Nam Định: Những sáng kiến kỹ thuật hiệu quả trong nuôi thủy sản

Những năm qua, nuôi thủy sản đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, nghề nuôi thủy sản cũng gặp không ít khó khăn như: Điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp dịch bệnh xuất hiện thường xuyên gây thiệt hại lớn; giá cả biến động khó lường… đã gây trở ngại trong đầu tư và mở rộng sản xuất. Qua Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Nam Định lần thứ VII (2018-2019) đã có một số đề tài sáng kiến nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật được thực hiện góp phần nâng cao hiệu quả trong nuôi thủy sản.

 

Sáng kiến “Sử dụng nguồn thức ăn tự chế cho cá bống bớp giống thay thế nguồn thức ăn tự nhiên để tăng tỷ lệ sống cho cá bống bớp và tăng hiệu quả kinh tế” được áp dụng tại một cơ sở sản xuất giống cá bống bớp ở thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng). Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Để tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu thiệt hại kinh tế và rủi ro cho các cơ sở sản xuất cá bống bớp giống, giữ ổn định môi trường, không hủy hoại thủy sinh có ích trong thủy vực khi sử dụng nguồn thức ăn truyền thống, nhóm tác giả Trần Văn Kỳ, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Sở NN và PTNT); Nguyễn Văn Thiên, Trạm Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản huyện Nghĩa Hưng và Nguyễn Ngọc Tuyên, đội 10, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) đã nghiên cứu thực hiện sáng kiến “Sử dụng nguồn thức ăn tự chế cho cá bống bớp giống thay thế nguồn thức ăn tự nhiên để tăng tỷ lệ sống cho cá bống bớp và tăng hiệu quả kinh tế”. Trước khi áp dụng sáng kiến, các cơ sở sản xuất giống thường sử dụng thức ăn cho cá giống là luân trùng (một loại vi sinh vật làm thức ăn cho cá con), artemia. Phương pháp này có ưu điểm là chủ động cho ăn vào các thời điểm trong ngày, định lượng chuẩn để tránh lãng phí thức ăn dư thừa. Tuy nhiên nhược điểm là khi nuôi luân trùng thì môi trường nước bắt buộc phải gây màu bằng phân đạm, lân, kali, phân chuồng… khiến cho môi trường nước nuôi cá con bị ô nhiễm gián tiếp, gây bệnh trực tiếp cho cá con còn non chưa có sức đề kháng, đặc biệt là giá thành sản xuất cao dẫn đến giá con giống bán ra cao. Nhóm tác giả đã nghiên cứu, tự chế biến thức ăn cho cá bống bớp bằng các loại cá tạp (rửa sạch, hấp chín, bỏ xương); moi tươi, trứng vịt hấp chín xay nhuyễn trộn cám gạo, lược qua rây cho cá bống bớp 10 ngày tuổi ăn. Theo hạch toán kinh tế của một số cơ sở sản xuất giống, sử dụng thức ăn tự chế biến tiền lãi sản xuất 1 vạn con giống cá bống bớp sẽ đạt trên 6,2 triệu đồng, cao hơn 2 triệu đồng so với sử dụng nguồn thức ăn khác. Ông Nguyễn Văn Sơn, xã Nghĩa Lợi cho biết: sử dụng nguồn thức ăn tự chế không những tận dụng được nguồn nguyên liệu giá rẻ, sẵn có tại địa phương mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2019 cơ sở của ông đã sản xuất ra 2 tỷ con cá bống bớp giống, sử dụng thức ăn tự chế cho lãi chênh lệch trên 400 triệu đồng so với phương pháp truyền thống trước đó.

Hiện nay, ở nhiều địa phương trong tỉnh đã xuất hiện các mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Tuy nhiên đi liền với năng suất tăng, giá trị kinh tế lớn là việc ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do nhiều cơ sở, doanh nghiệp chỉ chú tâm vào phát triển kinh tế mà “quên đi” công tác bảo vệ môi trường. Việc vận hành sử dụng các công trình xử lý chất thải và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường không triệt để gây nguy cơ ô nhiễm hữu cơ cho nguồn nước xung quanh. Trước tình hình trên, nhóm tác giả Trần Ngọc Hải Bình, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản và Đỗ Văn Tiến, Trung tâm Giống thủy đặc sản tỉnh (Sở NN và PTNT) đã hợp tác nghiên cứu giải pháp “Thiết kế cao trình đáy ao phù hợp để thu gom chất thải của tôm bằng dụng cụ xi phông đáy, giảm ô nhiễm nguồn nước, cải thiện chất lượng nước nuôi tôm”. Mô hình được thực hiện tại xã Giao Long (Giao Thủy) với các ao nuôi được áp dụng hệ thống lọc nước ngược tiên tiến, việc xử lý chất thải tại ao nuôi tôm bố trí 13/27 ao lắng để lắng lọc nước thải trước khi xả ra môi trường qua đường ống bê tông trước khi thoát ra biển. Việc xử lý môi trường ao nuôi đảm bảo khiến chất lượng nguồn nước cấp toàn vùng đảm bảo, không ô nhiễm môi trường, làm hạn chế dịch bệnh lây lan, bùng phát tại khu vực quy hoạch nuôi thủy sản, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Mô hình còn giúp cơ sở thực hiện nuôi tôm siêu thâm canh mỗi năm 3 vụ, lãi 15 tỷ đồng/ha/năm. Ngoài 2 sáng kiến trên, Hội thi còn một số sáng kiến kỹ thuật đã khẳng định hiệu quả thực tiễn trong lĩnh vực thủy sản khác, tiêu biểu như đề tài “Thiết kế dụng cụ vận chuyển cá bống bớp không cần nước và ô-xy, giữ cá sống từ 3-5 ngày trong điều kiện khắc nghiệt” của anh Nguyễn Văn Sơn, khu 6, thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) có ưu điểm vận chuyển số lượng cá lớn, tiết kiệm chi phí 32 tỷ đồng cho 1.000 tấn cá so với phương pháp dưỡng cá trong bể truyền thống. Giải pháp “Áp dụng kỹ thuật lọc nước sinh học cho hồ nuôi thủy sản” của tác giả Đào Thu Hiền, HTX nuôi trồng thủy sản Đại Dương, xã Giao Xuân (Giao Thủy) cũng giúp cho các cơ sở nuôi thủy sản đạt năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm diện tích và không gây ô nhiễm môi trường…

Trên đây là các sáng kiến nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật được Ban tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VII (2018-2019) đánh giá cao, lựa chọn và trao giải. Mong muốn của các tác giả, nhóm tác giả là được các cấp, các ngành hỗ trợ để hoàn thiện các sáng kiến và có thể ứng dụng ra diện rộng giúp người dân tận dụng tối đa diện tích mặt nước hiện có để tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống và phát triển bền vững nuôi thủy sản./.

Nguồn tin: Báo Nam Định