Kiểm soát rủi ro khi nuôi tôm độ mặn thấp

Các vấn đề thường gặp khi nuôi tôm độ mặn thấp và biện pháp khắc phục.

Nuôi tôm độ mặn thấp thường gặp nhiều rủi ro

Tôm thẻ có thể sống trong môi trường có độ mặn từ 0 đến 40‰, tuy nhiên, tôm phát triển tốt trong môi trường có độ mặn từ 10 đến 25‰. Khi nuôi ở độ mặn dưới 10‰, được gọi là môi trường có độ mặn thấp.

Một số khó khăn chủ yếu trong môi trường được đề cập trong bài viết này bao gồm việc thuần tôm, hạ độ mặn đột ngột, giữa các mức hạ độ mặn chênh lệch cao, trong thời gian ngắn, gây sốc cho tôm postlarvae, ảnh hưởng đến phát triển, tỷ lệ sống.

Nói đơn giản, khi ương tôm, nuôi tôm độ mặn thấp thì các ion kim loại quan trọng cần cho sự phát triển của tôm như Na+, Mg2+, Ca2+, K+, …có hàm lượng trong nước rất thấp.

Một vấn đề khác, thường trong nước biển, tỷ lệ Na:K là 28:1, tỷ lệ Mg:Ca là 3,1:1, ở các tỷ lệ trên, đảm bảo sự phát triển các sinh vật sống trong môi trường như tôm thẻ chân trắng phát triển tốt. Tuy nhiên, trong môi trường độ mặn thấp, tỷ lệ trên thay đổi. Điều này, gây ảnh hưởng bất lợi cho tôm nuôi. Thường gặp các vấn đề trong ao như khó lột xác, chậm lớn, mềm vỏ, đốm đen…


Mềm vỏ là vấn đề thường gặp trong nuôi tôm độ mặm thấp. ẢNh: Tepbac.

Chênh lệch nhiệt độ là khó khăn tiếp theo, ảnh hưởng đến hiệu quả mô hình ương, nuôi. Chênh lêch nhiệt độ quá lớn (≥ 30C) gây sốc cho tôm rất lớn, ảnh hưởng đến tăng trưởng và tỷ lệ sống. Hoà tan oxy trong nước (DO) để tôm thẻ chân trắng phát triển tốt ≥ 5 mg/lít. Độ mặn thấp, nhiệt độ tăng cao, hoà tan oxy trong nước giảm dần. Quá trình quang hợp, hô hấp, của tảo trong ao, cũng làm biến động oxy trong ao nuôi. Khi oxy trong nước giảm, sẽ làm giới hạn trao đổi chất của tôm. pH trong môi trường nuôi tôm độ mặn thấp thường biến động liên tục, do mất cân đối giữa độ cứng và độ kềm, thường tổng kiềm (lượng bicarbonate và cacbonat trong nước) vượt quá độ cứng của nước (lượng canxi và magiê trong nước). Sự chênh lệch này gây sốc cho tôm ương, nuôi, ảnh hưởng đến tỷ lệ sống, lột xác và gây ảnh hưởng yếu tố môi trường khác. Mặt khác, khi pH biến động theo chiều tăng cao, kết hợp nhiệt độ môi trường tăng cao, khí độc trong ao như NH3, NO2 cũng tăng theo.

Khắc phục hạn chế khi nuôi tôm độ mặn thấp

Từ những khó khăn trên, chúng tôi khuyến cáo bà con một số biện pháp khắc phục, hạn chế, với mong muốn giảm thiệt hại, rủi ro thấp nhất. Việc hạ độ mặn, bà con nên tiến hành với từng mức hạ ngắn, trong thời gian dài. Từ độ mặn 32‰ trong trại giống, xuống mức hạ sau cùng 0,5‰, trải qua 6 mức hạ: 16; 8; 4; 2; 1; 0,5‰, với mỗi mức hạ tiến hành trong 8 giờ. Đảm bảo mức hạ độ mặn cho mỗi giờ giảm từ 2‰ và lần lượt tiếp theo 1; 0,5; 0,25; 0,125; 0,063 ‰ để tôm đủ thời gian thích ứng từ từ, hạn chế tối đa sốc độ mặn.

Nuôi tôm độ mặn thấp, người nuôi cần chủ động kiểm tra, bổ sung thường xuyên khoáng chất có thành phần Na+, Mg2+, Ca2+, K+…đảm bảo tôm phát triển. Hỗ trợ bón thêm muối hột, hạn chế độc tính NO2 tăng cao.

Ổn định nhiệt độ môi trường nuôi bằng việc xây dựng hệ thống mái che bằng lưới lan, tôn nhựa sáng – tối. Mái che thiết kế mái bằng, đặc biệt mái che hình chóp, hình nón, giúp ổn định nhiệt độ, lưu thông không khí. Nhiệt độ tốt nhất để tôm thẻ chân trắng phát triển trong khoảng 28 – 320C. Ổn định nhiệt độ, tăng cường oxy thông qua quạt nước, sục khí cho ao nuôi, dùng chế phẩm sinh học, hoá chất, khống chế mật độ tảo trong ao. Dùng oxy hạt 2Na2CO3.3H2O2 bón ban đêm, tăng hàm lượng oxy cho ao.


Cần xây dựng hệ thống mái che để ổn định nhiệt độ cho ao nuôi. Ảnh: Tepbac.

Trong nuôi tôm thẻ chân trắng độ mặn thấp, độ kiềm tốt nhất ≥ 100 ppm, độ cứng tốt nhất ≥ 150 ppm. Hạn chế biến động pH do sự chênh lệch độ kiềm và độ cứng, điều chỉnh bằng cách thêm thạch cao (calcium sulfate = CaSO4).

Một phương pháp khác giảm nhanh pH cao là ứng dụng phèn nhôm (aluminum sulfate). Đây là một hóa chất an toàn, khá rẻ tiền phản ứng trong nước để tạo thành một axit. Ngoài mục đích giảm pH, phèn cũng kết tủa và giúp loại bỏ tảo bằng cách lắng đọng, do đó làm giảm sinh khối tảo và giảm quang hợp. Phèn cũng có thể giúp giảm pH gián tiếp bằng cách loại bỏ phosphor- một chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển của thực vật. Liều dùng phèn nhôm 5-10 kg/1.000m3 nước ao. Ổn định pH trong ao nuôi trong khoảng 7,5 – 8,3 theo phương pháp trên, cùng việc ổn định nhiệt độ, nhằm hạn chế khí độc tăng cao, gây hại cho tôm.

Bên cạnh đó, thay nước, dùng zeolite, yucca, chế phẩm sinh học có thành phần Bacillus, Nitrosomonas, Nitrobacteria…giúp hạn chế khí độc trong ao.

Trong nuôi tôm độ mặn thấp, ngoài những khó khăn từ môi trường đã đề cập trên, còn nhiều vấn đề khác ảnh hưởng không nhỏ đến thành công mô hình như dinh dưỡng, dịch bệnh, chăm sóc, quản lý… Để hạn chế thấp nhất rủi ro phát sinh trong quá trình nuôi, chúng tôi hy vọng bà con dành nhiều thời gian tìm hiểu, quan sát mô hình, học hỏi những người nuôi thành công xung quanh, cập nhật kiến thức thực tế được chia sẻ từ các trang kỹ thuật uy tín…Đầu tư mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tốn nhiều chi phí, thời gian, công sức,.. người nuôi cần trang bị kiến thức cần thiết liên quan, cập nhật liên tục kiến thức mới. Từ đó, phát triển mô hình nuôi theo hướng bền vững, ổn định trong quá trình nuôi, cho hiệu quả cao khi kết thúc mô hình.

Lý Vĩnh Phước

Nguồn tin: Thủy sản Tép Bạc

Tin mới nhất

T6,22/11/2024