Nhật Bản giữ vị trí số 1 trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam

Sau khi tăng trưởng 16% trong năm 2022, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản trong năm 2023 dự kiến vẫn ổn định. Trong tháng đầu năm, Nhật Bản tiếp tục trở thành thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 1/2023 đạt 457 triệu USD, giảm 47% so với tháng 12/2022 và giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022.

Về cơ cấu thị trường xuất khẩu, xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc giảm mạnh, trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan tăng.

Trong đó, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2023 với kim ngạch đạt 91 triệu USD, giảm 29% so với tháng 12/2022 và giảm 31% so với tháng 1/2022. Đây cũng là tháng thứ 4 liên tiếp, Nhật Bản trở thành thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

Tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tăng từ 17,6% trong tổng trị giá xuất khẩu thủy sản của cả nước trong tháng 1/2022 lên 19,9% trong tháng 1/2023.

Riêng sản phẩm tôm, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, trong nửa đầu tháng 1/2023, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đạt gần 20 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022.

Vasep đánh giá, nhu cầu tiêu thụ tôm sú từ Việt Nam của người dân Nhật Bản đang tăng lên trong vòng 1 năm trở lại đây. Đặc biệt, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản trong năm 2023 dự kiến vẫn ổn định.

Trong năm 2022, xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản đã đạt 671 triệu USD, tăng 16% so với năm 2021.

Trong 3 nhóm sản phẩm tôm chính xuất khẩu sang Nhật Bản, giá trị xuất khẩu tôm sú chế biến tăng mạnh nhất 25%. Mức tăng trưởng mạnh trong xuất khẩu sản phẩm này sang Nhật Bản giúp kéo đà tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm tôm nói chung sang Nhật Bản.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Nhật các sản phẩm xuất khẩu chính như tôm phủ bột đông lạnh, tôm sú hấp đông lạnh, tôm tẩm bột xù, tôm thẻ PDTO Nobashi đông lạnh, tôm sú hấp đông lạnh, tôm chân trắng còn đuôi luộc đông lạnh, tôm thẻ bóc vỏ bỏ đầu bỏ đuôi hấp đông lạnh, tôm thẻ hấp đông lạnh…

Vasep cho biết thêm, doanh nghiệp xuất khẩu nhiều tôm nhất sang Nhật Bản như CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC), CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC), CTCP Thủy sản Minh Phú-Hậu Giang, CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản miền Trung, CTCP Hải Việt,…

Giá trung bình xuất khẩu tôm chân trắng đông lạnh của Việt Nam sang Nhật Bản năm 2022 dao động từ 5,1 – 10,6 USD/kg. Giá trung bình tôm sú đông lạnh xuất khẩu sang Nhật Bản dao động từ 10,8 – 15,8 USD/kg.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, nhiều dự báo cho rằng, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản sẽ gặp khó khăn, do thị trường này áp dụng cơ chế tương đương về quy định khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của Liên minh châu Âu.

Sau Nhật Bản, Mỹ là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam trong tháng 1 với kim ngạch 68 triệu USD, giảm 31,5% so với tháng 12/2022 và giảm 66% so với tháng 1/2022. Tỷ trọng xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ giảm mạnh từ mức 26,4% trong tháng 1/2022 xuống 14,9% trong tháng 1/2023.

Theo ACBS, năm 2022, dù Mỹ là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam nhưng chỉ ghi nhận mức tăng trưởng thấp ở mức một con số là 4,0%.

Kiều Trang

Nguồn ĐTCK

Tin mới nhất

T6,22/11/2024