Ngành tôm cần chớp cơ hội, nắm bắt thời cơ 6 tháng cuối năm

[Người Nuôi Tôm] – Thời điểm 6 tháng cuối năm 2021, ngành tôm sẽ phải giải quyết các bất cập hiện nay về quy mô, sản lượng và giá thành. Củng cố, phát triển ngành tôm, tạo đà phát triển, chuẩn bị những bước xa hơn, bứt phá nhanh hơn. Thống nhất hành động trong 3 trục (Chính phủ, doanh nghiệp, người dân) để quyết tâm xây dựng ngành tôm thành một ngành hàng lợi thế, mang lại giá trị cao nhất và có tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đó là nhận định của ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT trong Hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021 và triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” do Bộ NN&PTNT chủ trì.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến. Ảnh: Phạm Huệ

Báo cáo của Tổng cục Thủy sản tại Hội nghị, 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, ngành tôm vẫn có bước phát triển tốt, sản lượng tôm nước lợ ước đạt 371 nghìn tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản lượng tôm sú đạt 113 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng đạt 258 nghìn tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm 2021 đạt 1,5 tỷ USD, trong đó tôm sú đạt 200 triệu USD, tôm thẻ chân trắng đạt 1,3 tỷ USD. Hiện, giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL giảm do nguồn cung dồi dào và do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên khó khăn trong thu mua, vận chuyển. Tại Bạc Liêu, giá tôm sú ướp đá cỡ 20 con/kg giảm 15.000 đồng/kg so với tháng trước xuống còn 250.000 đồng/kg. Nhận định các tháng cuối năm 2021, nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới tăng trở lại, ngành tôm Việt Nam tiếp tục có nhiều cơ hội do ưu đãi thuế quan của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 6 tháng đầu năm, mặt hàng tôm xuất khẩu tăng trưởng tốt. Trước tháng 6, các doanh nghiệp tại các vùng sản xuất, chế biến tôm chính của Việt Nam gần như chưa bị tác động nhiều của dịch Covid-19 ở trong nước. Nhưng tại thời điểm này, các doanh nghiệp đang rất lo lắng về tác động của dịch.

Cũng theo ông Nam, các tháng cuối năm 2021, dự báo nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới tăng trở lại, đặc biệt ở các thị trường lớn như: châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, với tình hình dịch trong nước đang diễn biến phức tạp tại các vùng trọng điểm nuôi, chế biến thì việc tận dụng được cơ hội này đặt ra không ít thách thức. “Với kịch bản lạc quan nhất là sẽ kiểm soát được dịch Covid-19 đối với vùng sản xuất tôm trong 2 tháng tới, mặt hàng tôm sẽ vẫn có cơ hội tăng trưởng 12% so với năm 2020. Nếu dịch còn kéo dài hơn thì sẽ tăng dưới 9%”, ông Nguyễn Hoài Nam nhận định.

Đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, ông Nguyễn Hoài Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Huệ

Chia sẻ về hướng đi đẩy mạnh phát triển của ngành tôm trong thời gian tới, ông Trần Đình Luân, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, ngành tôm hiện tại đã đi đúng hướng, phát triển nuôi tôm công nghệ cao ở những vùng kiểm soát được môi trường, đặc biệt là những vùng có khả năng đầu tư của doanh nghiệp để phát triển vùng nuôi tôm công nghệ cao, giúp tăng sản lượng, tăng khả năng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm tôm bán ra. Bên cạnh đó, trong chủ trương, định hướng của Thủ tướng, những vùng có tiềm năng lợi thế phát triển các mô hình như tôm – lúa, thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn, tôm – rừng là những khu vực đang được nhà nước đầu tư, nghiên cứu để nâng cao năng suất, chất lượng. Bên cạnh đó, ngành đã và đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai cấp mã số, cơ sở nuôi giúp truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, chúng ta đang hướng tới thương hiệu tôm hữu cơ chất lượng cao đang được nhiều thị trường tiềm năng hướng đến. Nếu nắm bắt và phát triển song song được những mô hình nuôi quảng canh, nuôi tôm hữu cơ với nuôi công nghệ cao, sẽ là lợi thế mạnh của chúng ta trong công cuộc thúc đẩy sự phát triển ngành tôm Việt Nam.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các ngành, địa phương thực hiện tốt kế hoạch sản xuất tôm nước lợ năm 2021. Chỉ đạo thực hiện tốt các quy định về điều kiện nuôi, đăng ký đối tượng nuôi chủ lực, triển khai các đề án, chương trình phê duyệt hiệu quả, tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi, đồng thời phục vụ công tác chỉ đạo sản suất nuôi trồng thủy sản bền vững.
Các ngành, địa phương cần quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống, vật tư thủy sản. Tăng cường ứng dụng KHCN mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; tích cực phối hợp xử lý, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tôm Việt Nam.

Phạm Huệ

 

Tin mới nhất

T3,03/12/2024