Khánh Hòa: Khan hiếm giống tôm hùm xanh

Con giống tôm hùm xanh phục vụ nuôi tôm hùm thương phẩm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ các nước trong khu vực. Hiện nay, nghề nuôi tôm hùm xanh thương phẩm đang bị gián đoạn do khan hiếm con giống.

Không có giống để thả nuôi

Thu hoạch tôm hùm xanh đã nhiều tháng nay nhưng ông Ninh Văn Tuyền – người nuôi tôm hùm lồng tại khu vực xã Cam Lập (TP. Cam Ranh) vẫn không tìm được con giống tôm hùm xanh để thả nuôi. “Gia đình tôi có 500 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm, nuôi theo kiểu gối đầu, thu lượt này xong lại thả tiếp lượt khác. Trước đây, chúng tôi nuôi 50% tôm hùm bông, 50% tôm hùm xanh nhưng tôm hùm bông ngày càng tiêu thụ khó khăn nên chuyển dần sang nuôi tôm hùm xanh. Cuối năm 2023, chúng tôi xuất bán lứa tôm khoảng 100 lồng, vệ sinh lồng xong nhưng tìm mãi vẫn không có giống để thả nuôi nên vẫn đang để lồng trống. Các hộ nuôi tôm hùm xanh tại TP. Cam Ranh đều chung cảnh thiếu giống để thả nuôi từ nhiều tháng nay, đành chấp nhận treo lồng”, ông Tuyền cho biết.

Người nuôi tôm hùm tại xã Cam Lập kéo lồng vào bờ vệ sinh, chưa tiếp tục thả nuôi do con giống khan hiếm.

Qua nắm bắt của Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, trên địa bàn huyện có khoảng 37.000 lồng nuôi tôm. Trước đây, tôm hùm bông là đối tượng nuôi chủ lực của người dân. Thời gian qua, tôm hùm bông khó khăn trong tiêu thụ nên người dân đã có sự chuyển dịch sang nuôi tôm hùm xanh, với khoảng 50% nuôi tôm hùm bông và 50% nuôi tôm hùm xanh. Tuy nhiên, do giống tôm hùm xanh khan hiếm nên hiện nay số lồng thả nuôi loại tôm hùm này rất thấp, rất ít hộ có giống để nuôi. Nguồn cung khan hiếm đã đẩy giá tôm hùm xanh giống tăng cao, hiện ở mức khoảng 110.000 đồng/con, gấp đôi so với cùng thời điểm này những năm trước, nhưng người nuôi vẫn không thể mua được con giống.

Được biết, tình hình khan hiếm giống tôm hùm xanh tại các vùng nuôi trong tỉnh đã kéo dài từ khoảng cuối tháng 6-2023 đến nay. Hiện nay, do chưa chủ động sản xuất giống nên đối với tôm hùm bông, nguồn giống cung cấp cho người nuôi chủ yếu khai thác tại các vịnh, đầm trong tỉnh khoảng 10 – 15% nhu cầu; số lượng giống còn lại được thu mua từ nguồn khai thác tự nhiên ở các tỉnh Nam Trung Bộ và nhập khẩu từ các nước lân cận. Riêng tôm hùm xanh phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu từ các nước. Hiện nay, số lượng ô lồng nuôi tôm hùm xanh trong tỉnh rất lớn, nhu cầu con giống loại tôm hùm này lên đến khoảng 40 triệu con/năm, nếu tính cả nhu cầu để bổ sung giống do hao hụt trong quá trình nuôi thì số lượng con giống người nuôi cần còn lớn hơn. Trong khi đó, từ tháng 7-2023 đến nay, chỉ có 1 lô tôm hùm xanh giống với 200.000 con được cấp phép nhập khẩu về tỉnh để phục vụ người nuôi.

Khó chuyển đổi đối tượng nuôi

Theo quy định hiện nay, tôm hùm giống nhập khẩu được kiểm soát chặt chẽ, phải có giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu do cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp và xác nhận thủy sản không có mầm bệnh truyền nhiễm. Con tôm hùm giống nhập khẩu được đưa về các cơ sở cách ly kiểm dịch; được các cơ quan chuyên môn ở Trung ương quản lý, kiểm soát theo đúng quy trình từ cửa khẩu đến địa điểm cách ly, kiểm tra, xét nghiệm phải âm tính với bệnh Đốm trắng và bệnh Sữa.

Hiện nay, một số nước có chính sách cấm xuất khẩu tôm hùm giống hoặc kiểm soát chặt chẽ doanh nghiệp xuất khẩu tôm hùm giống sang Việt Nam. Điều này đã dẫn đến thực trạng vận chuyển, buôn bán trái phép tôm hùm giống không rõ nguồn gốc, không được kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh từ nước ngoài vào nước ta, dẫn đến nguy cơ xâm nhiễm nguồn bệnh đốm trắng, bệnh sữa dễ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề nuôi tôm hùm trong nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có công văn yêu cầu các địa phương trong cả nước ngăn chặn nhập lậu, buôn bán, vận chuyển tôm hùm giống bất hợp pháp. Các cơ quan chức năng địa phương cũng kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu tôm hùm giống về tỉnh để tránh ảnh hưởng đến nghề nuôi này.

Một góc vùng nuôi thủy sản trên vịnh Cam Ranh.

Để tránh tình trạng treo lồng, một số hộ nuôi đã tìm cách chuyển sang nuôi các đối tượng nuôi khác, tuy nhiên số lượng chuyển đổi không nhiều. “Hộ nào nuôi con gì thì có kinh nghiệm chăm sóc con đó, chứ khó chuyển đổi sang đối tượng nuôi khác ngay được. Chỉ một số hộ nuôi ở khu vực gần bờ hơn mới có thể chuyển đổi sang nuôi cá, hàu, sò, còn đa số các hộ nuôi ở vùng nước có độ mặn cao không thể chuyển đổi được. Đó là chưa kể, nuôi cá bây giờ cũng rất khó khăn, tỷ lệ hao hụt cao, nếu không có kinh nghiệm rất dễ bị chết nhiều; đầu ra cũng khá bấp bênh… nên người nuôi không mặn mà việc chuyển đổi, 10 bè thì chỉ có 1 – 2 bè chuyển đổi số ít lồng nuôi”, ông Phan Ngọc Tấn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết.

Trước thực trạng này, người nuôi tôm hùm xanh ở các vùng nuôi trong tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng có biện pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn cung tôm hùm giống sạch bệnh, nhất là tôm hùm xanh để phục vụ nhu cầu nuôi trong tỉnh. Bên cạnh việc hợp tác để nhập khẩu tôm hùm giống chính ngạch về Việt Nam để phục vụ nhu cầu nuôi, cần nghiên cứu, sản xuất thành công tôm hùm giống, vừa đảm bảo ổn định nguồn cung tôm hùm giống, vừa đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của các nước nhập khẩu tôm hùm thương phẩm…

Hải Lăng

Báo Khánh Hòa

Tin mới nhất

T6,22/11/2024