Ngành thức ăn thủy sản Trung Quốc: Tái định hình để thích ứng với kỷ nguyên nuôi trồng mới

[Người Nuôi Tôm] – Trong bối cảnh giá bán tại trại sụt giảm, chi phí thức ăn tăng cao và nhu cầu chuyển dịch sang các loài giá trị cao, ngành thức ăn thủy sản Trung Quốc đang trải qua một cuộc chuyển mình sâu rộng, buộc các doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ và tái cấu trúc toàn diện.

 

Ngành thức ăn thủy sản Trung Quốc đang hướng đến kỷ nguyên mới. Ảnh: ST 

 

Bức tranh ngành thủy sản Trung Quốc

Trung Quốc hiện là quốc gia sản xuất và tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, ngành nuôi trồng thủy sản tại quốc gia này đang đối mặt với nhiều biến động. Ông Liu, chuyên gia dinh dưỡng thức ăn thủy sản thuộc công ty Tongwei cho biết: “Thị trường Trung Quốc, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản, đã chứng kiến lợi nhuận từ nuôi cá sụt giảm mạnh. Trước đây, ngay cả vào mùa thấp điểm, cá vẫn có thể bán với giá 40 – 50 tệ/kg. Nay, mức giá thường không vượt quá 30 tệ”. Tại Tập đoàn Haid, ông Zhang, Trưởng phòng sản xuất cũng cho biết nông dân nuôi cá vược mõm lớn từng có thể thu được 20.000 tệ/mẫu, nhưng hiện nay, kể cả khi thu hoạch tốt cũng chỉ đạt 7.000 tệ, còn vụ xấu thì lỗ nặng. Biên lợi nhuận đang bị siết chặt.

Thức ăn chiếm đến 60 – 70% tổng chi phí nuôi, khiến người nuôi tìm kiếm giải pháp thức ăn hiệu quả hơn nhưng phải phù hợp túi tiền. Ông Liu nhận định: “Người nuôi cần loại thức ăn giúp tăng trưởng nhanh nhưng giá vẫn phải chấp nhận được, đó là yêu cầu lớn nhất của họ.” Không chỉ là bài toán kinh tế, cuộc chuyển mình còn mang yếu tố công nghệ. Khi kỹ thuật nuôi dần hoàn thiện, tỷ lệ sống cải thiện, mục tiêu chính là tối ưu hóa lợi nhuận. Theo ông Liu, điều này đồng nghĩa với việc cắt giảm chi phí trong thức ăn, quản lý trại và các khâu sản xuất khác.

Một yếu tố khác là thay đổi thị hiếu người tiêu dùng. “Sản lượng tiêu thụ các loài giá trị thấp đang giảm. Người tiêu dùng giờ đây ưu tiên các sản phẩm thủy sản cao cấp, ngon hơn, bổ dưỡng hơn.” Vì vậy, các doanh nghiệp đang tập trung chuyển đổi công thức và hướng đến các dòng sản phẩm dành cho loài đặc sản giá trị cao.

 

Doanh nghiệp ứng phó ra sao?

Theo đại diện Tập đoàn Haid, thời điểm hiện tại là bước ngoặt sống còn. “Không còn loài nào mang lại lợi nhuận lớn. Việc chuyển đổi là bắt buộc, chúng ta phải cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu suất. Giờ đây, vấn đề không chỉ là công thức thức ăn, mà là cả một nền tảng vận hành: từ chi phí nội bộ, mua nguyên liệu giá tốt, đến tận dụng dịch vụ tài chính để tối ưu hóa”, Ông Zhang nhấn mạnh. Còn tại Tongwei, trong hai năm qua, tập đoàn đã xây dựng hệ thống nhà máy thức ăn tiêu chuẩn hóa, tự động hóa và thông minh. “Từng đơn vị thành viên đều có xưởng sản xuất hiện đại, mọi quy trình từ chuỗi cung ứng đến hệ thống bán hàng đều được phát triển theo tiêu chuẩn số hóa.” – ông Liu nói.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng đang tăng tốc nâng cấp công nghệ. Ví dụ như Fujian Tianma Science and Technology Group, chuyên sản xuất thức ăn cho lươn, hiện đang mở rộng sang nhóm cá cao cấp như cá mú và cá hồng vàng. “Chúng tôi chuyên về thức ăn đặc dụng, thường có giá trên 10.000 tệ (1.400 USD)/tấn”, đại diện doanh nghiệp cho biết. Các doanh nghiệp bắt buộc phải đầu tư vào công nghệ và chất lượng sản phẩm nếu muốn tồn tại.

Tianma còn cải tiến công thức thức ăn cho ấu trùng lươn, loại bỏ giun đỏ truyền thống, thay bằng thức ăn tổng hợp hoàn chỉnh. Ngoài ra, họ cũng đang nghiên cứu giảm lượng photpho thải ra môi trường. “Nước thải trong nuôi trồng thủy sản thường chứa photpho cao, đòi hỏi xử lý bằng hóa chất. Chúng tôi đang thử nghiệm công thức giúp giảm phát thải ngay từ nguồn.”

 

RAS – Bước nhảy vọt trong nuôi tôm Trung Quốc

Trung Quốc hiện sản xuất khoảng 1,5 đến 2,5 triệu tấn tôm mỗi năm. “Nhu cầu vẫn đang tăng mạnh, người nuôi chuyển từ cá sang tôm vì lợi nhuận cao hơn”, ông Liu nhận định. Tuy nhiên, nuôi tôm đòi hỏi chất lượng nước biển cao và kiểm soát bệnh nghiêm ngặt. Nhiều vùng nuôi truyền thống không còn phù hợp do ô nhiễm, thiếu đất hoặc bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Trước thực trạng đó, Tongwei đã đầu tư lớn vào hệ thống nuôi tuần hoàn trong nhà (RAS). “Mô hình nhà máy nuôi tôm” này sử dụng bể xi măng, mật độ nuôi cao, tái sử dụng nước đã xử lý, giảm thiểu ô nhiễm và tiết kiệm tài nguyên. “Hệ thống này là tương lai của nuôi tôm”, ông Liu cho biết thêm.

 

Tương lai đầy triển vọng

Dù đang đối mặt với nhiều thách thức, triển vọng dài hạn của ngành vẫn rất tích cực. Theo đại diện Tianma Tech: “Nuôi trồng thủy sản vẫn sẽ tăng trưởng , đây là nguồn cung protein chất lượng cao thiết yếu. Trong khi nhu cầu thức ăn cho heo và gia cầm chững lại, thì thức ăn thủy sản, đặc biệt là cho loài đặc sản lại tăng mạnh.”

Nhìn chung, thành công trong giai đoạn tới của ngành thủy sản Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, và khả năng thích ứng với nhu cầu thị trường biến động. Những doanh nghiệp tiên phong trong xu thế này sẽ giữ vai trò dẫn dắt ngành thủy sản toàn cầu bước vào chương tiếp theo.

Trần My (theo aquafeed)

Tin mới nhất

T3,13/05/2025