Ngành tôm Hà Tĩnh: Chuyển mình nhờ nuôi tôm công nghệ cao

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Mô hình nuôi tôm công nghệ cao 3 giai đoạn không chỉ giúp nông dân tỉnh Hà Tĩnh quản lý, kiểm soát tốt quá trình phát triển của tôm mà còn giảm thiểu rủi ro, góp phần nâng cao thu nhập của bà con nông dân theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nuôi tôm công nghệ cao cho năng suất vượt trội

Nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao được đầu tư, mở rộng

Trước đây, ông Nguyễn Văn Liêm tại thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh chủ yếu nuôi tôm theo hình thức truyền thống nhưng gặp nhiều rủi ro do ảnh hưởng của thời tiết thay đổi bất thường, môi trường ô nhiễm, dịch bệnh xảy ra thường xuyên nên hiệu quả vụ nuôi không ổn định.

Ông Liêm cho biết, sau khi tìm tòi, học hỏi, đầu năm 2019, ông quyết định đầu tư nâng cấp, sửa chữa lại cơ sở nuôi theo mô hình nuôi tôm siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn khép kín. Mô hình này ít thay nước, sử dụng nhiều chế phẩm vi sinh thay cho hoá chất và kháng sinh. Hệ thống ao nuôi được thiết kế gồm: bể ương tôm giai đoạn 1, ao ương giai đoạn 2 và ao nuôi thương phẩm. Ngoài ra, còn có 1 hệ thống xử lý nước đầu vào và 1 hệ thống xử lý chất thải, nước thải.

Bể ương tôm giai đoạn 1 (diện tích 500m2 chia làm 10 bể) là bể xi măng được đặt trong nhà có mái che, ao ương giai đoạn 2 (diện tích 1.000m2) được che phủ bằng màng lưới và ao nuôi thương phẩm giai đoạn 3 gồm 3 ao (mỗi ao có diện tích 3.000m2 ) là ao đáy đất được đắp bờ xung quanh bằng bê tông. Nhờ đầu tư bài bản, áp dụng nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật nên từ năm 2019 đến nay, năm nào ông Liêm cũng thành công. Mỗi năm nuôi 3 vụ, sản lượng bình quân đạt từ 25 – 30 tấn/năm, trừ chi phí ông thu lợi nhuận 1,5 – 2 tỷ đồng/năm.

Mặc dù thời tiết từ đầu năm đến nay khá bất lợi, dịch bệnh diễn biến phức tạp đối với nuôi trồng thủy sản, nhưng anh Dương Quốc Khánh, xã Thạch Hạ, TP. Hà Tĩnh vẫn thành công nhờ áp dụng quy trình nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn ứng dụng công nghệ vi sinh và lọc nước tuần hoàn. Mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn gồm 1 giai đoạn ương dưỡng, 2 giai đoạn nuôi. Theo đó, hệ thống ao nuôi được thiết kế 3 ao, gồm: Ao ươm, ao nuôi giai đoạn 1 và ao nuôi giai đoạn 2. Các ao có diện tích 1.500 – 1.800 m2/ao, hình tròn hoặc vuông bằng khung sắt mạ kẽm để chống gỉ, lót bạt HDPE xung quanh.

Người nuôi sử dụng công nghệ vi sinh, diệt khuẩn và tảo để làm sạch môi trường ao. Mô hình sử dụng công nghệ lọc nước tuần hoàn (RAS) – là một trong nhữngcông nghệ nuôi tôm hiện đại tại Việt Nam hiện nay. Nước sau khi được xả từ ao nuôi và ao lắng lọc rộng khoảng 35m2 sẽ được xử lý và loại bỏ hoàn toàn phân, tạp chất rồi tiếp tục cung cấp lại cho ao nuôi qua các đường ống, trở thành 1 hệ thống tuần hoàn.

Anh Khánh cho biết, ưu điểm của hệ thống này là tiết kiệm nước, tỷ lệ tôm sống cao, đạt trên 85%, có thể nuôi nhiều vụ trong năm (2 – 3 vụ), năng suất cao gấp nhiều lần nuôi bình thường, chất lượng tôm nuôi được đảm bảo và không gây ô nhiễm môi trường nhờ xử lý triệt để phân, tạp chất, vi khuẩn trong nước. Với diện tích 5.000m2 , thả nuôi mật độ 150 con/m2 , sau hơn 90 ngày, tôm đạt kích cỡ 40 con/ kg, năng suất đạt hơn 10 tấn. Tôm được nuôi bằng chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường giúp hấp thụ dinh dưỡng triệt để, tăng cường sức đề kháng. Với giá bán 170.000 đồng/kg, trừ chi phí, anh thu lợi gần 1 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Trung Trọng là người nuôi tôm lâu năm ở thôn Phúc Trung, xã Nam Phúc Thăng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Với trăn trở làm sao để có thể nâng cao giá trị sản xuất từ nuôi tôm, anh đã nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi và tiến hành nuôi tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích hơn 2 ha bằng hình thức thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn ứng dụng công nghệ vi sinh.

Hệ thống ao nuôi của anh Trọng được thiết kế gồm: ao lắng, ao ương và 4 ao nuôi. Các ao ương, ao nuôi được thiết kế hình tròn được lót bạt HDPE xung quanh. Mô hình còn có hệ thống chứa và xử lý nước, chất thải. Nguồn nước để nuôi tôm được bơm vào ao lắng sau đó chuyển qua ao xử lý để diệt khuẩn, loại bỏ mầm bệnh, đảm bảo các yêu cầu về chỉ số kỹ thuật trước khi thả tôm. Anh Trọng cho biết, khi con giống đem về được thả vào ao ương dưỡng chăm sóc khoảng 20 ngày. Sau đó, chuyển sang ao nuôi giai đoạn 2 khoảng 35 – 40 ngày.

Do thời gian lưu giữ nước ở giai đoạn này không quá lâu, nên ít phát sinh chất thải và khí độc dưới nền đáy giúp kích thích sự tăng trưởng của tôm, tôm sẽ lớn nhanh hơn trong thời gian ngắn. Khi tôm đã đạt trọng lượng từ 180 – 250 con/ kg sẽ được chuyển sang giai đoạn 3 chờ thu hoạch. Kết quả thu hoạch vụ 1 và vụ 2 năm 2023 đã đạt 25 tấn tôm, mang lại cho anh lợi nhuận 1,5 tỷ đồng.

Gần 630 ha nuôi tôm công nghệ cao

Theo kỹ sư Lương Sỹ Công, Phó Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, Hà Tĩnh đang tiếp tục phát triển ngành nuôi tôm theo hình thức thâm canh công nghệ cao tại nhiều địa phương nhằm tận dụng lợi thế sẵn có, hướng đến phát triển bền vững. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có gần 630 ha nuôi tôm thâm canh công nghệ cao (tăng gần 30 ha so với năm 2021), có 40 hộ/cơ sở nuôi có bể ương gièo (tức có mái che trong nhà) với số lượng 320 bể, thể tích trên 90.000m3 đáp ứng điều kiện cho nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn.

Với những khó khăn của nghề nuôi tôm như hiện nay thì việc áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao 3 giai đoạn rộng rãi vào thực tiễn sẽ giúp người nuôi chủ động kiểm soát các yếu tố môi trường nước, nhiệt độ, thức ăn giúp tôm nuôi phát triển tốt, hạn chế được tối đa tình trạng lây lan dịch bệnh trong vùng nuôi, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả, đồng thời tạo ra được sản phẩm tôm chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Thành công từ mô hình này cho thấy đây là hướng đi phù hợp, nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, nhất là những vùng thường xảy ra dịch bệnh, mở ra nhiều triển vọng mới, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản tại địa phương.

Ánh Nguyệt

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh

Tin mới nhất

T5,02/05/2024