Ninh Bình đang tìm mọi cách “cứu” ngành nuôi tôm, khắc phục hạ tầng sau bão số 3

Cơn bão số 3 (Wipha) đã gây ra những thiệt hại đáng kể về nông nghiệp và cơ sở hạ tầng tại tỉnh Ninh Bình, đặc biệt là ngành nuôi tôm và sản xuất giống. Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, 1.886 ha nuôi tôm và sản xuất giống vùng ven biển đã bị ngập, gây thiệt hại nặng nề cho người dân.

Bão số 3 gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành nuôi trồng thủy sản Ninh Bình

Cơn bão số 3 (Wipha) đổ bộ vào Ninh Bình với gió mạnh cấp 6-7 và mưa rất to, tổng lượng mưa đo được từ 91-325 mm. Lượng mưa lớn đã gây ngập lụt trên diện rộng và nhiều sự cố khác.

Khu vực phía ngoài đê Bình Minh 2 (xã Kim Đông, tỉnh Ninh Bình) mưa lớn khiến diện tích nuôi trồng thủy sản của nhiều hộ dân bị ngập. Ảnh: Vũ Thượng

Lực lượng chức năng Ninh Bình túc trực tại tuyến đê Bình Minh 2. Ảnh: Vũ Thượng

Trong tổng số diện tích bị ngập, tại xã Kim Đông (một địa danh mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất xã Kim Trung, Kim Đông và khu vực bãi bồi ven biển của huyện Kim Sơn cũ), tỉnh Ninh Bình chịu ảnh hưởng nặng nhất với 1.507 ha, bao gồm 751 ha trong đê Bình Minh 2 và 756 ha ngoài đê Bình Minh 2.

Chia sẻ tới PV Dân Việt, bà Nguyễn Thị Thim (xóm 5, xã Kim Đông) nói: “Gia đình có 1 ha nuôi trồng thủy sản chủ yếu là con tôm, cua và con hàu giống. Trong ngày 22/7, do mưa bão số 3 khiến toàn bộ diện tích bị ngập, con nuôi thất thoát cơ bản, ước thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. Tôi mong các cấp quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ phần nào để giúp gia đình có thêm động lực xây dựng, phát triển kinh tế lại”.

Ao nuôi tôm, cá của các hộ dân xã Kim Đông thời điểm PV Dân Việt ghi nhận 14 giờ ngày 22/7. Ảnh: Vũ Thượng

Diện tích nuôi con hàu giống ở Ninh Bình bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3. Ảnh: Vũ Thượng

Ngoài xã Kim Đông diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng bão số 3, thị tại xã Bình Minh cũng bị ngập 379 ha. Ngay sau khi bão tan, các địa phương đã nhanh chóng mở cống, tháo nước để nước rút ra biển nhanh nhất, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho các hộ nuôi trồng.

Sở Nông nghiệp và Môi trường Ninh Bình đã có những động thái kịp thời. Trong các ngày 22 và 23/7/2025, lãnh đạo Sở đã liên tục kiểm tra các điểm xung yếu, hệ thống công trình thủy lợi, cùng các lĩnh vực sản xuất nông lâm thủy sản để đưa ra phương án xử lý hiệu quả.

Ngoài thiệt hại về nông nghiệp, bão còn gây ra nhiều sự cố khác

Cụ thể, gây sạt lở tuyến đường tuần tra ven rừng tại một số điểm gần Cồn Lu, thuộc vùng lõi của Vườn Quốc gia Xuân Thủy, xã Giao Thiện; 50 cây phi lao có đường kính gốc 25-30cm, cao 7-8m bị gãy đổ tại khu vực rừng phòng hộ thuộc xã Nghĩa Lâm và xã Rạng Đông do gió lớn.

Lực lượng công an hỗ trợ người dân gia cố nhà cửa ứng phó bão. Ảnh: SDL

Sạt lở đất, đá tại khu vực động Vái Giời (đường vào khu du lịch sinh thái Thung Nham), phường Nam Hoa Lư; Thiệt hại về cơ sở hạ tầng như: 1 nhà dân tại phường Hà Nam bị sập mái Fibro xi măng; cây xanh đổ đè lên 1 ô tô tại phường Hoa Lư; 2 cột điện bị gãy, ngả tại xã Quỹ Nhất…

Trước những thiệt hại do bão số 3 gây ra, tỉnh Ninh Bình đã và đang triển khai các biện pháp khắc phục khẩn cấp.

Xử lý sạt lở đê bối Nam Quần Liêu tại K1+850: Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự xã Nghĩa Sơn đã huy động vật tư, phương tiện, nhân lực để xử lý theo phương án bốn tại chỗ (dùng bạt che phủ toàn bộ phần bị sạt trượt và đắp chặn bằng bao tải cát, đất). Hiện công tác này đã hoàn thành, đảm bảo an toàn cho đê điều.

Cảnh báo khu vực sạt lở tại Núi Vái Giời: Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự phường Nam Hoa Lư đã chỉ đạo Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại Doanh Sinh tổ chức cắm biển cảnh báo và làm rào chắn tại khu vực sạt lở, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện di chuyển trên tuyến đường vào khu du lịch sinh thái Thung Nham.

Huy động máy múc khơi thông dòng chảy tại xã Phát Diệm, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Vũ Thượng

Gia cố mái thân đê bối Lộ Xuyên, xã Ninh Giang: Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự xã Ninh Giang đang huy động vật tư, phương tiện và nhân lực để xử lý sự cố sạt lở theo phương án bốn tại chỗ (đóng cọc tre và đắp bao tải đất gia cố mái phía sông).

Với tinh thần chủ động và khẩn trương, chính quyền và người dân Ninh Bình đang nỗ lực hết mình để khắc phục hậu quả bão số 3, sớm ổn định đời sống và sản xuất.

Vũ Thượng

Nguồn: Báo Dân Việt

Tin mới nhất

T6,25/07/2025