Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025

[Người nuôi tôm] – Xác định được giá trị kinh tế mang lại từ con tôm, đầu năm 2018 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025.

Theo đó, mục tiêu phát triển ngành tôm Việt Nam trở thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước.

Cụ thể, ngành tôm đang phát huy tiềm năng về điều kiện tự nhiên, các lợi thế về thị trường, công nghệ chế biến và kinh nghiệm của người dân để phát triển hiệu quả, bền vững, thích với biến đổi khí hậu. Đồng thời, phát triển ngành tôm theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và các thành tựu khoa học kỹ thuật mang tính đột phá, thân thiện môi trường, phù hợp với đặc điểm sinh thái từng vùng để tăng năng suất, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, có chất lượng cao.

Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025

Kế hoạch hành động cũng nêu rõ, phát triển sản xuất gắn chặt với nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tôm Việt Nam; đầu tư phát triển ngành tôm theo tư duy hệ thống và chuỗi giá trị; trong đó doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt và là động lực của toàn chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ để tạo vùng sản xuất nguyên liệu tập trung quy mô lớn, tạo đầu mối để liên kết với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2017 – 2020, ngành tập trung sản xuất tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm tôm Việt Nam thông qua áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, tổ chức lại sản xuất; xây dựng nền tảng cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững.

Theo đó, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ giai đoạn này 710.000 ha, ước đạt sản lượng hơn 832.000 tấn, cho giá trị kim ngạch xuất khẩu 5,5 tỷ USD.

Giai đoạn 2021 – 2025, đẩy mạnh nhân rộng ngành công nghiệp tôm công nghệ cao tại các vùng sản xuất trọng điểm; vùng nuôi tôm hữu cơ được áp dụng công nghệ để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm dựa trên các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật được đầu tư đồng bộ.

Với tổng diện tích tôm nuôi đạt 750.000 ha, sản lượng sẽ đạt hơn 1,1 triệu tấn, với giá trị kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD.

 

 

Tin mới nhất

T2,11/11/2024