Ngành tôm năm 2025: Tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức

[Người Nuôi Tôm] – Ngành tôm nước ta đang đối mặt với nhiều khó khăn. Một trong những vấn đề chính là giá thành sản xuất vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực, chủ yếu do chi phí thức ăn nuôi tôm chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 55 – 57,2% trong giá thành nuôi. 

 

Đây là nhận định của Cục thủy sản tại Hội nghị Phát triển ngành tôm nước lợ năm 2025 do Bộ NN&PTNT tổ chức tại Bạc Liêu, ngày 14/02/2025. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Ngô Vũ Thăng chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị (Nguồn ảnh: Báo Lao Động)

 

Theo số liệu báo cáo của Cục Thủy sản tại hội nghị, năm 2024 được đánh giá là một năm khó khăn với ngành tôm Việt Nam, song kết quả sản xuất nuôi tôm nước lợ năm vừa qua đã vượt kế hoạch với diện tích nuôi đạt 749,8 nghìn ha, tăng 1,7% so với năm 2023. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú là 628,8 nghìn ha (tăng 1,1%) và tôm chân trắng là 121,0 nghìn ha (tăng 5,0%). Sản lượng tôm nước lợ đạt 1,29 triệu tấn, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tôm sú đạt 338,8 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 951,7 nghìn tấn. Tỷ lệ nuôi thâm canh, bán thâm canh, siêu thâm canh/công nghệ cao chiếm 19,2 % về diện tích nuôi, 78,5% về sản lượng. Xuất khẩu đạt kim ngạch 3,9 tỷ USD, tăng 14% so với năm trước.

Trong năm vừa qua, cả nước đã sản xuất được 33.404 con tôm thẻ chân trắng bố mẹ và 52.000 con tôm sú bố mẹ, đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu (610 con), đạt 90,1% so với năm 2023. Năm 2024, nước ta nhập khẩu khoảng 124.000 con tôm thẻ bố mẹ, 692 con tôm sú bố mẹ, cùng với 16.540 ấu trùng tôm thẻ và 66.000 ấu trùng tôm sú để phục vụ cho sản xuất giống.

Cả nước có 1.943 cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống tôm nước lợ, sản xuất khoảng 159 tỷ con tôm giống nước lợ, đạt 103,55% so với năm 2023, trong đó tôm thẻ chân trắng là 109,8 tỷ con, tôm sú là 49,2 tỷ con. Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau là các tỉnh sản xuất tôm giống trọng điểm, chiếm khoảng 90% tổng cơ sở sản xuất và 60% sản lượng giống trên cả nước.

Về tình hình dịch bệnh, Cục Thú y cũng cho biết, diện tích tôm bị thiệt hại do dịch bệnh năm 2024 là 21.726 ha, giảm 5,7% so với năm trước. Đáng chú ý, bệnh đốm trắng vẫn là mối lo ngại hàng đầu, ảnh hưởng đến 28,7% diện tích nuôi tôm. Đặc biệt, tôm sú và tôm thẻ trong giai đoạn 10 – 60 ngày tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh nhất, trong đó, tỷ lệ mắc bệnh trên tôm thẻ lên tới 58%. Bên cạnh đó, bệnh vi bào tử trùng cũng có xu hướng gia tăng, với tỷ lệ mẫu dương tính tăng 1% so với năm trước. Mặc dù số lượng mẫu xét nghiệm bệnh vi bào tử trùng giảm, nhưng tỷ lệ mẫu dương tính lại tăng, cho thấy bệnh này đang có xu hướng lây lan rộng hơn, rải rác từ tôm 10 – 90 ngày thả. Đặc biệt đáng lo ngại là tình trạng tôm giống nhiễm bệnh, với tỷ lệ dương tính lên đến 3,9%. Điều này cho thấy cần có những biện pháp phòng ngừa và kiểm soát chặt chẽ hơn để ngăn chặn sự lây lan của bệnh.

Đến cuối năm 2024, hầu hết các chỉ tiêu về diện tích và sản lượng trong Kế hoạch hành động Quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam cho năm 2025 được hoàn thành, ngoại trừ chỉ tiêu sản lượng tôm càng xanh vẫn chưa đạt chỉ tiêu về chất lượng. Đối với kim ngạch xuất khẩu, mục tiêu đạt 8,4 tỷ USD vào năm 2025 được đánh giá là khó khả thi. Bên cạnh đó, chỉ tiêu về chủ động gia hóa và sản xuất giống cũng rất hạn chế, hiện chỉ đủ sản xuất giống cho nhu cầu thương phẩm với tổng số 159 tỷ con.

Năm 2025 dự kiến sẽ tiếp tục là một năm khó khăn với người nuôi tôm

 

Đối với nhiệm vụ và giải pháp trong năm 2025, Cục Thủy sản đã đặt ra mục tiêu mở rộng diện tích nuôi tôm lên 750.000 ha, trong đó tôm sú chiếm 630.000 ha và tôm thẻ chân trắng 120.000 ha. Sản lượng tôm các loại dự kiến đạt từ 1,3 – 1,4 triệu tấn, bao gồm 350.000 tấn tôm sú và 1,05 triệu tấn tôm thẻ chân trắng. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, cần khoảng 140 – 150 tỷ con tôm giống.

Tuy nhiên, dự báo năm 2025, ngành tôm sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Kinh tế thế giới phục hồi chậm, biến đổi khí hậu, giá vật tư tăng cao và cạnh tranh gay gắt từ các nước sản xuất khác sẽ là những thách thức lớn mà ngành tôm phải vượt qua. Đặc biệt, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và chất lượng tôm. Thêm vào đó, Sản lượng tôm toàn cầu dự kiến tăng lên 6,1 triệu tấn, trong khi cạnh tranh giữa các nước sản xuất như Ecuador, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn gay gắt và tình trạng giảm giá nguyên liệu có thể sẽ xảy ra vào một số thời điểm trong năm như tháng 5 và tháng 6.

Do vậy, để đạt được mục tiêu trên cũng như nâng cao hơn nữa giá trị từ con tôm và tạo ra sự bứt phá, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng nguồn giống. Điều này sẽ giúp chủ động trong sản xuất, giảm chi phí nuôi và hạn chế dịch bệnh. Đồng thời, cần thiết lập cơ chế chính sách để giải quyết các vấn đề kỹ thuật còn tồn đọng, như chuyển đổi từ phương thức nuôi ao đất sang sản xuất xanh, ít phát thải, đồng thời ứng dụng công nghệ số và đảm bảo truy xuất nguồn gốc trong nuôi trồng thủy sản.

“Để đạt được mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD và nâng cao sức cạnh tranh của ngành tôm trên thị trường quốc tế, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển vùng nuôi và logistics, chúng ta cần tổ chức lại quy trình sản xuất. Các khâu thu hoạch, sơ chế, chế biến và xúc tiến thương mại phải được thực hiện đồng bộ và chặt chẽ. Chỉ khi giải quyết những vấn đề này một cách tổng thể, ngành tôm mới có thể bứt phá và phát triển mạnh mẽ”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo.

Phạm Huệ

Hiện nay có 5 tỉnh đã quyết định thành lập các khu ứng dụng công nghệ cao và phức hợp sản xuất tôm hiện đại. Cụ thể: (1) Bạc Liêu với quy mô 418,91 ha; (2) Bà Rịa – Vũng Tàu, rộng 303,5 ha; (3) Bình Định, nơi có khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 406 ha và tổng vốn đầu tư lên đến 2.002 tỷ đồng; (4) Quảng Ninh với quy mô 169,5 ha; và (5) Kiên Giang, nơi UBND tỉnh đã công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho Công ty Cổ phần Trung Sơn.

Tin mới nhất

T3,18/02/2025