Những lệnh cấm mới áp dụng với thủy sản Nhật Bản

Tác động của các hạn chế thương mại mới được ban hành đối với các sản phẩm thủy sản của Nhật Bản là gì? Các nội dung dưới đây sẽ đề cập đến các sự kiện đang diễn ra và sẽ tiếp tục được cập nhật khi có thông tin mới. Đối với bất kỳ thắc mắc cụ thể nào, độc giả có thể liên hệ trực tiếp với GLOBEFISH tại GLOBEFISH@fao.org

Các nước thực hiện lệnh cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản

Trung Quốc tuyên bố lệnh cấm hoàn toàn nhập khẩu thủy sản Nhật Bản vào ngày 30 tháng 8 năm 2023 và có hiệu lực ngay lập tức. Theo đó, Hồng Kông, Trung Quốc, đã cấm nhập khẩu thủy sản từ 10 tỉnh của Nhật Bản. Liên bang Nga cũng làm theo vào ngày 16 tháng 10 năm 2023 với thông báo cấm tạm thời nhập khẩu thủy sản Nhật Bản.

Lý do của lệnh cấm

Nhật Bản bắt đầu xả nước thải (đã qua xử lý) từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào cuối tháng 8 năm 2023.

Tuy nhiên, theo Báo cáo tổng hợp của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (the International Atomic Energy Agency) ban hành ngày 4 tháng 7 năm 2023, kế hoạch xử lý nước xả thải (đã qua xử lý) của Nhật Bản hoàn toàn phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn quốc tế và việc xả thải này có tác động phóng xạ không đáng kể đến sức khỏe con người và môi trường.

Tại sao các lệnh cấm này lại ảnh hưởng mạnh tới thương mại thủy sản Nhật Bản

Hiện Trung Quốc là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu thủy sản Nhật Bản cả về giá trị và khối lượng. Trong một năm điển hình, Trung Quốc sẽ nhập khẩu gần 170.000 tấn thủy sản từ Nhật Bản, trị giá 1 tỷ USD. Hồng Kông (Trung Quốc) là một thị trường đặc biệt quan trọng, vì là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của hàng thủy sản xuất khẩu từ Nhật Bản. Có sự đa dạng lớn trong các hoạt động thương mại này, song nhìn chung thì sò điệp, mực, bạch tuộc, surimi và cá ngừ cao cấp vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Mặc dù xuất khẩu của Nhật Bản sang Liên bang Nga tương đối khiêm tốn nhưng vẫn đạt từ 7,5 triệu đến 25 triệu USD mỗi năm. Ngược lại, nhập khẩu của Nhật Bản từ Liên bang Nga trong năm 2022 đã đạt gần 1,2 tỷ USD.

Tương lai sẽ như thế nào?

Hạn chế nhập khẩu là hạn chế nghiêm trọng nhất mà ngành thủy sản Nhật Bản phải đối mặt trong thời gian gần đây. Quy mô lớn và tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với thương mại Nhật Bản đã đặt Nhật Bản vào tình thế phải triển khai sự cải tổ đáng kể để tìm ra thị trường khác cho sự dư thừa đột ngột này.

Trong khi đó, mức tiêu thụ thủy sản của người dân Nhật Bản đã giảm trong nhiều thập kỷ qua, ở mức 46 kg bình quân đầu người mỗi năm (mặc dù đã giảm nhưng mức tiêu thụ này vẫn cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu). Với tình trạng dư thừa thủy sản đột ngột mà lẽ ra sẽ được dành cho thị trường Trung Quốc, các nhà sản xuất, chế biến và bán lẻ buộc phải tìm cách thích nghi.

Điều này đặt ra nhiều thách thức, nhất là các yêu cầu đáp ứng các thị trường mới cũng như sự gián đoạn đối với hoạt động hậu cần và chuỗi cung ứng hiện có. Giá có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố và sự gia tăng lớn về thủy sản trên thị trường nội địa có thể sẽ khiến giá giảm xuống. Cuộc kiểm tra ban đầu về giá thủy sản bán tại chợ đầu mối Toyosu vào cuối tháng 10 năm 2023 cho thấy bức tranh hỗn hợp, với phần lớn giá ổn định hoặc thấp hơn một chút so với mức giá trước đó.

Một phần xuất khẩu sẽ phải được chuyển hướng sang các thị trường lớn khác, trong đó có Mỹ, Đài Loan và Thái Lan là ba thị trường lớn nhất, nhưng cũng như thị trường nội địa, khả năng hấp thụ khối lượng thủy sản lớn như vậy của ba thị trường này sẽ rất hạn chế.

Liên kết thương mại giữa Trung Quốc, Liên bang Nga và Nhật Bản là một trong những liên kết quan trọng nhất trong thương mại thủy sản toàn cầu. Nếu không có nguồn cung từ Nhật Bản, chắc chắn Trung Quốc sẽ phải tìm kiếm giải pháp thay thế, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thủy sản của quốc gia này.

Quả thực, một kết quả có thể xảy ra sau lệnh cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản của chính phủ Trung Quốc, sẽ là thương mại gia tăng giữa Nga và Trung Quốc. Trước đó, nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc từ Nga đã tăng 50% lên 2,7 tỷ USD (vào năm 2022), phần lớn là do các hạn chế áp đặt lên Nga bởi các thị trường lớn (bao gồm Mỹ, Canada và Liên minh Châu Âu). Nếu không có sự cạnh tranh từ các sản phẩm của Nhật Bản, trong thời gian tới, con số tăng trưởng này có thể còn tăng hơn nữa.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Nguồn: tongcucthuysan.gov.vn

Tin mới nhất

T5,21/11/2024