơ sở hạ tầng các vùng nuôi đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng tốt yêu cầu đảm bảo an toàn dịch bệnh, BVMT trong sản xuất do vẫn sử dụng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất, làm muối. Đa số ao nuôi chưa có khu xử lý nước thải, bùn thải nên luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, tại các địa phương vẫn tồn tại tình trạng một số hộ nuôi chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong NTTS. Trong khi đó, sự phối hợp của các cơ quan quản lý trong chỉ đạo các vùng nuôi, chủ hộ nuôi trong phát hiện phòng chống ô nhiễm môi trường, dịch bệnh chưa được thường xuyên.

Ông Hồ Thanh Tuấn – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải, cho biết: “Để nâng cao hiệu quả BVMT tại các vùng nuôi thủy sản, hiện ngành Nông nghiệp huyện đã và đang tăng cường hướng dẫn các hộ nuôi thực hiện tốt các biện pháp quản lý, chăm sóc ao nuôi, đặc biệt là phòng chống dịch bệnh, quản lý tốt chất thải, nước thải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, nhất là những ao nuôi có bệnh. Khuyến khích các hộ nuôi tôm tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong NTTS thâm canh; hạn chế sử dụng kháng sinh, hóa chất, khuyến khích sử dụng các loại chế phẩm sinh học trong chăm sóc thủy sản và xử lý môi trường”.

Thiết nghĩ, để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, trong thời gian tới, bên cạnh các giải pháp quản lý, ngành Nông nghiệp các địa phương cũng cần thường xuyên nạo vét, duy tu các công trình thủy lợi nhỏ, chủ động nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi. Về lâu dài, tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch và thực hiện đúng quy hoạch về thủy sản; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực thủy sản để huy động lượng vốn lớn cho nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi theo hướng đồng bộ, tách biệt với hệ thống thủy lợi sản xuất nông nghiệp, làm muối.

Chí Linh

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu

Tin mới nhất

T6,22/11/2024