Mỹ kiện 4 ‘cường quốc’ tôm, nguy cơ của tôm Việt lớn cỡ nào?

Các nhà chế biến tôm của Mỹ lại khởi kiện chống trợ cấp với tôm Việt Nam và tôm từ Ecuador, Indonesia, Ấn Độ. Điều này đang gây lo ngại lớn cho thị trường tôm thế giới và Việt Nam.

Thế mạnh của Việt Nam là sản phẩm tôm giá trị gia tăng, nguy cơ sẽ bị các sản phẩm tôm giá rẻ cạnh tranh quyết liệt ở các thị trường khác nếu Mỹ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với tôm với các nước bị kiện

Lo bị đánh thuế ít

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Vào thời điểm cuối tháng 10, Hiệp hội các nhà chế biến tôm Mỹ (ASPA) vừa nộp đơn lên Bộ Thương mại nước này (DOC) khởi kiện chống bán phá giá với tôm từ Ecuador và Indonesia; đồng thời cũng khởi kiện chống trợ cấp (CVD) với tôm từ Ecuador, Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam. Đây đều là các “cường quốc” hàng đầu thế giới trong ngành tôm.

Dẫn câu chuyện 8 năm trước, người Mỹ đã từng kiện chống bán phá giá đối với tôm Việt, TS Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch VASEP nhớ lại, kết quả là các cơ quan chức năng của Chính phủ ta đã chứng minh hoạt động ngành tôm Việt là sự chủ động của các chủ thể tham gia. Chính phủ chỉ hỗ trợ định hướng, chiến lược, chủ trương, cơ sở hạ tầng… và phía cơ quan chức năng Mỹ kết luận là tôm Việt không hưởng trợ cấp, nên vụ kiện bị hủy.

Hiện nay, tôm Ấn Độ và tôm Việt vẫn còn bị thuế chống bán phá giá với vụ kiện của nguyên đơn từ cuối năm 2003. Tuy nhiên mức thuế của các doanh nghiệp tôm Việt là 0% và của Ấn Độ là 3,88%. Cũng tại thời điểm này, tôm Ấn Độ chiếm thị phần cao nhất tại Mỹ với khoảng 37%, tôm Ecuador vươn lên thứ nhì với trên 20% cao hơn đôi chút so với tôm Indonesia, Việt Nam chỉ đạt khoảng 8%.

Tôm Việt chiếm thị phần khiêm tốn là do tôm từ 3 nước kia có giá bán rất thấp còn tôm Việt chủ yếu là các sản phẩm chế biến hàng giá trị gia tăng. Đây cũng là lý do tại sao các luật sư của nguyên đơn phía ASPA đã tạm tính thuế chống bán phá giá tôm từ Ecuador tới 111% và tôm Indonesia là 37%.

Ông Lực dự báo, vụ kiện CVD sẽ có kết quả ổn thỏa. Tuy nhiên, dự phòng xa là điều hết sức cần thiết. Ngay trong tuần qua, VASEP đã họp các doanh nghiệp tôm tham gia thị trường Mỹ và nhờ hãng luật tư vấn, các doanh nghiệp này sẽ trả lời các nội dung cần thiết để hãng luật sớm có đối sách cho hoạt động bảo vệ quyền lợi.

Lo cạnh tranh với tôm giá rẻ nhiều

Theo TS Lực, cần tập trung xem xét tác động từ vụ kiện bán phá giá, nếu xảy ra. Mức thuế chống bán phá giá cho tôm Ecuador và Indonesia sẽ được DOC công bố tạm tính chưa biết là bao nhiêu nhưng với giá tiêu thụ tôm của các bị đơn này rất thấp nên mức thuế sẽ là con số không nhỏ. Giả sử tôm Ecuador bị thuế chỉ khoảng 30% và tôm Indonesia khoảng 10% cũng sẽ gây lỗ lớn cho các doanh nghiệp tôm hai nước này nếu bởi tỷ suất lợi nhuận ngành tôm dưới 5%. Khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của hai nước này sẽ phải chuyển hướng thị trường sang EU, Trung Quốc, Nhật Bản… Lúc đó, tôm Việt sẽ bị cạnh tranh quyết liệt ở tất cả các thị trường trên quy mô toàn cầu. Đây là vấn đề đáng lo ngại nhất.

Chí Nhân

Nguồn: thanhnien.vn

Tin mới nhất

T6,22/11/2024