Nông dân Nghệ An làm nhà lưới chống nóng cho tôm

Đối phó với thời tiết nắng nóng gay gắt, trong nghề nuôi tôm hiệu quả nhất là đầu tư nhà lưới. Giải pháp này đã được nhiều nông dân Nghệ An áp dụng.

 

Làm nhà lưới đối phó nắng nóng

Trong những ngày nắng nóng này, đến một số vùng nuôi tôm trọng điểm của Quỳnh Lưu như: Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Yên… thấy những ao đầm ngoài trời đang nuôi tôm rất ít, thỉnh thoảng mới thấy vài đầm tôm hoạt động quạt nước. Người dân địa phương cho biết, do đợt dịch bệnh tôm chết hàng loạt vừa qua, người nuôi tôm chưa thả con giống lại, trong khi thời tiết nắng nóng gay gắt.

Nhiều diện tích ao đầm trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu chưa thả con giống sau đợt tôm bị dịch bệnh chết hàng loạt vừa qua. Ảnh: Xuân Hoàng

Anh Hồ Nghĩa Quý ở xóm Đồng Tâm, xã Quỳnh Bảng cho hay, anh gắn bó với nghề nuôi tôm từ hơn 20 năm nay, nên đã có khá nhiều kinh nghiệm. Trước đây, mặc dù thời tiết cũng nắng nóng, nhưng nguồn nước ít ô nhiễm hơn, nên tôm nuôi an toàn, ít dịch bệnh, nghề nuôi tôm có lãi khá.

Tuy nhiên, càng về sau này nguồn nước ngoài kênh mương ô nhiễm, khiến nghề nuôi tôm bấp bênh, dịch bệnh liên tục. Như vụ tôm chính của năm 2024 này, gia đình thả 1 ao với diện tích 0,4ha, được ít hôm thì tôm chết sạch, hiện vẫn chưa dám thả con giống lại.

Nuôi tôm vụ chính thường gặp thời tiết nắng nóng gay gắt, mặc dù anh Quý đã áp dụng các giải pháp để chống nóng cho tôm, như điều tiết mực nước trong ao đầm cao lên để nước không bị nóng, tăng cường quạt nước, đồng thời sử dụng chế phẩm sinh học để phân hủy các chất hữu cơ và hạn chế tảo phát triển, nhưng không hiệu quả, bởi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nắng mưa đột ngột, tôm dễ bị sốc nhiệt.

Khu nhà lưới của gia đình anh Hồ Nghĩa Quý ở xóm Đồng Tâm, xã Quỳnh Bảng. Ảnh: Xuân Hoàng

Chỉ tay về hướng khu nhà lưới còn khá mới, anh Quý cho rằng, bây giờ để nuôi tôm an toàn không có cách nào là làm nhà lưới. Đầu năm 2023, gia đình anh đầu tư 150 triệu đồng xây dựng khu nhà lưới rộng 250m2 để nuôi tôm. Trong khu nhà được che phủ bởi tấm lưới lam, ánh nắng không chiếu trực tiếp vào mặt nước, cảm nhận nhiệt độ mát hơn ngoài trời khá nhiều.

Trong nhà lưới, anh Quý còn xây dựng nhiều bể xi măng và đầu tư lắp đặt hệ thống nuôi tôm áp dụng công nghệ cao, nuôi tôm nhiều giai đoạn. Hiện tại lứa tôm mới đã được thả giống 7 ngày, nên ngày nào cũng có mặt để vận hành hệ thống sục khí và quạt nước điều độ.

Anh Hồ Nghĩa Quý cho biết, nuôi tôm trong nhà lưới giảm được nhiệt độ vào những ngày nắng nóng nên tôm nuôi không bị ảnh hưởng. Ảnh: Xuân Hoàng

“Đầu tư xây dựng nhà lưới, không những nuôi được tôm thuận lợi vào mùa Hè nắng nóng mà còn phù hợp với mùa Đông nhiệt độ xuống thấp, vì vậy, mỗi năm có thể nuôi 3 – 4 lứa tôm, cho năng suất cao. Tuy nhiên, để làm được nhà lưới đòi hỏi chi phí đầu tư cao, trong khi điều kiện kinh tế của phần lớn người nuôi tôm còn khó khăn, nên không phải chủ đầm nào cũng làm được. Bởi thế, gia đình có 1 ha ao đầm mà hiện tại mới đầu tư làm nhà che tấm lưới mới được 250m2, phần diện tích ao đầm còn lại vẫn đang nuôi ngoài trời, rủi ro cao”, anh Hồ Nghĩa Quý chia sẻ.

Nuôi tôm trong nhà lưới áp dụng công nghệ cao, mỗi năm có thể xuất bán 4 – 5 vụ. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Nguyễn Cường ở xóm 2, xã Diễn Trung (Diễn Châu) đã có nhiều năm thành công trong nghề nuôi tôm, nên vào mùa nắng nóng đã có kinh nghiệm xử lý. Theo ông Cường, đối với ao nuôi đã được lót bạt, sử dụng lưới lam chống nắng căng phủ phía trên để hạn chế bức xạ mặt trời, giảm tăng nhiệt nước ao, hạn chế tảo phát triển và tránh gây sốc cho tôm. Còn với ao đất, luôn cung cấp đủ nước, đảm bảo độ sâu và tăng cường quạt nước sục khí làm mát để tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ, cũng như cung cấp dưỡng khí cho tôm nuôi.

Tuy nhiên đó là câu chuyện trước đây, còn hiện nay gia đình ông đã đầu tư nuôi tôm áp dụng công nghệ cao trên toàn bộ 5 ha ao đầm. Nuôi tôm áp dụng công nghệ cao được an toàn dịch bệnh, mỗi năm xuất bán 4 – 5 lứa tôm, nên hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn nhiều so với nuôi tôm ngoài trời.

 

Trên 156 ha nuôi tôm nhiều giai đoạn

Nghệ An hàng năm nuôi thả hơn 2.300 ha tôm nước lợ ở các địa phương Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai và thành phố Vinh. Sản lượng tôm nuôi hàng năm đạt gần 10.000 tấn. Những năm gần đây, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã đầu tư nuôi tôm công nghệ cao ngày càng nhiều.

Cơ quan chuyên môn khuyến cáo, vào mùa Hè nắng nóng, cần tăng cường quạt nước để cung cấp ô xy trong ao. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Lê Văn Hướng – Chi cục phó Chi cục Thuỷ sản và Kiểm ngư cho biết, do nuôi tôm ngoài trời gặp nhiều rủi ro, đặc biệt là vào mùa nắng nóng, nên công tác ứng dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm ngày càng được người dân quan tâm, nhằm thích ứng với sự biến đổi ngày càng khắc nghiệt của thời tiết.

Theo đó, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có 81 cơ sở áp dụng mô hình nuôi tôm nhiều giai đoạn với diện tích 136,75 ha. Trong đó có 21 cơ sở nuôi tôm trong lồng nổi với 35,4ha, làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, năng suất tôm đạt từ 15-20 tấn/ha/vụ. Để thuận tiện trong công tác quản lý giám sát quá trình sản xuất nhiều cơ sở sản xuất, nuôi trồng thủy sản có quy mô lớn đã lắp thiết bị camera, cập nhật dữ liệu trên hệ thống máy tính.

Xuân Hoàng

Nguồn: Báo Nghệ An

Cơ quan chuyên môn khuyến cáo, vào mùa Hè thời tiết nắng nóng kéo dài, ngoài chọn con giống tốt, khỏe mạnh, đã qua kiểm dịch, thì người nuôi tôm nên thường xuyên kiểm tra mực nước trong ao đầm, đảm bảo độ sâu trong ao luôn đạt 1,5m và tăng cường quạt nước để duy trì lượng ô xy trong ao. Đây là những yếu tố quan trọng để tránh hiện tượng phân tầng nhiệt. Đảm bảo bề mặt cùng đáy ao luôn mát và đủ ô xy cho tôm.

Tin mới nhất

CN,13/10/2024