Hướng đi mới cho mô hình nuôi tôm siêu thâm canh

Ngày 21/2, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cùng lãnh đạo UBND tỉnh, chính quyền các địa phương và đơn vị liên quan đã có chuyến khảo sát thực tế để tìm hướng nhân rộng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh tại huyện Cái Nước.

Trong chuyến khảo sát thực địa, lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã đến tìm hiểu và tham quan thực tế mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn bằng công nghệ tuần hoàn ít thay nước và an toàn sinh học (Dự án nuôi tôm an toàn sinh học) tại trang trại của gia đình ông Huỳnh Thái Nguyên, ngụ ấp Rau Dừa B, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước.

Đây là một trong 2 hộ dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau tham gia Dự án nuôi tôm an toàn sinh học được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và tài trợ của tổ chức Cirad. Trong đó, kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% (gồm quy trình công nghệ, thiết bị máy móc, nguyên vật liệu và năng lượng, chuyên gia, phân tích mẫu…), phần còn lại là vốn đối ứng của hộ nuôi.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau khảo sát dự án nuôi tôm an toàn sinh học – Ảnh: H.T

Các hộ tham gia Dự án nuôi tôm an toàn sinh học phải thực hiện ít nhất 3 vụ nuôi nhằm đánh giá tính ổn định của quy trình công nghệ. Đến thời điểm khảo sát thực tế, hộ ông Huỳnh Thái Nguyên đã thực hiện đến vụ nuôi thứ 5 (vụ nuôi đầu thả giống từ tháng 6.2023).

Kết quả, cả 5 vụ nuôi đều thành công với thời gian nuôi trung bình 90 ngày/vụ, tôm đạt trọng lượng từ 26 – 40con/kg, năng suất trung bình đạt 60 tấn/ha/vụ. Qua tính toán, tổng chi phí đầu tư cho mỗi kg tôm đến khi thu hoạch từ 80.000 – 100.000 đồng, trong khi giá bán từ 120.000 – 140.000 đồng (tùy kích cỡ).

Sau khi trừ chi phí, hộ nuôi thu lợi nhuận trung bình từ 30.000 – 40.000 đồng/kg. Điểm nổi bật của mô hình này là nuôi được từ 6-8 vụ/năm; tôm nuôi không sử dụng kháng sinh, chất lượng tôm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; nước thải đạt tiêu chuẩn xả thải theo quy định (100% hệ thống nuôi không xả thải ra môi trường bên ngoài).

Mặc dù dự án chưa kết thúc (kế hoạch nghiệm thu vào tháng 4.2024) nhưng hiện đã có 6 hộ dân ở xã Tân Hưng Đông (huyện Cái Nước) và xã Lợi An (huyện Trần Văn Thời) đến tìm hiểu để áp dụng công nghệ nuôi tôm an toàn sinh học vào vuông tôm của gia đình.

Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đánh giá, bước đầu Dự án nuôi tôm an toàn sinh học đã thành công, đặc biệt là kiểm chứng được công nghệ nuôi đạt hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục về thiết kế ao nuôi, chi phí đầu tư cống lọc thải…

Nhằm có kết quả đánh giá, xem xét tính khả thi của dự án để triển khai nhân rộng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị Sở KH-CN sớm lấy ý kiến từ các sở ngành liên quan để xem xét, tổng kết mô hình. Ngành nông nghiệp rút kinh nghiệm về xây dựng ao đầm, vấn đề cần lưu ý để phổ biến cho các địa phương và người dân hiểu thêm về quy trình nuôi.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau (đứng) phát biểu chỉ đạo trong chuyến khảo sát thực tế – Ảnh: H.T

Phát biểu trong chuyến khảo sát, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau khẳng định: “Thế mạnh của Cà Mau là con tôm nên phát triển nuôi theo cách nào, công nghệ nào cũng phải hướng đến hiệu quả cao nhất cho nông dân. Trong đó, vai trò của chính quyền, ngành chức năng là hỗ trợ nông dân về mặt chính sách, kỹ thuật, vốn… giúp tăng năng suất, nâng cao tỷ lệ thành công nhưng giá thành đầu tư nuôi tôm phải ở mức thấp nhất”.

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau lưu ý, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh cũng cần tính toán lại quy hoạch vùng nuôi, khu vực nuôi tập trung, tránh việc nuôi nhỏ lẻ nhằm huy động đầu tư của nhà nước về hạ tầng phục vụ nhân dân. Trong phát triển nuôi siêu thâm canh, dù nuôi tôm theo mô hình, công nghệ nào cũng phải hướng đến nuôi tôm sạch, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và hạn chế tối đa dịch bệnh.

Trần Khải

Nguồn: 1thegioi.vn

 

Tin mới nhất

T6,22/11/2024