Nghề nuôi tôm hùm: Dự báo một năm sóng gió

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Chưa bao giờ người nuôi tôm hùm phải đối mặt với nhiều thách thức như thời gian vừa qua. Khó khăn từ ách tắc trong khâu tiêu thụ chưa qua thì khó khăn về dịch bệnh bùng phát lại tới. Dự kiến những tháng cuối năm, người nuôi tôm hùm sẽ phải đối mặt với vô vàn những mối lo…

Dự kiến những tháng cuối năm, người nuôi tôm hùm vẫn sẽ còn vô vàn những mối lo

Đầu năm khó đầu ra

Tôm hùm bông đứng đầu về giá trị kinh tế trong số các mặt hàng thủy sản nuôi trồng, có thời điểm lên đến 2,6 triệu đồng/kg. Từ tháng 10/2023, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu tôm hùm bông của Việt Nam vì quy định liên quan đến Luật bảo vệ động vật hoang dã của nước này. Sau thời điểm đó, mặt hàng tôm hùm bông và tôm hùm xanh đã rớt giá mạnh, giá tôm hùm giảm sâu chưa từng có tiền lệ, chỉ còn 1 triệu đồng/kg (tôm loại 1). Có thời điểm huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa tồn hơn 300 tấn tôm hùm bông.

Để xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc, các doanh nghiệp phải chứng minh là tôm giống không được đánh bắt trực tiếp từ biển, minh chứng quá trình nuôi rõ ràng, không sử dụng giống khai thác từ tự nhiên, tức con giống phải là thế hệ F2 và đơn vị nhập khẩu phải có giấy phép… Đây không phải là điều đơn giản đối với người nuôi tôm hùm, bởi trên thế giới chưa có nước nào sản xuất thành công giống tôm hùm bông thương phẩm. Việt Nam cũng đã có những nghiên cứu sản xuất tôm hùm bông giống, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả chính thức.

“Thực tế hiện nay, 100% con giống tôm hùm bông nuôi tại Việt Nam có nguồn gốc từ tự nhiên. Đối chiếu theo quy định của Trung Quốc, không có cơ sở nuôi nào tại Việt Nam sản xuất, sử dụng giống từ F2 trở lên, do đó không thể đáp ứng được quy định của Trung Quốc về con giống”, ông Đặng Văn Vĩnh, Phó Trưởng phòng An toàn thực phẩm, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (NAFIQPM, Bộ NN&PTNT) nhận định.

Đứng trước tình hình cấp bách, chính quyền cùng các doanh nghiệp và người nuôi đã kết hợp tổ chức chiến dịch kết nối và tiêu thụ tôm hùm bông Khánh Hòa tại Hà Nội nhằm hỗ trợ người nuôi tiêu thụ khối lượng tôm hùm tồn đọng. Thời điểm đó, các doanh nghiệp đã đồng loạt gửi thư kêu gọi ủng hộ chiến dịch, kêu gọi “giải cứu” tôm hùm. Công ty CP đầu tư thương mại Mega A, Công ty CP Bnafood VN, Công ty CP Tập đoàn Thủy hải sản VN và dự án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ tôm hùm – Bộ NN&PTNT” cùng hợp tác và đồng tổ chức chiến dịch với lời kêu gọi khách hàng tham gia, ủng hộ chiến dịch.

Ông Đặng Hữu Kiên, Tổng Thư ký điều hành chiến dịch cho biết, sau khi Trung Quốc ngưng nhập khẩu tôm hùm bông từ Việt Nam, hàng trăm tấn tôm hùm bông tại Khánh Hòa bị tồn đọng, quá thời kỳ xuất bán khiến người nuôi tôm hùm lâm vào cảnh khó khăn, càng nuôi tôm càng lỗ, dẫn đến nợ xấu ngân hàng.

“Đây là chương trình kết nối và tiêu thụ giúp bà con. Chúng tôi tuyên truyền tới các siêu thị, nhà hàng, các tổ chức, cá nhân đặt hàng nếu có nhu cầu”, ông Kiên nói.

Giữa năm khó do dịch bệnh, môi trường

Vấn đề đầu ra chưa tìm được hướng giải quyết thỏa đáng thì đến những tháng giữa năm 2024, người nuôi tôm hùm lại tiếp tục đối mặt với việc chất lượng nguồn nước suy giảm, dịch bệnh bùng phát gây thiệt hại hàng loạt lồng nuôi.

Đầu tháng 4/2024, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa có báo cáo về tình trạng tôm hùm bông trên địa bàn huyện Vạn Ninh bất ngờ chết hàng loạt. Mỗi ngày, trung bình mỗi hộ nuôi ghi nhận thiệt hại từ 3-30 con/hộ nuôi.

Đến tháng 5/2024, tiếp tục ghi nhận gần khoảng 11.000 lồng nuôi tôm, cá bị thiệt hại tại tỉnh Phú Yên, tương đương khoảng 70 tấn tôm hùm. Trước đó, trong vòng một tuần, hơn 67 tấn tôm hùm, 62 tấn cá biển của 281 hộ nuôi tính trên địa bàn thị xã Sông Cầu bị chết, ước thiệt hại hơn 38,4 tỷ đồng.

Có thể thấy, khó khăn của ngành tôm hùm vẫn chưa có dấu hiệu ngưng. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, hiện tượng nắng nóng năm nay tại khu vực Nam Trung Bộ nhiều khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm.

Dự báo đến hết tháng 6/2024, một số thông số môi trường tiếp tục biến động bất lợi, mật độ vi khuẩn Vibrio tăng cao rất dễ xảy ra hiện tượng phú dưỡng thuỷ vực, nguy cơ dẫn đến tảo nở hoa, làm oxy hoà tan giảm mạnh vào thời điểm nắng nóng gay gắt.

Từ tháng 9 đến tháng 12/2024, thông số COD và coliform cũng có nguy cơ tăng cao, đặc biệt các vùng chịu ảnh hưởng của nước ngọt (nước mưa) như Đông Điền, Vinh Quang (Bình Định); cầu Đà Nông, Xuân Thành (Phú Yên); Tân Thủy, Trí Nguyên (Khánh Hòa); Khánh Nhơn, Hòa Thạnh 1 (Ninh Thuận).

Nhận định đúng “nút thắt” để tìm cách tháo gỡ

Là đơn vị đã có thời gian dài tiếp xúc, làm việc với bà con nuôi tôm tại vịnh Xuân Đài và vịnh Vũng Rô từ tháng 3/2022, Công ty VMC Việt Nam (VMC) phối hợp cùng PGS. TS Trương Đình Hoài, Phó Trưởng Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đã có gần 20 chuyến ra biển đến các lồng bè nuôi tôm hùm để tầm soát bệnh, xét nghiệm bệnh, làm các kháng sinh đồ.

Sau hơn hai năm làm việc và nghiên cứu tại đây, theo ông Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc công ty VMC, điểm nghẽn hiện nay có thể nhìn thấy được của ngành tôm hùm tại các tỉnh Nam miền Trung nước ta là thiếu quy hoạch vùng nuôi. Số lượng hộ nuôi ngày càng gia tăng, số lượng nuôi quá lớn dẫn đến quá tải của môi trường nước. Khó khăn trong việc kiểm soát chất thải từ thức ăn, xác tôm, ngư cụ, chất thải sinh hoạt, các nguồn gây ô nhiễm khác từ bờ…

“Có quá nhiều hộ nuôi, bè nuôi độc lập dẫn tới tính liên kết yếu. Điều này gây khó khăn trong việc xây dựng chuỗi liên kết hay cập nhật những kiến thức mới nhằm thay đổi cách làm, cũng như đón nhận các tiến bộ kỹ thuật trong việc chăm sóc sức khỏe, phòng và trị bệnh cho tôm. Số đầu con bị thất thoát lớn (trên 50%) dẫn đến đây là ngành sản xuất – kinh doanh có hệ số rủi ro cao. Giá thành sản xuất chưa phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong nước, đầu ra sản phẩm phần lớn phụ thuộc vào thị trường Trung quốc. Bởi vậy, khi Trung quốc không cho nhập khẩu tôm hùm xanh do thuộc nhóm động vật hoang dã, sẽ gây thiệt hại ngay lập tức cho vùng nuôi”, ông Vinh nhận định.

Bên cạnh đó, qua quá trình nghiên cứu thực tế cho thấy, người nuôi vẫn chưa chú trọng việc phòng bệnh chủ động cho tôm, đặc biệt là 2 bệnh gây thiệt hại chủ yếu là bệnh Đỏ thân và bệnh Sữa. Hầu hết các hộ nuôi là cá nhân, chưa tham gia vào các hợp tác xã để liên kết sản xuất và kinh doanh.

Bấp bênh đầu ra, dịch bệnh hoành hành, chi phí đầu vào tăng cao, giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, thiếu vốn sản xuất là những khó khăn mà người nuôi tôm hùm đang phải đối mặt. Để phát triển bền vững và chuyên nghiệp hơn, nghề nuôi tôm hùm cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương; sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và người nuôi; có hướng đi cụ thể, quy hoạch rõ ràng để có thể làm chủ được “cuộc chơi”, không còn cảnh phụ thuộc quá nhiều vào may rủi như hiện tại.

Phạm Huệ

Tin mới nhất

T6,05/07/2024