Nông dân nuôi tôm xuất sắc: Công nghệ là “chìa khóa” thành công

[Người Nuôi Tôm] – Việc ứng dụng công nghệ nuôi tôm thâm canh đã giúp ông Nguyễn Cường, người nông dân Nghệ An được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024”, đạt được những thành tựu đáng ngưỡng mộ. Công nghệ không chỉ đơn giản hóa quá trình nuôi trồng mà còn mang đến những lợi ích kinh tế và môi trường bền vững.

Ông Nguyễn Cường được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024” – Ảnh: T.P

 

Khởi đầu gian nan đến nỗ lực không ngừng

Trước khi bắt đầu nghề nuôi tôm, ông là một doanh nhân xây dựng nổi tiếng tại huyện Diễn Châu, Nghệ An. Năm 2002, ông đầu tư toàn bộ vốn để biến vùng cát hoang thành ao đầm nuôi tôm. Ban đầu, ông thử nghiệm nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh, nhưng do chưa áp dụng công nghệ hiện đại và chịu ảnh hưởng từ thời tiết, năng suất thấp và lợi nhuận không cao. Sau đó, ông chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh. Tuy nhiên, năm 2016, ông gặp khó khăn khi dịch bệnh bùng phát, tôm chết hàng loạt và giá tôm giảm, khiến ông lỗ hàng tỷ đồng.

Ông Cường chia sẻ, “Sau mỗi lần thất bại, tôi lại kiểm điểm lại chính mình, từ việc chọn con giống đến việc lựa chọn thức ăn và quan trọng nhất là quy trình nuôi. Sau mỗi vụ nuôi tôm, gia đình tôi phải dành thời gian cả tháng trời để phơi ao, xử lý mầm bệnh, chờ chọn được thời điểm nước biển sạch mới đưa vào ao, nên mỗi năm gia đình tôi chỉ nuôi được 2 vụ. Đầu tư lớn, chăm sóc công phu nhưng lợi nhuận không cao, gặp năm dịch bệnh là trắng tay. Điều đó khiến tôi trăn trở đến mất ăn, mất ngủ”.

Dù gặp không ít thất bại nhưng quyết tâm “ngã ở đâu đứng lên ở đó”, ông Cường không ngừng học hỏi, quyết tâm tái đầu tư và rút kinh nghiệm từ những lần thất bại trước đó. Đến nay, với 6 ha diện tích ao nuôi, mỗi năm ông đưa ra thị trường gần 150 tấn tôm thương phẩm, thu về hơn 25 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận ròng đạt 7 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông còn kinh doanh thêm mảng vật tư, thiết bị và thức ăn cho các hộ nuôi tôm trong vùng, đem lại doanh thu gần 35 tỷ đồng mỗi năm, với lợi nhuận 2 tỷ đồng, góp phần vào kinh tế địa phương và tạo việc làm cho nhiều lao động.

 

Thành công nhờ đổi mới phương thức nuôi

Theo ông Cường, công nghệ cao là “chìa khóa vàng” cho sự thành công trong nuôi tôm thẻ chân trắng. Phương pháp này cho phép tăng mật độ nuôi và hiệu quả kinh tế, đồng thời kiểm soát chặt chẽ môi trường nuôi, giảm rủi ro dịch bệnh và tăng tỷ lệ sống của tôm.

“Biến đổi khí hậu khiến thời tiết khắc nghiệt hơn. Trong khi con tôm thẻ chân trắng lại chịu nhiều tác động từ thời tiết. Vì thế tôi đầu tư thêm hệ thống mái che, máy tạo oxy, nhiệt kế kiểm soát nhiệt độ trong từng khu vực nuôi tôm. Đặc biệt, nguồn nước đầu vào để nuôi tôm thẻ chân trắng cũng được kiểm soát rất chặt. Nguồn nước nuôi tôm phải được xử lý nhiều lần, khi đạt các chỉ số an toàn mới được sử dụng để nuôi”, ông Cường chia sẻ.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 ươm giống trong 20 – 25 ngày với mật độ 2.500 con/m3, chăm sóc theo chế độ đặc biệt để tích lũy dưỡng chất và sức đề kháng. Giai đoạn 2 nuôi ở mật độ 500 con/m3 trong 20 – 25 ngày, khi tôm đạt 200 – 250 con/kg. Cuối cùng, tôm được nuôi cho đến khi đạt 30 con/ kg thì xuất bán.

“Khi ứng dụng công nghệ cao vào ao nuôi tôm khép kín 3 giai đoạn, có mái che tự động điều hòa nhiệt độ, tôi đã nuôi được 4 vụ/năm. Nhờ thâm canh gối vụ nên trong đầm lúc nào cũng có tôm để bán và không rơi vào tình trạng được mùa mất giá như trước đây. Đặc biệt, nuôi công nghệ cao nên ít công chăm sóc, ít phải sử dụng kháng sinh cho tôm và đảm bảo an toàn dịch bệnh”, ông Cường cho hay.

Ông Cường kiểm tra tôm nuôi (Ảnh: T.P)

 

Thành lập hợp tác xã – cùng nhau vượt sóng

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, ông Cường đã vận động các hộ nuôi trong vùng chuyển đổi theo, cùng nhau thành lập hợp tác xã. Ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn chi tiết từng hộ. Dự kiến, hợp tác xã sẽ có 30 thành viên là các hộ nuôi trồng thủy sản, nơi mọi người cùng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau vượt khó khăn. Họ sẽ cùng nhau mua sắm vật tư và thiết bị với mức giá ưu đãi, đồng thời kiểm soát đầu vào và tìm kiếm đầu ra, từ đó nâng cao thu nhập và phát triển bền vững nghề nuôi tôm.

Không chỉ giỏi làm kinh tế, nông dân xuất sắc Nguyễn Cường còn tích cực tham gia các hoạt động địa phương, hiến đất làm đường và đóng góp vào phong trào xây dựng nông thôn mới. Ông vận động các hộ nuôi tôm làm sạch môi trường và ký cam kết sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm 2021, ông nhận giấy khen của Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An về thành tích nuôi trồng thủy sản; năm 2022, giấy khen của Hội Nông dân huyện Diễn Châu về ứng dụng công nghệ cao; và năm 2024, giấy khen của Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An về phát triển ngành thủy sản.

Ngọc Anh (Tổng hợp)