Nhận diện thách thức, nâng cao cơ hội cho thủy sản Việt Nam năm 2024

Ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, tuy nhiên cũng mở ra những cơ hội đáng kể.

Ngành tôm Việt Nam được dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2024. Ảnh: Hồng Thắm.

Năm 2023 đánh dấu một giai đoạn khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam sau đại dịch Covid-19. Dưới tác động của chiến tranh, biến động, giá năng lượng, căng thẳng thương mại và biến đổi khí hậu, ngành thủy sản Việt Nam không tránh khỏi những tác động tiêu cực. Tuy nhiên, với sự hồi phục dần và sự đổi mới, lĩnh vực này đứng trước nhiều cơ hội và thách thức cả trong nước và quốc tế khi bước vào năm 2024.

Chính sách thương mại quốc tế

Đặt ra những thách thức đáng kể cho ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam bởi việc áp các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ giá từ một số quốc gia nhập khẩu. Chính sách thương mại quốc tế không chỉ tạo ra rủi ro lớn mà còn gia tăng chi phí cho doanh nghiệp thủy sản.

Để đối mặt với vấn đề này, sự linh hoạt của doanh nghiệp trong việc đáp ứng các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ giá cũng như tận dụng tốt các hiệp định thương mại Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (Hiệp định EVIPA) sẽ tối ưu hóa chi phí và gia tăng tính cạnh tranh.

Yêu cầu về an toàn thực phẩm và chất lượng

Những yêu cầu này ngày càng trở nên khắt khe hơn, đặt ra áp lực lớn cho ngành xuất khẩu thủy sản nước ta. Để duy trì và mở rộng thị trường, cần đảm bảo rằng mọi quy trình sản xuất đều tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng cao. Điều này không là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho những doanh nghiệp luôn nắm vững và tuân thủ nghiêm túc các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và chất lượng để mở rộng thị trường.

Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon (CBAM) của EU

Đây là một bước quan trọng, đặc biệt là khi giai đoạn 1 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10/2023 và sẽ chính thức vận hành từ năm 2026. Trong bối cảnh kinh tế xanh ngày càng thâm nhập vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế, kèm theo đó là yêu cầu và tiêu chuẩn mới ngày càng khắt khe, doanh nghiệp thủy sản phải đáp ứng những yêu cầu này thông qua việc áp dụng công nghệ hiện đại và quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ.

Tuy nhiên, điều này cũng mở ra một cánh cửa lớn cho những doanh nghiệp thủy sản có khả năng sản xuất và quản lý nguồn cung, tuân thủ nghiêm túc các tiêu chuẩn môi trường cao. Những doanh nghiệp này có thể tiếp cận thị trường quốc tế với sản phẩm chất lượng, đơn hàng ổn định, giá bán cao và thị trường xuất khẩu đa dạng.

Các bài học từ những ngành sản xuất khác đã chỉ ra rằng, không đáp ứng được yêu cầu sản xuất xanh có thể dẫn đến việc mất các đơn hàng, chuyển chúng vào tay của các quốc gia khác. Vì vậy, sự chú ý và chuẩn bị cẩn thận cho những yếu tố mới này rất quan trọng đối với các doanh nghiệp thủy sản.

Một minh chứng cho xu hướng này có thể thấy thông qua nguồn vốn FDI vào Việt Nam. Hà Lan, trong số những quốc gia chú trọng vào kinh tế xanh nhất trong EU, đã chú ý đến Việt Nam và đang đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội đầu tư, tư vấn quy trình và công nghệ sản xuất xanh, cũng như nhập khẩu các sản phẩm thủy sản của các doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chuẩn sản xuất xanh.

Tiếp cận nguồn vốn

Tài chính là vấn đề quan trọng đối với ngành nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng. Mặc dù ngành thủy sản có tiềm năng phát triển lớn, nhưng lại đang đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc tiếp cận được nguồn vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh và nâng cao năng lực sản xuất.

Để vượt qua những khó khăn này, sự linh hoạt, sáng tạo trong các gói tín dụng từ các tổ chức tài chính và các dự án kích thích phát triển từ Chính phủ trở nên rất quan trọng. Năm 2016, sau khi Thủ Tướng thông qua gói tín dụng 50.000 tỷ dành cho nông nghiệp công nghệ cao với lãi suất ưu đãi và cơ chế dễ tiếp cận, gói tín dụng đã nhanh chóng được hấp thụ hoàn toàn, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp với các quy trình và công nghệ mới từ nguồn vốn mang lại. Từ câu chuyện này, chúng ta thấy những gói tín dụng như vậy là hết sức cần thiết và là động lực quan trọng để kích thích sự phục hồi, đổi mới và phát triển trong ngành thủy sản.

Chính sách hỗ trợ và đào tạo nhân sự

Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục đưa ra chính sách hỗ trợ để khuyến khích đầu tư và phát triển ngành thủy sản. Đào tạo nhân sự sẽ là ưu tiên hàng đầu để đảm bảo lao động ngành thủy sản được nâng cao kỹ năng và chất lượng.

Dịch bệnh và quản lý sức khỏe thủy sản

Các đợt dịch bệnh có thể gây tổn thất đáng kể về sản lượng và chất lượng sản phẩm, do đó quản lý sức khỏe thủy sản là hết sức quan trọng. Cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa và quản lý một cách chặt chẽ nhằm ngăn chặn sự lây lan của các dịch bệnh, giữ cho hệ thống nuôi trồng thủy sản nói chung, tôm nuôi nói riêng khỏe mạnh và ổn định. Điều này không chỉ đòi hỏi sự chú trọng đến các biện pháp y tế thủy sản mà còn yêu cầu sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, chính quyền và các chuyên gia ngành để đảm bảo an toàn và bền vững cho ngành thủy sản trong bối cảnh thách thức về dịch bệnh đang ngày càng gia tăng.

Phát triển nuôi biển không chỉ thúc đẩy kinh tế, xã hội mà còn góp phần bảo vệ nguồn lợi hải sản cho tương lai, giảm áp lực khai thác. Ảnh: Kim Sơ.

Công nghệ 4.0 và quản lý thông minh

Chúng ta đã xác định một hướng đi quan trọng bằng cách đặt ra mục tiêu tích hợp công nghệ 4.0 và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quy trình nuôi trồng thủy sản thông minh. Những ứng dụng này không chỉ giúp tối ưu hóa hiệu suất của ngành mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường. Trí tuệ nhân tạo đặc biệt quan trọng khi nó hỗ trợ dự báo và ứng phó với những thách thức ngày càng tăng từ biến đổi khí hậu và dịch bệnh, tăng cường khả năng quản lý và duy trì bền vững của hệ thống nuôi trồng thủy sản.

Phát triển nuôi biển

Việt Nam có thế mạnh rất lớn với đường bờ biển dài hơn 3260 km, thuận lợi để phát triển nuôi biển xa bờ, vươn khơi, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa tận dụng được những lợi thế đó. Hiện tại vẫn tồn động một số lý do như: Chưa có quy hoạch không gian biển, chưa có các chính sách hỗ trợ của chính quyền các cấp để thúc đẩy các doanh nghiệp, thiếu công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực tay nghề cao. Cần tháo gỡ ngay những khó khăn đó để nuôi biển tăng tốc.

Phó Viện trưởng Viện Nuôi trồng thủy sản, Đại học Nha Trang

Tin mới nhất

T7,14/12/2024