Ký kết quy chế phối hợp trong quản lý giống tôm nước lợ

[Người Nuôi Tôm] – Ngày 11/3/2022, tại tỉnh Sóc Trăng, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau ký quy chế phối hợp trong quản lý giống tôm nước lợ năm 2022.

 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân và lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng đã chủ trì Lễ ký kết.

Tham dự lễ ký quy chế còn có đại diện lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản một số tỉnh/thành phố sản xuất và tiêu thụ tôm giống trọng điểm, đại diện Hiệp hội, các doanh nghiệp sản xuất tôm giống cùng các phóng viên báo đài đã đến tham dự và đưa tin.

Các tỉnh ven biển ký kết quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ

Năm 2021 sản lượng tôm nuôi các loại đạt 970 nghìn tấn, tăng 4,3 % so với năm 2020, trong đó sản lượng tôm nước lợ đạt 920 nghìn tấn, với diện tích nuôi tôm nước lợ (tôm sú và tôm thẻ chân trắng) khoảng 746.000ha, nhu cầu tôm giống khoảng 140-150 tỷ con. Trong đó 100-110 tỷ giống tôm thẻ chân trắng và 30-40 tỷ giống tôm sú. Số lượng tôm bố mẹ cần để sản xuất tôm giống là 250.000 con (200.000 tôm thẻ chân trắng và 50.000 tôm sú).

Năm 2021, cả nước có 2.063 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ; sản lượng tôm giống ước đạt 144,5 tỷ con.

Trong thời gian qua, ngành tôm luôn chủ động nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu, sẵn sàng phục vụ sản xuất giống trong nước với số lượng nhập khẩu duy trì hàng năm gần 200.000 con tôm bố mẹ chân trắng. Tôm thẻ chân trắng bố mẹ được nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ và Thái Lan. Trong đó, tôm nhập khẩu từ Công ty SIS – Mỹ chiếm 53,5%; Công ty CP – Thái Lan chiếm 20,1%, còn lại là các đơn vị cung cấp khác (Công ty Conabay; Oceanic Institute of Hawaii Pacific University; Top Aqua; American Penaeid; SyAqua; Molokai Sea Farms…) chiếm 26,4%;

Số lượng tôm bố mẹ nhập khẩu ngày càng giảm, do nguồn trong nước ngày một củng cố, phát triển với sự tham gia của các doanh nghiệp, nhà nước tăng cường nguồn lực nghiên cứu cho các Viện nghiên cứu.

Bên cạnh đó, tôm sú ngoài nguồn cung cấp từ tự nhiên, một phần từ Viện Nghiên cứu NTTS I và Công ty TNHH Moana Ninh Thuận phối hợp nghiên cứu, sản xuất, một phần được nhập khẩu khoảng 5.000 con tôm bố mẹ. Giai đoạn 2022-2030, từ chương trình giống tăng cường đầu tư phát triển nghiên cứu giống tôm sú sạch bệnh sẽ làm tăng thêm phần chủ động nguồn tôm sú bố mẹ cung cấp cho sản xuất trong nước. Tôm thẻ chân trắng trong nước Công ty Việt – Úc sản xuất được khoảng 20.000 con và cung cấp cho nhu cầu của Công ty; đối với tôm sú, Công ty TNHH Moana Ninh Thuận nhập khẩu tôm Postlave từ Hawaii về ương dưỡng thành tôm bố mẹ. Năm 2020, Công ty sản xuất được cung cấp được 21.000 con, đáp ứng được 42% nhu cầu.

 

Phát biểu tại Lễ ký quy chế phối hợp, Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho rằng hiện nay các cơ sở sản xuất tôm giống vẫn còn nhỏ lẻ, điều này dẫn đến khó kiểm soát và chưa nâng tầm được quy mô sản xuất. Do đó, cần có quy định yêu cầu về quy mô sản xuất của các cơ sở sản xuất tôm giống. Mặt khác, cần tập trung kiểm soát chất lượng tôm giống ngay tại cơ sở sản xuất.

Tại buổi Lễ ký quy chế phối hợp, các bên đã thống nhất các nguyên tắc trong quy chế phối hợp, theo đó, vào đầu vụ nuôi, bên tiêu thụ thông báo khung lịch mùa vụ thả giống trên địa bàn tỉnh và nhu cầu tôm giống cho bên sản xuất.

Bên tiêu thụ phát hiện tôm giống tại cơ sở nuôi có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng như tôm chậm lớn, tôm bị nhiễm các bệnh nguy hiểm trong giai đoạn đầu thả nuôi thì thông báo cho Bên sản xuất để xem xét, xác minh và truy xuất nguồn gốc tôm giống.

Trong quá trình quản lý, nếu phát hiện vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh giống tôm nước lợ thì các Bên thông tin cho nhau, phối hợp xử lý theo quy định và báo cáo về Tổng cục Thuỷ sản. Trường hợp không thuộc thẩm quyền quản lý, các Bên báo cáo cho Tổng cục Thủy sản để phối hợp với cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

Các Bên thường xuyên trao đổi về kinh nghiệm trong quản lý giống tôm nước lợ và thông tin những mô hình sản xuất tôm giống có hiệu quả.

Tổng cục Thủy sản phối hợp với Cục Thú y công khai số lượng và điều kiện cơ sở sản xuất giống thủy sản bố mẹ; công khai số lượng tôm nước lợ nhập khẩu, cơ sở nhập khẩu.

Tổng cục Thuỷ sản tổ chức hướng dẫn cho các địa phương về nghiệp vụ quản lý, kiểm tra cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; tổ chức kiểm tra, truy xuất nguồn gốc và xử lý vi phạm liên quan đến điều kiện cơ sở, chất lượng giống thủy sản theo phân công và phân cấp.

Phạm Huệ

 

Tin mới nhất

T6,22/11/2024