Liên kết chuỗi chặt chẽ, chớp cơ hội thị trường

Bước sang quý II/2023, thị trường xuất khẩu tôm có dấu hiệu phục hồi, doanh nghiệp đề ra nhiều giải pháp giúp người nuôi duy trì sản xuất, tránh thiếu hụt nguồn tôm nguyên liệu.

Đảm bảo sản xuất, chờ tín hiệu tốt từ thị trường

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2023 xuất khẩu tôm sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn về thị trường tiêu thụ, nguyên nhân đến từ các yếu tố ảnh hưởng lạm phát toàn cầu.

Điều này dẫn đến nhu cầu của các nước nhập khẩu giảm, kéo theo lượng hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm tăng cao. Đây là những thách thức không thể giải quyết ở khía cạnh một địa phương, một doanh nghiệp mà cần sự hợp sức của toàn ngành kinh tế tôm Việt Nam.

Năm 2023, ngành tôm sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn về thị trường tiêu thụ, nhu cầu của các nước nhập khẩu giảm. Ảnh: Kim Anh.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP phân tích, hàng năm Việt Nam sản xuất hơn 1 triệu tấn tôm nguyên liệu cho tiêu dùng trong nước và chế biến xuất khẩu, một con số không nhỏ so với thế giới. Thế nhưng tỷ lệ thành công lại thấp, chỉ chiếm khoảng 40%.

Thả con giống, sau 1 tháng nuôi nếu không thành công phải bỏ, thả nuôi lại con giống mới, thứ nhất vấn đề thời gian, thứ hai là chi phí. Ông Hòe cho rằng, vấn đề cốt lõi vẫn là chất lượng con giống ban đầu, để trong giai đoạn ngành tôm “vừa chạy, vừa xếp hàng” như hiện nay vẫn duy trì sản xuất và giữ được mức giá hợp lý.

Hiện nay các đối thủ cạnh tranh với ngành tôm Việt Nam trên thế giới như: Ecuador, Ấn Độ, nhờ có vùng nuôi tập trung, các quốc gia này đã kiểm soát tốt được dịch bệnh trên tôm nuôi, truy xuất được nguồn gốc, ứng dụng khoa học kỹ thuật và quản lý tốt chi phí đầu tư mỗi vụ nuôi. Trong khi đó, khả năng chế biến tôm của Việt Nam cao hơn nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng vẫn xếp sau bởi yếu tố giá thành sản xuất.

Chuyên gia Trần Hữu Lộc, Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh ước tính, mô hình nuôi tôm ao lót bạt của nước ta có mật độ thả nuôi trung bình từ 250 – 300 con/m2. Với mật độ nuôi cao khiến tôm dễ phát sinh dịch bệnh, bị stress và cuối cùng đẩy giá thành nuôi lên cao.

Ông Lộc dẫn chứng, hiện nay chi phí để sản xuất một kilôgam tôm (loại 50 con/kg) của Việt Nam ở mức từ 3,5 – 4,2 USD/kg, trong khi đó tại Ecuador chỉ từ 2,2 – 2,4 USD/kg, còn Ấn Độ là 2,7- 3,0 USD/kg.

Về giá thành thức ăn, làm thế nào để hộ nuôi tôm ở quy mô nhỏ lẻ nhưng có thể tiếp cận được giá thành hợp lý. Tâm lý của bà con nuôi tôm hiện nay, mong muốn tăng năng suất và giá bán nhiều hơn là quan tâm đến vấn đề tối ưu hóa giá thành sản xuất. Để giải quyết những thách thức này, trước hết phải tìm ra các yếu tố làm cho giá thành sản xuất tôm tăng lên, trên cơ sở đó giải quyết dần.

Theo ông Hoè, hiện trong tổng số 5,5 tỷ USD tôm chế biến được các nước trên thế giới nhập khẩu, Việt Nam đã chiếm đến 1,5 tỷ USD, cao nhất trong các nước xuất khẩu lớn hiện nay như: Ecuador, Ấn Độ, Trung Quốc. Điều này chứng tỏ, trình độ chế biến của Việt Nam đáp ứng được, việc tính toán bài toán giảm giá thành sản xuất là vấn đề then chốt để ngành tôm Việt đủ lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong dài hạn.

Hàng năm Việt Nam sản xuất hơn 1 triệu tấn tôm nguyên liệu cho tiêu dùng trong nước và chế biến xuất khẩu. Ảnh: Văn Vũ.

Việt Nam là quốc gia có lợi thế về sản phẩm giá trị gia tăng, nói cách khác con tôm Việt có thể bán được với giá tốt hơn trên thị trường quốc tế. Trong bối cảnh giá thành các loại vật tư cho nuôi tôm có xu hướng tăng do ảnh hưởng của kinh tế thế giới, bà con nuôi tôm có tâm lý e ngại không thả tiếp cho mùa vụ sắp tới.

Lãnh đạo VASEP nhận định, để sản xuất một vụ tôm trung bình khoảng 4 tháng và đến tháng 7, tháng 8 tới nếu thị trường phục hồi, thiếu hụt nguồn tôm nguyên liệu sẽ khiến cho ngành tôm gặp nhiều khó khăn. Vấn đề của ngành tôm hiện nay, cần có một sự sát cánh, liên kết chuỗi hết sức chặt chẽ, để không bị mất cơ hội khi thị trường quay lại. Ông Trương Đình Hòe, tin tưởng, mặt hàng tôm vẫn là sản phẩm được ưa thích, nguồn thực phẩm tốt cho thị trường, chắc chắn người tiêu dùng vẫn có nhu cầu.

Khi nào thị trường khởi sắc?

Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (CleanFood) trụ sở tại Khu công nghiệp An Nghiệp, tỉnh Sóc Trăng là một trong những doanh nghiệp lớn về nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm tôm được chế biến và xuất khẩu của doanh nghiệp hiện đã có mặt ở các kênh bán lẻ và dịch vụ thực phẩm ở Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ,…

Để duy trì nguồn cung nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu, doanh nghiệp đã xây dựng những vùng nông trại bền vững, được chứng nhận BAP và ASC với sản lượng thu hoạch hàng năm khoảng 4.000 tấn, bên cạnh việc thu mua trực tiếp 100% sản phẩm từ nông dân.

Ông Võ Văn Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam CleanFood, bày tỏ mong muốn có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được tiếp cận vốn tín dụng lãi suất thấp để dự trữ nguyên liệu. Ảnh: Kim Anh.

Tuy nhiên, kể từ quý IV/2022 đến hết quý I/2023 sức mua toàn cầu suy giảm nghiêm trọng, nguồn cung mặt hàng tôm đã vượt cầu, dẫn đến giá tôm sụt giảm mạnh, doanh nghiệp “nằm” trong tư thế phải bán giá thấp để tồn tại.

Bước qua quý II/2023 tình hình đã được cải thiện tương đối, khởi sắc hơn, ông Võ Văn Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CleanFood, để duy trì sản xuất, chờ đợi thị trường trước khó khăn chung, doanh nghiệp đã cắt giảm một số chi phí không cần thiết, sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả hơn. Tuy nhiên với những chi phí thuộc phạm vi nhà nước như: Phí đóng bảo hiểm, phí công đoàn… trở thành khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.

Theo ông Phúc, hiện nay, 60 – 70% hộ nuôi ở Việt Nam là nuôi nhỏ lẻ, chưa đủ nguồn lực tài chính và nhân lực để áp dụng công nghệ cao, tăng thu nhập. Việc giá tôm xuống thấp, sẽ khiến hộ nuôi bị lỗ, khó trụ vững trong thời gian tới. Vì thế nếu có những chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp, người nuôi tôm tiếp cận được vốn tín dụng lãi suất thấp sẽ tạo cơ hội doanh nghiệp tăng thu mua dự trữ nguyên liệu để sản xuất, duy trì mức giá thu mua tôm ổn định để người nuôi tiếp tục duy trì sản xuất trong vụ sau.

Công ty CleanFood, phải cắt giảm nhiều chi phí, nâng cao hiệu quả nguồn nhân lực trong bối cảnh khó khăn chung toàn ngành tôm. Ảnh: Văn Vũ.

Dự báo khó khăn cho ngành tôm sẽ còn kéo dài, ông Phục đưa ra kiến nghị, Bộ NN-PTNT xem xét, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp thu mua tôm trong nước với mức giá bà con chấp nhận được. Đồng thời, điều chỉnh hạn ngạch nhập khẩu tôm, có thể ở mức 30-40% thay vì hiện nay nhiều doanh nghiệp sử dụng hạn ngạch từ 70 – 80% để mua nguyên liệu nhập khẩu, điều này sẽ khiến người nuôi tôm trong nước lao đao, không muốn tái đầu tư, xa hơn là không tạo được đột phá cho ngành tôm trong nước.

Một băn khoăn lớn mà lãnh đạo CleanFood bày tỏ, đó là chính sách đất đai chưa phù hợp. Hiện nay doanh nghiệp muốn đầu tư vùng nuôi trồng quy mô lớn lên đến khoảng 300ha để phục vụ xuất khẩu, nhưng lại rất khó thực hiện được. Bởi theo quy định của Luật Đất đai 2013, cá nhân chỉ được quyền sử dụng đất nuôi trồng thủy sản không quá 30ha.

“Nếu doanh nghiệp đứng ra thực hiện thủ tục mua đất lại có quy định cực kỳ vô lý là doanh nghiệp không được quyền sử dụng đất mà phải hiến lại cho nhà nước và nhà nước thực hiện cho doanh nghiệp thuê lại. Khi thực hiện thủ tục vay vốn, thế chấp tại một số ngân hàng, giá trị rất thấp, vấn đề thanh khoản thủ tục rất nhiêu khê”, ông Phục nêu ra khó khăn.

Ông Phục cho rằng để khuyến khích doanh nghiệp tập trung sản xuất quy mô lớn cần xem xét thay đổi chính sách hạn điền, với hạn lượng đất quá nhỏ, doanh nghiệp khó lòng sản xuất lớn, không thể cạnh tranh với các quốc gia khác.

Kim Anh – Văn Vũ

Nongnghiep.vn

Tin mới nhất

T6,22/11/2024